Ở trẻ nhỏ (trẻ dưới 5 tuổi) có hệ tiêu hóa và miễn dịch còn non nớt. Trẻ lại thường hay bị ốm nên rất cần có sự hỗ trợ của men tiêu hóa và men vi sinh, nhất là khi hệ tiêu hóa bị rối loạn hoặc sau ốm, sau khi sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, khi cho trẻ sử dụng các chế phẩm hỗ hợ tiêu hóa này, phụ huynh cần lưu ý một số điều để đảm bảo hiệu quả đối với sức khỏe của bé.
Sữa chua cung cấp men vi sinh có lợi cho trẻ
Tránh nhầm lẫn men tiêu hóa và men vi sinh
Hiện nay, một số chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa thường được mọi người gọi chung bằng một cụm từ là: men tiêu hóa. Thực chất các chế phẩm này được chia thành hai loại là men tiêu hóa và men vi sinh, có công dụng, đối tượng sử dụng khác nhau. Việc nhầm lẫn giữa hai loại trên hoặc có khi người sử dụng không biết mình đang cho con dùng loại gì, chỉ biết gọi chung là men tiêu hóa sẽ khiến cho tình trạng tiêu hóa không được cải thiện, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn. Không ít trường hợp vì thấy con biếng ăn, chậm lên cân... nhiều mẹ đã tự ý mua men tiêu hóa về cho con uống nhưng lại mua nhầm sang men vi sinh. Con được dùng men trong một thời gian dài tới vài tháng mà tình trạng biếng ăn không được cải thiện. Đưa con đi khám lại tiêu hóa thì mới biết con bị loạn khuẩn đường ruột do phụ thuộc quá nhiều vào men vi sinh nên vi khuẩn có lợi và có hại trong ruột không tự cân bằng được.
Vậy khi cho trẻ dùng men tiêu hóa, cần biết rõ men tiêu hóa và men vi sinh và khi nào con cần dùng để phát huy tối đa hiệu quả của men hỗ trợ tiêu hóa, tránh việc phải chịu hậu quả không mong muốn.
Men tiêu hóa: Là men (enzym) do cơ thể tiết ra để tiêu hoá thức ăn (cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu). Đây là các loại men do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra, ví dụ tuyến nước bọt bài tiết men ptyalin (còn gọi anpha - amylase) có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín thành đường maltoza. Dạ dày bài tiết ra axit clohydric (HCl) và các men pepsin, lipase. Quan trọng nhất là các men được bài tiết từ tuỵ tạng. Dịch tuỵ chứa đầy đủ các men tiêu hoá chất bột, chất đạm, chất béo. Men tiêu hoá chất đạm của tuỵ bao gồm: trypsin, chymotrypsin, arboxypolypeptidase. Men tiêu hoá tinh bột của tuỵ cũng là anpha-amylase có cấu trúc giống men ptyalin của nước bọt nhưng tác dụng mạnh hơn nhiều lần. Chế phẩm men tiêu hóa bán trên thị trường gồm: neopeptine, enzyplex, zymoplex, panse, digelase, triase, panthiacone...
Men vi sinh: Còn gọi là probiotic - là chế phẩm vi sinh chứa các loại vi khuẩn có lợi, được đưa vào ruột để bù đắp, lập lại sự cân bằng vi khuẩn đường ruột. Men vi sinh được chỉ định với các trường hợp loạn khuẩn ruột, biểu hiện ở việc đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Trong ống tiêu hóa của con người có 3 nhóm vi khuẩn chính: loại có hại, loại cơ hội và vi khuẩn có lợi. Vi khuẩn có lợi tạo ra một lớp hàng rào bảo vệ quan trọng, giúp đường ruột tránh được sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn có hại và tác nhân gây bệnh. Vi khuẩn có lợi còn sản xuất ra một số enzym (men tiêu hóa) và vitamin nội sinh, giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn. Nhờ đó, đường ruột được lành mạnh để thực hiện tốt chức năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Việc bổ sung các men vi sinh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đường ruột. Các loại men vi sinh trên thị trường hiện nay gồm: antibio, probio, bioacimin, lactomin...
Cho trẻ dùng chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa khi nào?
Men tiêu hóa chỉ được bác sĩ kê đơn khi xác định trẻ thiếu men tiêu hóa hoặc muốn tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn ở trẻ kém hấp thu, biếng ăn. Trẻ mới ốm dậy, thể lực yếu, hệ tiêu hóa chưa tiết men đầy đủ cũng là đối tượng nên dùng để giúp cơ thể hồi phục nhanh. Men tiêu hóa chỉ được dùng trong một khoảng thời gian nhất định. Không nên sử dụng men tiêu hóa lâu ngày vì có thể làm giảm sự bài tiết enzym tự nhiên của cơ thể khiến cơ thể phụ thuộc vào nguồn enzym cung cấp từ ngoài vào. Không tự ý cho trẻ dùng men tiêu hóa khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Men vi sinh được chỉ định dùng sau khi sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn tạp khuẩn (thường gặp ở người bệnh vừa điều trị kháng sinh) với biểu hiện: đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa... Men vi sinh có thể dùng dài ngày nhưng cũng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng men vi sinh sao cho đúng?
Nhiều người pha men vi sinh vào nước, cháo hay sữa còn nóng. Việc làm này không đúng khoa học bởi nhiệt độ cao sẽ làm giảm hoạt lực của men vi sinh. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng của vi khuẩn có ích, bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng trong quá trình pha chế, cần pha men vi sinh trong nước nguội để đảm bảo vi sinh vật sống được đưa tới đường ruột và thực hiện sứ mệnh hỗ trợ của mình. Ngoài việc dùng men vi sinh, các loại thức ăn như kim chi, sữa chua, dưa chua cũng góp phần cung cấp các loại men vi sinh có lợi.
DS. Lan Thu