1. Vì sao trẻ dễ bị hen phế quản tái phát?
Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng đáp ứng đường thở (co thắt phế quản, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí thở làm xuất hiện các dấu hiệu như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
Hen ở trẻ mang tính chất cơ địa, tuy không khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị để thuyên giảm không có triệu chứng ảnh hưởng đến trẻ. Phần lớn các trẻ sẽ biến mất các triệu chứng hen sau 6 tuổi, có khoảng 30% trẻ sẽ có các triệu chứng hen ở tuổi trưởng thành hoặc trung niên.
Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đây cũng là bệnh rất dễ bị tái phát, nếu trẻ không được điều trị dứt điểm và không tuân theo các chỉ định của bác sĩ.
Một số nguyên nhân gây hen phế quản tái phát ở trẻ:
- Chỉ sử dụng thuốc cắt cơn hen không không điều trị dự phòng.
- Không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
- Không hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng
- Sử dụng thuốc dự phòng hen phế quản không đúng chỉ dẫn
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý...
2. Dùng thuốc corticoid trong dự phòng hen phế quản tái phát
Trong điều trị dự phòng hen phế quản tái phát ở trẻ, thuốc được lựa chọn đầu tiên là corticoid dạng hít, giúp kiểm soát các triệu chứng của hen phế quản, giảm nguy cơ xảy ra các đợt hen cấp tính. Các thuốc corticoid dạng hít được sử dụng hàng ngày, thường là budesonide, fluticasone, beclomethasone...
- Budesonide: Thuốc giúp nhăn chặn sự giải phóng các chất gây viêm trong cơ thể từ đó ngăn ngừa các cơn hen phế quản. Khi dùng budesonide có thể gặp các tác dụng phụ: Kích ứng da, nhiễm nấm Candida hầu họng...
- Fluticasone: Thuốc làm giảm các triệu chứng và các đợt kịch phát hen ở những bệnh nhân được điều trị trước đó chỉ bằng thuốc giãn phế quản đơn thuần hoặc bằng biện pháp điều trị dự phòng khác. Thuốc cần được dùng thường xuyên cả khi không có triệu chứng. Không dùng fluticasone trong dự phòng hen phế quản ở trẻ dưới 4 tuổi và những người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
Một số tác dụng phụ thường gặp: Sốt, ớn lạnh, suy nhược, buồn nôn, nôn, chảy nước mũi, phát ban, khó thở, sưng mặt, mờ mắt... Khi dùng dài ngày, liều cao fluticasone có thể gây hội chứng Cushing, chậm tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên, giảm mật độ khoáng xương, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
- Beclomethasone: Beclomethasone được sử dụng để ngăn ngừa, kiểm soát các triệu chứng thở khò khè và khó thở gây ra bởi bệnh hen phế quản. Thuốc tác động trực tiếp đến phổi giúp thở dễ dàng hơn bằng cách giảm kích ứng và sưng đường hô hấp.
Beclomethasone có thể gây khô cổ họng, mất vị giác, khứu giác, nổi mề đay, phát ban, co thắt phế quản…
Lưu ý khi sử dụng corticoid dạng hít:
Corticoid dạng hít trị hen phế quản khi dùng kéo dài khá an toàn ở liều thấp. Trẻ điều trị bằng thuốc corticoid dạng hít cần được theo dõi chiều cao đều đặn.
Có thể tránh được các tác dụng phụ của các thuốc corticoid dạng hít trị hen phế quản bằng cách:
- Súc miệng bằng nước rồi nhổ ra để tránh tác dụng phụ tại miệng, họng.
- Cho trẻ dùng thuốc qua buồng đệm.
- Có chế độ ăn đủ đinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho trẻ.
- Dùng đúng liều thuốc được bác sĩ chỉ định.
- Nếu được kê đơn điều trị dự phòng hen phế quản, không tự ý ngưng thuốc và cần tái khám định kỳ để điều chỉnh liều khi cần.
3. Làm gì để trẻ không bị tái phát cơn hen?
Phòng tránh hen phế quản tái phát, cần:
- Không tự ý dùng thuốc trị hen phế quản cho trẻ.
- Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc cho trẻ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc trị hen phế quản khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Thông báo cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường trong thời gian sử dụng thuốc điều trị hen phế quản cho trẻ.
- Tránh các yếu tố khởi phát hen ở trẻ: Tránh không khí lạnh hoặc ô nhiễm từ khí thải xe, nhà máy hay chất đốt, đặc biệt khói thuốc lá; làm sạch mạt bụi nhà; vệ sinh phòng sạch, loại bỏ các dị nguyên hô hấp như nấm mốc, gián, lông chuột, lông chó mèo, vảy da của thú cưng; tránh phấn hoa, các hóa chất hoặc các loại có mùi mạnh cũng có thể khởi phát cơn hen...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhiều thói quen sinh hoạt không tốt có thể làm trầm trọng tình trạng hen phế quản của bệnh nhân.