Lưu ý khi dùng các thuốc chữa bệnh chốc

16-06-2022 14:26 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da rất phổ biến, hay gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Mùa nóng, coi chừng bệnh ngoài daMùa nóng, coi chừng bệnh ngoài da

SKĐS - Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, vào mùa hè số lượng bệnh nhân khám các bệnh về da luôn cao hơn mức bình thường,

1. Vì sao mắc bệnh chốc?

Bệnh chốc là tình trạng da bị nhiễm trùng, có thể bắt đầu từ nơi da bị tổn thương (chốc thứ phát) như các vết cắt nhỏ, vết đốt của côn trùng, hay sang thương viêm da cơ địa…, nhưng cũng có thể ở ngay trên da lành (chốc nguyên phát).

Ai cũng có thể bị chốc, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em 2-5 tuổi. Ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, bệnh chốc xảy ra quanh năm. Người lớn và trẻ em có nguy cơ bị chốc cao nếu bị đái tháo đường, chạy thận nhân tạo, cơ địa suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV), có bệnh da viêm như viêm da cơ địa hay vảy nến, đang bị bỏng, đang nhiễm các tác nhân gây ngứa khác như ghẻ, rận, Herpes simplex, bị côn trùng cắn, tiếp xúc với cây thường xuân, chơi các môn thể thao va chạm tiếp xúc nhiều.

photo-1655301137813

Ai cũng có thể mắc bệnh chốc.

2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh chốc?

Chốc thường do da bị nhiễm tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) hoặc liên cầu (Streptococcus pyogenes). Các vi khuẩn này xâm nhập cơ thể qua khe hở của da bị tổn thương, tạo thành ổ nhiễm. Chốc có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết tổn thương da của người bệnh, hoặc tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng khăn, áo… của người bệnh. Tuy nhiên, các vi khuẩn gây bệnh này cũng tồn tại phổ biến trong môi trường, và hầu hết mọi người không bị chốc khi tiếp xúc với chúng.

Kháng sinh đường uống có tác dụng nhanh hơn kháng sinh bôi tại chỗ, nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ hơn.

3.Thuốc nào điều trị bệnh chốc?

Bệnh nhân nên đến khám tại phòng khám chuyên khoa da liễu để có chẩn đoán chính xác. Thông thường có các thuốc điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.

3.1. Điều trị tại chỗ

- Đối với bọng nước, bọng mủ, có thể chấm dung dịch màu vào buổi sáng như milian, castellani, dung dịch eosin 2%...

Thuốc tím milan có thành phần chính bao gồm là xanh methylen và tím gentian. Thuốc được dùng để điều trị nhiễm virus ngoài da, có thể dùng trong điều trị bệnh chốc.

Lưu ý, Không bôi thuốc lên vết thương hở, vết loét rộng hoặc tổn thương loét ở mặt, người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Thành phần tím gentian có thể gây kích ứng và loét niêm mạc khi bôi do đó, nên tránh tiếp xúc trực tiếp với mắt.

-Đối với trường hợp nhiều vảy tiết thì cần đắp nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím 1/10.000 hoặc dung dịch Jarish lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy.

-Dùng kháng sinh bôi ngoài da: Nếu bệnh chốc chỉ ảnh hưởng một vùng nhỏ, có thể dùng kháng sinh bôi tại chỗ như kem hay mỡ mupirocin, acid fusidic.

Các thuốc này được dùng trong điều trị các loại nhiễm trùng ngoài da như bệnh chốc. Lưu ý, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

3.2. Điều trị toàn thân

Kháng sinh đường uống cũng là lựa chọn hiệu quả trong điều trị bệnh chốc. Tùy từng trường hợp bệnh mà có loại kháng sinh phù hợp. Kháng sinh đường uống có tác dụng nhanh hơn kháng sinh bôi tại chỗ, nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ hơn.

photo-1655301143659

Dùng thuốc bôi tại chỗ điều trị bệnh chốc cần được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Một số loại kháng sinh thường dùng là:

-Amoxicillin/acid clavulanic: Là kháng sinh đường uống được sử dụng trong trị bệnh chốc. Tác dụng phụ thường gặp là rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Tuy nhiên, có thể tránh những tác dụng phụ này nếu uống thuốc sau ăn no. Ngoài ra, có thể gặp một số tác dụng phụ khác: Phản ứng da, vàng da ứ mật, viêm thận mô kẽ, viêm gan, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu...

-Cefalexin: Đây là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, có thể dùng để điều trị nhiễm trùng da và mô mềm. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cephalosporin cho những bệnh nhân quá mẫn với penicilin. Ngoài ra, cefalexin chống chỉ định ở những bệnh nhân dị ứng với nhóm cephalosporin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Khi sử dụng cephalexin bệnh nhân có thể gặp tiêu chảy, buồn nôn. Tránh sử dụng cefalexin kéo dài, vì có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi sinh vật không nhạy cảm. Lưu ý, cefalexin nên được dùng thận trọng khi bệnh nhân có chức năng thận suy giảm.

-Clindamycin: Cũng được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm trên da. Tác dụng phụ của clindamycin thường gặp là buồn nôn, nôn, tiêu chảy... Một vài trường hợp có thể bị ngứa khi sử dụng loại kháng sinh này. Đối với bệnh nhân chốc có tiền sử bệnh ở đường tiêu hóa, viêm đại tràng hoặc người cao tuổi… cần theo dõi cẩn thận nhu động ruột và bệnh tiêu chảy.

4. Chăm sóc tại nhà

Chăm sóc tại nhà đúng cách có thể hỗ trợ giúp bệnh chốc lành nhanh hơn.

Có thể thực hiện:

- Làm sạch tổn thương nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước ấm để gỡ bỏ vẩy nhẹ nhàng.

- Lưu ý rửa tay kỹ sau khi chăm sóc tổn thương để tránh lây lan vi khuẩn.

- Thoa các thuốc kháng khuẩn tại chỗ như povidine-iodine, chlorhexidine, dung dịch thuốc màu… 2 – 3 lần/ngày trong 5 ngày.

- Đợi khô tổn thương và bôi kháng sinh theo chỉ định bác sĩ và băng nhẹ nhàng tổn thương bằng gạc (nếu có thể).

5. Lời khuyên của thầy thuốc

Để điều trị triệt để bệnh chốc cần lưu ý:

- Chỉ sử dụng thuốc khi đã được bác sĩ tư vấn, không được tự ý sử dụng, đặc biệt là kháng sinh.

- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

- Trẻ em bị bệnh chốc nên nghỉ học cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm. Người lớn làm những việc cần tiếp xúc gần với người khác nên hỏi bác sĩ khi nào thì có thể đi làm lại.

- Sử dụng khăn và quần áo riêng biệt. Đừng sử dụng chung vật dụng cá nhân nào với bệnh nhân chốc.

- Rửa tất cả những vật dụng chạm vào vết thương bằng nước nóng và bột giặt. Rửa và khử trùng các bề mặt, dụng cụ, đồ chơi tiếp xúc với vết thương.

- Thay và giặt quần áo, đồ vải hàng ngày. Thay tấm trải giường, khăn tắm, và quần áo tiếp xúc thường xuyên vào tổn thương cho đến khi tổn thương không còn khả năng lây nữa.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dịch sốt xuất huyết tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chặt.

BS. Đặng Xuân Thắng - Phan Trọng Hiếu
Trường đại học y dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Ý kiến của bạn