Hà Nội

Lưu ý khi chữa viêm khớp tự phát ở trẻ

18-07-2013 15:07 | Dược
google news

Bệnh viêm khớp tự phát ở tuổi thiếu niên gây tổn thương nhiều vị trí, nếu để lâu, bệnh gây ra những biến chứng ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.

Bệnh viêm khớp tự phát ở tuổi thiếu niên gây tổn thương nhiều vị trí, nếu để lâu, bệnh gây ra những biến chứng ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.

Làm sao để biết trẻ bị bệnh?

Khi trẻ bị viêm khớp kéo dài 6 tuần trở lên và khởi phát bệnh trước 16 tuổi thì cần nghĩ ngay đến bệnh viêm khớp tự phát. Viêm khớp tự phát có nhiều thể bệnh khác nhau và cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh thường khởi phát sau nhiễm virut, vi khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella…). Các thể bệnh của viêm khớp tự phát sẽ xuất hiện theo từng lứa tuổi như viêm khớp thể viêm nhiều điểm bám tận của gân cơ, thường gặp ở trẻ lớn từ 12 - 16 tuổi, nam nhiều hơn nữ; viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 7 - 11 tuổi với các biểu hiện ở khớp thường xuất hiện trước khi có các tổn thương ở da. Thể bệnh hệ thống hay còn gọi là bệnh Still ở trẻ em có triệu chứng chính là sốt cao, nổi ban màu cá hồi ở da và viêm khớp...

Lưu ý khi chữa viêm khớp tự phát ở trẻ 1Viêm khớp thiếu niên tự phát ảnh hưởng lên nhiều khớp trên cơ thể.

Chữa trị như thế nào?

Hiện nay có nhiều biện pháp điều trị bệnh, mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp, tối ưu hóa các vận động khớp nhằm đạt tới chức năng khớp bình thường cho bệnh nhân.

Ngoài luyện tập và vật lý trị liệu, cần phải dùng thuốc để giúp trẻ giảm đau, tăng cường thể lực, thuốc điều trị cơ bản và cuối cùng là can thiệp ngoại khoa.

Thuốc nào giúp trẻ không đau?

Hiện nay đã có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh này, tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nhóm thuốc chính như sau: thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm giảm đau và các thuốc điều trị cơ bản, tức là thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm làm giảm, khống chế quá trình viêm khớp.

Các thuốc giảm đau đơn thuần đầu tiên được sử dụng là paracetamol. Các thuốc chống viêm giảm đau khác bao gồm thuốc không steroid (NSAIDs) và steroid. Tuy nhiên, cần phải chú ý tới các tác dụng phụ của nhóm thuốc này, đặc biệt là tác dụng tổn thương trên đường tiêu hóa, gây độc cho gan thận.

Thuốc chống viêm nhóm corticosteroid cũng là một nhóm thuốc quan trọng, thường được chỉ định trong các đợt tiến triển của bệnh khi sưng đau nhiều khớp hoặc khi viêm khớp thiếu niên tự phát có tổn thương nội tạng. Thuốc thường được sử dụng trong thời gian ngắn, khi kiểm soát tốt tình trạng viêm cần giảm liều nhanh, chuyển sang thuốc NSAIDs. Chú ý thuốc khi dùng kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ toàn thân, thậm chí gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.

Ngoài nhóm thuốc giảm đau, chống viêm cần phải dùng thuốc điều trị cơ bản hay còn gọi là thuốc thay đổi cơ địa. Thuốc điều trị cơ bản tác dụng chậm thường chỉ có tác dụng sau vài tuần đến vài tháng. Tùy vào thể bệnh mà nhóm thuốc này sẽ được bác sĩ cho sử dụng ngay từ giai đoạn sớm của bệnh. Methotrexat là thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp thiếu niên tự phát, tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ đặc biệt là gây tăng men gan. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân thường phải bổ sung acid folic nhằm hạn chế các tác dụng phụ này. Một thuốc khác là sulphasalazine cũng được lựa chọn trong những trường hợp viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm nhiều điểm bám tận hay thể viêm cột sống dính khớp. Thuốc có những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, loét họng, giảm bạch cầu trung tính..., nên cần được theo dõi y tế định kỳ hằng tháng. Hiện nay, một số thuốc mới được đưa vào sử dụng và cho những hiệu quả tốt như etanercept, infliximab, đang được nghiên cứu sử dụng điều trị cho trẻ em bị viêm khớp nặng và không đáp ứng điều trị với methotrexate.

Trường hợp nào cần phải mổ?

Trong thực tế, khi chữa trị bằng thuốc và các phương pháp khác không đạt được kết quả như mong muốn, buộc phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. Các phương pháp ngoại khoa hiện nay được áp dụng là: nội soi khớp rửa khớp, cắt bỏ màng hoạt dịch được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài; thay khớp một phần hay toàn bộ nhằm giảm đau, gỡ dính khớp tránh tình trạng bất động kéo dài do khớp bị tổn thương nặng, đặc biệt là những khớp trung bình và lớn như khớp gối, khớp vai, khớp háng...

Như vậy, để điều trị bệnh viêm khớp tự phát ở trẻ đạt hiệu quả cao, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như thấp khớp học, nhi khoa, phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý kết hợp với sự chăm sóc của gia đình và hỗ trợ của nhà trường...

ThS. Bùi Hải


Biện pháp đầu tiên nhằm tránh khớp bị dính đó là động viên trẻ tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp... Dùng vật lý trị liệu để duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất. Gia đình cũng nên cố gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày của trẻ như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, học tập ở trường lớp bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ.



Ý kiến của bạn