Lưu ý khi dùng carbimazol điều trị cường giáp

27-10-2011 08:05 | Dược
google news

Carbimazol là một thuốc kháng giáp, có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormon giáp, giảm lượng hormon giáp vào tuần hoàn, do đó làm giảm tình trạng nhiễm độc giáp.

Carbimazol là một thuốc kháng giáp, có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormon giáp, giảm lượng hormon giáp vào tuần hoàn, do đó làm giảm tình trạng nhiễm độc giáp. Thuốc không điều trị được nguyên nhân gây cường giáp, vì vậy nếu sau khi dùng thuốc được 12-18 tháng (thường dưới 24 tháng) mà tình trạng nhiễm độc giáp vẫn còn thì phải cắt bỏ tuyến giáp hoặc dùng iod phóng xạ.

Nếu dùng carbimazol liều quá cao và thời gian dùng quá dài dễ gây giảm năng giáp. Nồng độ hormon giáp giảm làm cho tuyến yên tăng tiết TSH (thyreostimulating hormone). TSH kích thích lại sự phát triển tuyến giáp có thể gây ra bướu giáp. Để tránh hiện tượng này khi chức năng giáp đã trở về bình thường phải dùng liều thấp vừa phải, để ức chế sản xuất hormon giáp ở một mức độ nhất định hoặc kết hợp dùng hormon giáp tổng hợp như levothyroxin để tuyến yên không tăng tiết TSH.

Siêu âm tuyến giáp.

Thuốc phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định sử dụng và theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Cần theo dõi số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu trước khi bắt đầu điều trị và hàng tuần trong 6 tháng đầu điều trị vì có thể xảy ra suy tủy, giảm bạch cầu, đặc biệt là ở người bệnh cao tuổi hoặc dùng liều từ 40mg mỗi ngày trở lên.

Cần chú ý tới những tác dụng phụ có thể xảy ra do thuốc. Tỷ lệ chung tác dụng không mong muốn là 2-14%. Tai biến xảy ra phụ thuộc vào liều dùng và thường xảy ra trong 6-8 tuần đầu tiên điều trị. Thường gặp là các dị ứng ngoài da (ban, ngứa) ở khoảng 2-4% người bệnh dùng thuốc. Đối với các trường hợp này có thể khắc phục bằng cách uống kháng histamin mà không cần ngừng thuốc. Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu (thường nhẹ và vừa). Trường hợp dùng thuốc thấy đau họng, nhiễm khuẩn, ban da, sốt, ớn lạnh người bệnh phải đến thầy thuốc kiểm tra huyết học. Nếu thấy mất bạch cầu hạt, suy tủy phải ngừng điều trị, chăm sóc, điều trị triệu chứng và có thể phải truyền máu. Không dùng thuốc cho người ung thư tuyến giáp phụ thuộc TSH; suy tủy, giảm bạch cầu nặng, suy gan nặng hay mẫn cảm với thuốc hoặc các thành phần của thuốc.

DS. Hoàng Thu Thủy


Ý kiến của bạn