1. Tiêu chảy cấp có nguy hiểm không?
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, tóe nước với tần suất trên 3 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy cấp có khởi đầu cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày. Đây là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học do hệ miễn dịch còn kém.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý căn bệnh tiêu chảy do Rotavirrus.
Tiêu chảy do Rotavirus rất dễ lây lan, có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc ngoài tay hoặc đồ vật. Trẻ 6-24 tháng tuổi dễ nhiễm Rotavirus, bởi đang trong thời kỳ tập bò, cầm nắm đồ vật và đưa vào miệng.
Bệnh có thể dễ nhầm lẫn với chứng tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Nhiều cha mẹ không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp, khiến hậu quả thường nghiêm trọng.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus thường biểu hiện là nôn ói nhiều lần trong 1-2 ngày đầu tiên. Sau đó, trẻ sẽ ói bớt đi và bắt đầu tiêu chảy. Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, màu xanh dưa cải hoặc có thể kèm theo nhầy nhưng không có máu. Vài ngày sau đó tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3- 9 ngày.
Bên cạnh đó, trẻ có thể sốt, đau bụng, ho và chảy nước mũi. Trong giai đoạn này, trẻ rất dễ bị mất nước, nếu không được chăm sóc thích hợp sẽ có khả năng phải nhập viện điều trị.
Tiêu chảy là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa đông xuân.
2. Nguyên tắc điều trị và chăm sóc trẻ mắc tiêu chảy do virus Rota
Điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus chủ yếu tập trung nhằm bù nước và điện giải. Đối với trẻ bị thể nhẹ, chưa có dấu hiệu mất nước, sau khi thăm khám có thể điều trị tại nhà.
Dung dịch oresol có tác dụng bù nước và điện giải, khi sử dụng cần đảm bảo pha đúng lượng nước theo hướng dẫn sử dụng. Nếu pha không đủ nước, dung dịch quá đặc khi sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho trẻ; ngược lại nếu pha quá nhiều nước, dung dịch quá loãng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, bổ sung kẽm sẽ giúp trẻ giảm thời gian và mức độ nặng của đợt tiêu chảy, đồng thời tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy khác, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Nên cho trẻ uống kẽm sớm ngay khi có các triệu chứng tiêu chảy để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Điều trị tiêu chảy cấp do virus rota chủ yếu tập trung nhằm bù nước và điện giải.
3. Những thuốc nên sử dụng thận trọng trong điều trị tiêu chảy ở trẻ
Với tiêu chảy cấp do Rotavirus, điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Vì vậy cha mẹ không nên tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống khi bị tiêu chảy. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, trong trường hợp tiêu chảy phân máu, tả, xét nghiệm có vi khuẩn.
Ngoài ra, một số thuốc chống tiêu chảy có thể dùng cho người lớn nhưng không được khuyến cáo cho trẻ. Do đó không nên tự ý sử dụng khi chưa có đơn của bác sĩ. Các thuốc này bao gồm:
- Các thuốc hấp phụ như kaolin, attapulgite... có khả năng làm săn gây táo, làm bất hoạt độc tố cùng các tác nhân gây tiêu chảy. Tuy nhiên chưa có các bằng chứng rõ ràng trên lâm sàng chứng minh hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em.
- Các thuốc giảm nhu động như loperamid, atropine, paregoric... có thể làm giảm số lần tiêu chảy ở người lớn nhưng không nên sử dụng ở trẻ vì hiệu quả không đáng kể. Những thuốc này có tác dụng phụ gây liệt ruột, làm kéo dài thời gian tiêu chảy.
- Thuốc bismuth subsalicylate có thể làm giảm lượng phân tiêu chảy ở người lớn, tuy nhiên lại ít tác dụng đối với trẻ em.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bé gái sơ sinh chào đời với cân nặng 'khủng' 6kg- Những điều cần biết về thai to - SKĐS