Lưu ý hội chứng loét sinh dục

13-03-2019 12:29 | Đời sống
google news

SKĐS - Hiện nay, tỷ lệ các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục ngày càng cao do quan hệ tình dục ngày càng phổ biến nhưng không thực hiện đầy đủ biện pháp bảo vệ an toàn, đặc biệt ở người trẻ.

Vì vậy, phát hiện sớm hội chứng loét sinh dục do nhiễm khuẩn để điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Tác nhân gây bệnh

Hội chứng loét sinh dục có thể xảy ra ở cả nam và nữ, đây là tình trạng có các vết loét được phát hiện ở vùng sinh dục - hậu môn do những tác nhân nhiễm khuẩn lây truyền qua hoạt động tình dục. Mô hình bệnh loét sinh dục có thể thay đổi theo các khu vực khác nhau trên thế giới nhưng trong đó bệnh thường hay gây ra loét là herpes sinh dục, giang mai và hạ cam.

Tác nhân gây loét sinh dục thường gặp do xoắn khuẩn Treponema pallidumgây bệnh giang mai, trực khuẩn Haemophilus ducreyi gây bệnh hạ cam; virút herpes HSV (herpes simplex virus) gồm hai loại là HSV-1 và HSV-2, nhóm herpes gây nên loét sinh dục chủ yếu là loại HSV-2.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng được phát hiện khi thấy một hay nhiều vết loét ở vùng sinh dục - hậu môn, môi, lưỡi, họng...; có thể đau hoặc không đau.Có hạch to, nổi hạch bẹn ở một bên hoặc hai bên, di động hay cố định và đau hay không đau; hạch bị nung mủ rồi gây loét hoặc không loét.Toàn trạng bình thường hoặc có sốt nhẹ, mệt mỏi.

Lưu ý hội chứng loét sinh dục

Trên cơ sở này, phải khai thác tiền sử và bệnh sử của người bệnh với triệu chứng hiện tại, thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh và thời gian bệnh tồn tại, tiền sử kinh nguyệt và thai nghén; đã có lần nào ra khí hư hoặc bị bệnh tương tự, bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, nếu có là mấy lần; lần giao hợp cuối cùng; sự liên quan giữa triệu chứng và giao hợp như gây đau hoặc làm triệu chứng nặng lên; đã có vợ, chồng hay bạn tình thường xuyên, số bạn tình và giới tính của bạn tình, nghề nghiệp...; vợ, chồng hoặc bạn tình có triệu chứng được chẩn đoán hoặc có nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục; thuốc điều trị, các biện pháp điều trị đã và đang sử dụng; tiền sử dị ứng thuốc; tiền sử trước đó hoặc hiện nay đang nghiện, tiêm chích ma túy, xăm trổ...

Sau đó khám lâm sàng tùy theo đối tượng nữ hay nam. Đối với nữ, khám toàn bộ da và niêm mạc để phát hiện những thương tổn bệnh lý; chú ý các phần hay xuất hiện tổn thương là miệng, nách, bẹn, hậu môn và lòng bàn tay, bàn chân. Khám môi lớn, môi bé và vùng hậu môn, niệu đạo, âm vật; phát hiện các tổn thương sẩn, vết loét, sùi, tổn thương ghẻ, hạch bẹn, rận mu và trứng rận; xem xét dịch âm đạo với màu sắc, mùi, đặc điểm dịch như dịch nhiều hay ít, trong hay đục, vàng, xanh, có mủ, có bọt, có dính vào thành âm đạo, có lẫn máu.

Sau đó đánh giá dịch ở trong ống cổ tử cung như dịch trong, dịch mủ hoặc mủ có lẫn máu; phát hiện các tổn thương loét, hột hoặc sùi trong cổ tử cung và thành âm đạo; khám bằng hai tay với hai ngón tay đưa vào âm đạo, ấn lên xem niệu đạo có mủ hoặc dịch chảy ra không, tay kia nắn nhẹ bụng dưới để xem có khối cứng hoặc đau vùng bụng không, khi đẩy cổ tử cung và di động tử cung có đau, có nhạy cảm không. Nếu có, đó là các dấu hiệu của viêm tiểu khung, đồng thời cũng phải khám hậu môn và vùng quanh hậu môn.

Đối với nam, khám toàn bộ da và niêm mạc để phát hiện những thương tổn bệnh lý; chú ý các phần hay xuất hiện tổn thương là miệng, nách, bẹn, hậu môn và lòng bàn tay, bàn chân; khám dương vật, miệng sáo, lộn bao quy đầu và vuốt dọc niệu đạo xem có dịch chảy ra không, xem xét màu sắc dịch, số lượng dịch và các tính chất khác của dịch; khám bìu dái, kiểm tra tinh hoàn, mào tinh hoàn về mật độ, kích thước, các thương tổn khác; đồng thời cũng phải khám hậu môn và vùng quanh hậu môn.

Ngoài ra, cần lưu ý khám kỹ vết loét để xác định số lượng, vị trí, kích thước, hình dạng; đặc điểm cứng hay mềm, đáy sạch hay có mủ, bờ tròn đều hay nham nhở, đau hay không đau, bề mặt vết loét phẳng hay gồ ghề, có hay tái phát không; khám hạch xác định hạch to hay nhỏ, cố định hay di động, một bên hay hai bên, đau hay không đau, có sưng đỏ không, có nung mủ không, có vỡ mủ không; khám tìm các thương tổn trên da như vết sẩn, sẩn mủ, đào ban; cần khám kỹ lòng bàn tay, bàn chân tìm tổn thương giang mai; khám niêm mạc vùng hậu môn, miệng, họng, mũi tìm các thương tổn ở niêm mạc và bán niêm mạc của bệnh giang mai, herpes; ghi nhận các triệu chứng khác như rụng tóc, đau khớp, mệt mỏi...

Thực hiện các xét nghiệm phản ứng huyết thanh chẩn đoán bệnh giang mai như RPR (rapid plasma reagin), VDRL (veneral disease research laboratory), TPHA (Treponema pallidum haemagglutination)...

Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đang có chiều hướng gia tăng tại cộng đồng do quan hệ tình dục không bảo đảm an toàn, trong đó có hội chứng loét sinh dục. Vì vậy khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán xác định nhằm điều trị bệnh kịp thời. Không vì sự mặc cảm hay xấu hổ để bệnh dây dưa kéo dài làm ảnh hưởng sức khỏe, gây ra nhiều biến chứng và có nguy cơ lây lan cho bạn tình cũng như những người khác.

Chẩn đoán xác định bệnh

Vết loét do bệnh giang mai hay săng (chancre) giang mai thời kỳ I là vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, ranh giới rõ ràng, không có bờ, đáy phẳng, thâm nhiễm cứng, không ngứa, không đau, không điều trị cũng sẽ tự khỏi sau 6 - 8 tuần, thường có một vết. Kèm theo viêm hạch thường là hạch bẹn một bên, di động, không đau, không nung mủ.

Vết loét do bệnh hạ cam thường có nhiều vết loét do tự lây nhiễm (kissing ulcers). Vết loét có đáy lởm chởm, nhiều mủ, bờ nham nhở, rất đau, hạch bẹn to một bên.Sau một vài tuần hạch vỡ mủ, tạo thành ổ ápxe hoặc lỗ dò.

Vết loét do bệnh herpes thường bắt đầu bằng đám mụn nước nhỏ như hạt tấm, hạt đậu xanh, cụm lại thành đám như chùm nho; sau đó dập vỡ tạo thành các vết trợt nông, mềm, bờ có nhiều cung kèm theo cảm giác rát hoặc ngứa, vết trợt tự khỏi nhưng rất hay tái phát. Có thể sưng hạch một bên hoặc hai bên bẹn, đau, không làm mủ.

Nếu trường hợp phát hiện có vết loét nhưng không phải vết loét do bệnh giang mai, hạ cam hoặc herpes, chuyển người bệnh lên tuyến trên để chẩn đoán xác định. Cần chú ý các vết loét có thể không điển hình như đã mô tả ở trên.

Hiện nay ở nhiều khu vực trên thế giới, herpes sinh dục là căn nguyên hay gặp nhất gây vết loét sinh dục. Những nơi có nhiều người nhiễm HIV, tỷ lệ loét sinh dục do herpes ngày càng càng có xu hướng gia tăng. Các vết loét do herpes sinh dục và các loét do nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục nói chung ở những người bệnh nhiễm HIV có thể không điển hình và thường diễn biến dai dẳng.

Xử trí điều trị can thiệp

Đối với tất cả mọi trường hợp loét sinh dục do các nguyên nhân đã nêu trên, nhân viên y tế cần xác định và điều trị cho cả bạn tình. Nếu xác định được nguyên nhân, điều trị theo nguyên nhân. Nếu vết loét không xác định được do bệnh giang mai hay hạ cam, điều trị đồng thời cả bệnh giang mai và hạ cam. Việc điều trị loét sinh dục ở người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và dương tính đều như nhau.Cần hướng dẫn chăm sóc cơ bản cho tổn thương là phải giữ sạch và khô.

Khuyến cáo người bệnh nên đi khám lại sau 7 ngày nếu thương tổn không lành hẳn hoặc có thể sớm hơn nếu tình trạng lâm sàng trở nên xấu đi. Phác đồ điều trị được thực hiện theo danh mục thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục quy định.

Bệnh nhân mắc bệnh ở tuyến dưới có thể chuyển lên tuyến trên trong một số trường hợp như:

- Không có sẵn các loại thuốc điều trị.

- Các triệu chứng không giảm sau một đợt điều trị.

- Herpes tái phát từ 6 lần trở lên trong một năm.

- Bệnh giang mai và hạ cam không đáp ứng với điều trị hoặc bệnh herpes sinh dục có biểu hiện lâm sàng nặng và lan toả với khả năng người bệnh bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV.

- Thai phụ sắp sinh bị herpes sơ phát với nguy cơ gây biến chứng cho thai nhi khá cao, vì vậy có thể cho điều trị trước 4 giờ hoặc trong 4 giờ trước khi vỡ ối và nên phẫu thuật lấy thai để tránh lây nhiễm cho con.

Những tư vấn cần thiết

Ngoài những thông tin cung cấp và tư vấn cho người bệnh nói chung, cần chú ý khuyến cáo những vấn đề cần thiết như:

Tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị, đặc biệt đối với bệnh giang mai và hạ cam để đề phòng các biến chứng của bệnh và cắt đứt nguồn lây. Khám bệnh lại theo lịch đã hẹn.

Loét sinh dục sẽ tạo điều kiện cho HIV và các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, nhiễm khuẩn đường sinh sản khác lây truyền dễ dàng hơn.

Bệnh hạ cam, herpes sinh dục và giang mai hay gặp ở những nơi có tỷ lệ lưu hành HIV cao và việc phòng chống các bệnh này là một phần rất quan trọng của phòng chống HIV. Nhiễm HIV có thể làm thay đổi hình thể lâm sàng của loét sinh dục, làm cho chẩn đoán bệnh chứng khó hơn; do đó cần nhấn mạnh sự cần thiết phải điều trị sớm, đặc biệt ở những người nhiễm HIV.

Ngoài nguy cơ nhiễm HIV, herpes sinh dục còn có nguy cơ lây nhiễm cao cho thai nhi, đặc biệt ở giai đoạn chuyển dạ sinh đẻ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với herpes sinh dục, người bệnh phải mang bệnh suốt đời và rất hay tái phát; nếu tái phát từ 6 lần trở lên trong một năm cần gửi bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị; người bị herpes sinh dục dễ dàng lây nhiễm cho bạn tình, vì vậy việc tư vấn đề phòng lây nhiễm là rất cần thiết.

Bệnh giang mai có thể lây truyền từ người mẹ sang thai nhi qua bánh nhau gây sảy thai, thai chết lưu, giang mai bẩm sinh... Khuyến cáo việc thực hiện tình dục an toàn, hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên; cần chú ý đối với các vết loét do herpes sinh dục vì bao cao su không có tác dụng bảo vệ nếu không che phủ hết các vết loét.

Nên thông báo cho bạn tình biết về bệnh lý đã mắc và cùng điều trị cho cả bạn tình.

Cuối cùng cũng nên cung cấp địa điểm tư vấn và thực hiện xét nghiệm HIV cho người bệnh rõ.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn