Các ảnh hưởng của NSAID lên đường tiêu hóa
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm đau, chống viêm hoặc hạ sốt mà không cần phải có đơn kê của bác sĩ.
Theo BS.Vũ Văn Khiên (Viện điều trị các bệnh tiêu hóa - Bệnh viện TWQĐ 108), tần xuất sử dụng kết hợp NSAID và aspirin chiếm khoảng 24,7% ở người cao tuổi. Khoảng 50% số bệnh nhân thường xuyên dùng NSAID sẽ gây tổn thương ở dạ dày. Khoảng 15-30% tình trạng loét dạ dày do thuốc được phát hiện qua nội soi.
Các biến cố đường tiêu hóa trên lâm sàng thường gặp (thủng, tắc nghẽn, chảy máu và loét không biến chứng) có thể xảy ra ở 3-4,5% bệnh nhân dùng NSAID hằng năm. Các biến cố phức tạp, nghiêm trọng (thủng, tắc nghẽn hoặc chảy máu lớn) chiếm khoảng 1,5%.
Vì sao NSAID gây viêm loét dạ dày?
Tác dụng phụ ở đường tiêu hóa của NSAID phụ thuộc vào loại hóa chất, liều lượng, công thức giải phóng và thời gian bán thải. Theo đó ibuprofen và aceclofenac có nguy cơ thấp đối với các biến cố dạ dày nghiêm trọng. Nimesulide, diclofenac, meloxicam và ketoprofen có nguy cơ trung bình. Còn naproxen và indomethacin có nguy cơ cao với các biến cố đường tiêu hóa.
Nhìn chung, NSAID có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày - tá tràng thông qua một số cơ chế, bao gồm:
- Tác dụng gây kích ứng tại chỗ của các thuốc này trên biểu mô, làm suy giảm hàng rào niêm mạc.
- Ức chế COX-1 làm giảm tổng hợp prostaglandin bảo vệ tế bào màng nhầy.
- Giảm lưu lượng máu niêm mạc dạ dày.
- Can thiệp vào quá trình sửa chữa các tổn thương bề ngoài.
Theo đó, bằng cách ức chế quá trình sản sinh ra prostaglandin qua việc ức chế enzyme cyclooxygenase (COX), các NSAIDs làm giảm lưu lượng máu ở dạ dày, giảm chất nhầy và giảm bài tiết HCO3 và làm giảm quá trình phục hồi và sao chép của tế bào. Ngoài ra, do các NSAIDs là các acid yếu và không ion hóa ở mức pH của dạ dày, nên các thuốc này phân tán một cách tự do qua hàng rào chất nhày vào các tế bào biểu mô dạ dày, nơi ion H+ được giải phóng, dẫn đến làm tổn thương tế bào. Từ đó, các NSAIDs thúc đẩy quá trình viêm và hình thành loét niêm mạc, thậm chí là xuất huyết đường tiêu hoá cả cục bộ và hệ thống.
Các yếu tố liên quan đến tăng nguy cơ loét tá tràng khi sử dụng NSAID bao gồm:
- Tiền sử bị loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh nhân lớn tuổi.
- Sử dụng liều cao hoặc kết hợp NSAID.
- Sử dụng NSAID dài hạn.
- Sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu.
NSAID có ít nhất 20 chất có cấu trúc hóa học khác nhau nhưng cách thức tác dụng tương tự nhau. Ngoài thuốc uống, NSAID còn có mặt trong các loại kem, gel bôi tại chỗ hoặc miếng dán ngoài da giảm đau. Chính vì sự sẵn có và sử dụng phổ biến của NSAID, nên việc hiểu biết cách dùng phù hợp và các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc rất quan trọng.
Lưu ý khi sử dụng PPI điều trị viêm loét dạ dày do NSAID
Theo ThS. Trần Thị Thu Hiền (Bệnh viện TWQĐ 108), PPI là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng. PPI có hiệu quả cao và dung nạp tốt trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra PPI đang được sử dụng quá mức và thường xuyên chỉ định không hợp lý.
Để đảm bảo sử dụng thuốc hiệu quả, giảm sự lạm dụng PPI và giảm các biến cố do PPI, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế… thì cần chỉ định hợp lý PPI.
Chỉ định PPI như thế nào là hợp lý?
Các PPI chỉ định viêm loét dạ dày tá tràng liên quan đến NSAID theo hướng dẫn của Hiệp hội tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG) đưa ra 4 yếu tố nguy cơ, bao gồm:
- Tiền sử loét không biến chứng.
- Tuổi> 65.
- Liệu pháp NSAID liều cao.
- Sử dụng đồng thời aspirin (kể cả liều thấp), glucocorticoid hoặc thuốc chống đông máu.
Hướng dẫn này đồng thời cũng phân loại bệnh nhân có nguy cơ cao, trung bình hoặc thấp gặp các tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa. Theo đó, các bệnh nhân có nguy cơ trung bình hoặc cao có thể chỉ định PPI để dự phòng loét do NSAID.
Cụ thể đánh giá nguy cơ như sau:
- Nguy cơ cao được xác định là có tiền sử loét biến chứng hoặc có từ 3 yếu tố nguy cơ trở lên.
- Nguy cơ trung bình được định nghĩa là có 1 hoặc 2 yếu tố nguy cơ.
- Nguy cơ thấp được xác định là không có yếu tố nào trong 4 yếu tố trên.
Khi dùng PPI có thể gặp phải các biến cố bất lợi gì?
Cũng theo ThS. Trần Thị Thu Hiền, việc kê đơn PPI không hợp lý, kéo dài vô thời hạn không chỉ làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn có thể gây ra những tác dụng ngoại ý trong điều trị cho bệnh nhân.
Sử dụng PPI trong thời gian dài có liên quan đến các tác dụng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng Clostridium difficile.
- Tăng nguy cơ gãy xương.
- Tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lớn tuổi.
- Viêm thận kẽ cấp tính.
- Hạ kali máu.
- Thiếu vitamin B12.
- Hội chứng tăng tiết acid dội ngược.
- Viêm phổi mắc phải cộng đồng.
- Hạ natri máu.
Do vậy, việc chỉ định PPI trên lâm sàng cần được hết sức lưu ý để đảm bảo tối ưu khía cạnh hiệu quả, an toàn cũng như chi phí trên bệnh nhân.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải