Lưu ý điều trị rối loạn lipid máu trên nền bệnh đái tháo đường type 2

19-06-2023 14:46 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Người bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc rối loạn lipid máu cao hơn so với những người khác. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả khó lường...

1. Thế nào là rối loạn lipid máu? Rối loạn lipid máu gây ra những hậu quả gì?

Lưu ý điều trị rối loạn lipid máu trên nền bệnh đái tháo đường type 2 - Ảnh 1.

TS.BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo TS.BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, rối loạn lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu cao) là tình trạng bất thường của các thành phần lipid trong máu về lượng hoặc chất.

Những bất thường này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch mà hậu quả bao gồm nhồi máu cơ tim, tắc mạch não.

Các rối loạn lipid máu chính bao gồm tăng các thành phần lipid gây xơ vữa động mạch, đứng đầu là LDL-Cholesterol, sau đó là Triglycerid, hoặc giảm thành phần chống xơ vữa động mạch là HDL-C.

Rối loạn lipid máu, chủ yếu là về các thành phần cholesterol như vậy là nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch. Tăng Triglycerid là yếu tố thứ yếu gây xơ vữa động mạch, nhưng nếu tăng quá cao, đặc biệt là tình trạng tăng vọt sau uống bia rượu, là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm tụy cấp.

2. Rối loạn lipid máu trên nền bệnh đái tháo đường type 2 có đặc điểm gì?

TS.BS. Lê Quang Toàn cho biết, người bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc rối loạn lipid máu cao hơn những người bình thường. Các đặc điểm của rối loạn lipid máu trong đái tháo đường type 2 là tăng Triglycerid, giảm HDL-C và đặc biệt là có tăng thành phần LDL-C nhỏ và đặc.

Chính vì vậy mà người bệnh đái tháo đường type 2 bị các biến cố do bệnh tim mạch xơ vữa động mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gấp 2 đến 3 lần so với người không mắc đái tháo đường.

Lưu ý điều trị rối loạn lipid máu trên nền bệnh đái tháo đường type 2 - Ảnh 2.

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.

3. Điều trị rối loạn lipid máu trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 như thế nào?

Mục tiêu chính trong điều trị rối loạn lipid máu ở người bệnh đái tháo đường type 2 là giảm mức LDL-C xuống dưới 2,6 mmol/L nếu chưa bị các biến cố tim mạch xơ vữa và xuống dưới 1,8 mmol/L nếu đã có biến cố tim mạch xơ vữa.

Để đạt được mục tiêu đó, người bệnh cần lưu ý:

3.1. Chế độ dinh dưỡng và vận động

TS.BS. Lê Quang Toàn khuyến cáo người bệnh cần hạn chế tiêu thụ chất béo có nguồn gốc động vật như thịt mỡ, bơ, phomai…; các loại thức ăn nguồn gốc động vật có nhiều cholesterol như phủ tạng, thịt đỏ, hải sản (như tôm, cua...) và lòng đỏ trứng.

Nên ăn chất béo không bão hòa như các loại dầu thực vật. Đặc biệt nên ăn cá 2 – 3 ngày mỗi tuần vì cá chứa nhiều các axit omega-3 có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch xơ vữa.

Ngoài ra, cần hạn chế bia rượu vì nó thường làm tăng Triglycerid, mà có thể gây viêm tụy cấp. Các thức ăn đường bột cũng cần hạn chế vì chúng không chỉ gây tăng đường máu mà còn gây tăng Triglycerid máu.

Về vận động, cần đạt được ít nhất 150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình (tương đương đi bộ 5 – 6 km/giờ) mỗi tuần. Tùy vào thể trạng, người bệnh có thể lựa chọn cho mình hình thức vận động phù hợp như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội...

3.2. Sử dụng thuốc điều chỉnh lipid máu

Chế độ dinh dưỡng và vận động có vai trò rất cần thiết đối với người bệnh đái tháo đường rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh dù đã tuân thủ vẫn không đạt được mục tiêu điều trị, do có tới 25% người bệnh có rối loạn lipid máu mức trung bình do yếu tố gene di truyền.

Các thuốc điều chỉnh lipid máu nhằm giúp đạt mục tiêu chính - giảm LDL-cholesterol. Thuốc đầu tay được chỉ định trong trường hợp này là nhóm statin với liều thích hợp. Khi sử dụng thuốc này, người bệnh lưu ý không được uống thuốc cùng nước ép bưởi bởi có thể gây tương tác bất lợi nguy hiểm.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn phối hợp statin với ezetimibe cho những người bệnh vừa có hội chứng mạch vành cấp thời gian gần đây, nồng độ LDL-C ≥50 mg/dL (1,3 mmol /L) hoặc cho những bệnh nhân không dung nạp với statin cường độ cao.

Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng thuốc, cách uống thuốc... Không tự ý sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc.

Bên cạnh đó, TS.BS. Lê Quang Toàn cảnh báo, vào mùa hè thời tiết nóng bức, nhiều người bệnh có xu hướng ngại đi khám mà tự ý dừng thuốc hoặc dùng lại đơn thuốc cũ... Điều này đôi khi rất nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần tái khám định kỳ đúng hẹn với bác sĩ để đánh giá tình trạng bệnh cũng như hiệu quả điều trị. Từ đó, bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc sao cho phù hợp.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Loại Quả Màu Tím Giúp Bổ Mắt, Phòng Đủ Bệnh | SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn