Khi bệnh nhân có các biểu hiện như trên cấp tính hay kéo dài, cần đến chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán và điều trị. Việc điều trị tùy theo thể bệnh giúp bệnh nhân dễ chịu hơn chứ không giải quyết được nguồn gốc bệnh. Cần tìm được nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với chúng. Các loại thuốc được chỉ định bởi bác sĩ nhãn khoa sẽ giúp người bệnh sống thoải mái hơn với dị ứng chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Đa phần các bệnh sẽ được kê các thuốc kháng histamin và bền màng mastocyte. Kết hợp với nước mắt nhân tạo các loại, các sản phẩm bôi trơn bề mặt nhãn cầu vừa điều trị dị ứng, vừa chống khô mắt.
Ngoài ra, chườm lạnh ở mắt hoặc nhỏ các loại nước muối sinh lý có bán rộng rãi tại các nhà thuốc cũng làm mắt dễ chịu hơn.
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là thói quen tự dùng thuốc của người bệnh. Khi bị viêm kết mạc dị ứng, bệnh nhân tự mua các thuốc chống viêm và sử dụng kéo dài không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, rất nguy hiểm khi trong số các thuốc chống viêm đó là các chế phẩm có corticosteroid và người bệnh khó tránh khỏi tác dụng phụ của thuốc dẫn đến mù mắt khi còn rất trẻ.
Sau giai đoạn điều trị viêm cấp tính, người bệnh phải duy trì loại thuốc chống dị ứng. Có nhiều loại chống dị ứng trên thị trường, tùy từng trường hợp mà bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp. Khi bị tái phát bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng lại đơn thuốc cũ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm kết mạc dị ứng không gây nguy hiểm nhưng thường tái phát khi mắt tiếp xúc với dị nguyên. Nếu như phát hiện ra nguyên nhân gây dị ứng thì cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên đó. Nếu như dị ứng với phấn hoa, bụi thì cần phải đeo kính mắt, đeo khẩu trang; không nên trồng, cắm hoa xung quanh nhà; khi dọn vệ sinh nhà cửa cần có phương tiện bảo hộ che chắn bụi...
Khi bị bụi, phấn hoa bay vào mắt phải dùng thuốc chống dị ứng nhỏ vào mắt rửa sạch các dị nguyên này. Dị ứng với lông thú vật thì không nên nuôi chó, mèo trong nhà... Đặc biệt tránh day, dụi, xoa, ấn tại mắt vì có thể gây tổn thương mắt và cần ghi nhớ phải dùng thuốc nhỏ mắt chống dị ứng mỗi ngày.
Luôn vệ sinh sạch sẽ nhất là hai bàn tay. Khi đi ra ngoài nên đeo kính để hạn chế gió, bụi. Nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt nhất là đối với gia đình có người thân bị bệnh.
Phải tiến hành cách ly người bệnh: dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, thìa bát, vỏ gối, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người... Tập trung điều trị hợp lý và tích cực cho người bệnh đến khi khỏi hẳn.
Sau khi chăm sóc cho bệnh nhân phải rửa tay bằng xà phòng. Khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm lại.
Cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị, khám đúng hẹn theo lịch để tránh các biến chứng loét trên giác mạc, tránh tác dụng phụ của thuốc và quan trọng là hạn chế bệnh tái phát.
Bác sĩ Kim Thanh