Hà Nội

Lưu ý gì khi dùng máy khí dung?

18-01-2020 15:40 | Dược
google news

SKĐS - Tôi ở vùng cao. Nhà tôi có mẹ tôi bị hen và con tôi (14 tháng tuổi) thường xuyên bị viêm phế quản tái phát nhiều lần. Nhiều người khuyên tôi nên mua máy khí dung về sử dụng, nhưng tôi còn băn khoăn về cách sử dụng và thuốc dùng cho máy khí dung là những thuốc nào. Mong quý báo chỉ dẫn giùm tôi. Tôi xin cảm ơn.

Vi Thị Thắm (Hà Giang)

Máy phun khí dung là máy đưa thuốc vào cơ thể dưới dạng những hạt sương nhỏ li ti (còn gọi là dùng thuốc bằng đường hít hoặc xông). Các hạt này sẽ theo hơi thở vào các hốc mũi xoang, hít thẳng vào phế quản, phổi và cho tác dụng tại đây. Máy phun khí dung được sử dụng rộng rãi trong điều trị một số bệnh lý tai mũi họng và đường hô hấp. Mỗi máy phun khí dung đều có kèm mặt nạ hoặc ống ngậm. Có thể dùng 1 trong 2 loại dụng cụ trên, nhưng cần biết rằng dùng ống ngậm thì lượng thuốc đến phổi sẽ nhiều hơn khi dùng mặt nạ. Tuy nhiên, việc sử dụng ống ngậm đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt của người bệnh, do đó không nên dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Mọi người đều có thể mua máy khí dung về nhà sử dụng, nhưng việc sử dụng thuốc (về loại thuốc và liều lượng dùng, cách pha thuốc) thì phải theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu bạn muốn dùng máy khí dung cho mẹ và con bạn thì bạn cần đưa họ đi khám bệnh, xin chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc. Mỗi bệnh sẽ có lọai thuốc dùng phù hợp. Không được tự ý dùng thuốc xông, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh, mà còn làm cho bệnh trầm trọng hơn. Ngay cả các loại tinh dầu (hay ống hít bán sẵn làm thông mũi) cũng không được dùng cho trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ (dưới 18 tháng) có thể gây ức chế hô hấp. Người lớn cũng không được lạm dụng bừa bãi vì sẽ làm cho nghiện và giảm khứu giác. Khi sử dụng máy phun khí dung phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong phế quản, hoặc lơ lửng bám vào thành họng, chưa kịp xuống đến các phế quản.

Các tác dụng phụ tại chỗ khi sử dụng máy phun khí dung là: ho, khàn giọng, nhiễm nấm vùng hầu họng, kích thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích da mặt nếu sử dụng mặt nạ. Phòng tránh các tác dụng phụ này bằng cách súc miệng và dùng sữa rửa mặt sau khi xông.

Nên lưu ý phải đảm bảo vệ sinh cho máy phun khí dung, sử dụng dây và mặt nạ riêng và sau mỗi lần xông phải được rửa bằng dung dịch sát trùng nếu muốn sử dụng lại. Sau một thời gian sử dụng, máy phải được vệ sinh kỹ lưỡng, thay phần lọc không khí để tránh nhiễm vi khuẩn và nấm mốc.


BS. LÂM TRƯỜNG
Ý kiến của bạn