Hà Nội

Lưu ý dấu hiệu phân đen do chảy máu cam

26-11-2019 15:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thực tế hàng ngày, một số người sau khi bị chảy máu cam do chấn thương hay một bệnh lý nào đó đã nuốt phải một lượng máu vào thực quản rồi xuống đường tiêu hóa.

Sau đó đi đại tiện có thể thấy phân có màu đen hay màu sẫm bất thường do máu đọng lại. Đây là một vấn đề cần lưu ý để phân biệt với các trường hợp phân có màu đen từ thức ăn hoặc các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người bình thường do một số lý do hay nguyên nhân nào đó có thể đi đại tiện có phân màu đen hay màu sẫm, trong đó phổ biến nhất là sử dụng các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung như bánh quy có màu đen hoặc thuốc có chất sắt... Trong trường hợp phân có màu đen do máu đọng lại ở trong đó được gọi melena hay máu ở trong phân.

Về lĩnh vực bệnh lý, màu đen xuất hiện ở trong phân là một dấu hiệu có thể do nguyên nhân xuất huyết ở một nơi nào đó nằm ở trên cao của đường tiêu hóa như dạ dày làm máu đọng lại. Máu cũng có thể chảy ra từ đường tiêu hóa ở phần thấp hơn như ở đại tràng hoặc hậu môn do bệnh trĩ nhưng với đặc điểm máu không có màu đen mà có màu đỏ, làm cho phân có lẫn máu đỏ hoặc thấy máu đỏ trên giấy vệ sinh khi lau sạch hậu môn.

Dấu hiệu phân đen do chảy máu

Thực tế hiện tượng chảy máu cam hay chảy máu mũi mặc dù xảy ra không phổ biến nhưng trong một số trường hợp chảy máu cam có thể dẫn đến tình trạng phân có màu đen hay màu sẫm do máu đọng lại từ mũi được nuốt vào thực quản xuống dạ dày.

Lưu ý dấu hiệu phân đen do chảy máu cam

Đối với các trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng, một lượng máu được nuốt xuống dạ dày vào đường tiêu hóa khá nhiều sẽ làm cho phân có màu đen do máu đọng lại thấy được rõ ràng. Khi máu chảy từ mũi vào thực quản xuống dạ dày, chúng có thể hiện diện ở khắp hệ thống tiêu hóa và xuất hiện màu đen hay màu sẫm cho đến khi chúng được loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Lưu ý những người có phân màu đen hay màu sẫm nhưng không phải do nguyên nhân từ một số loại thực phẩm hay chất bổ sung đã sử dụng làm biến đổi màu phân một cách rõ ràng hoặc không bị chảy máu cam trong thời gian gần đây nhưng nghi ngờ vấn đề bệnh lý có thể nghiêm trọng thì nên đi khám bác sĩ.

Ngay cả đối với những trường hợp người bị chảy máu cam trong thời gian gần đây mà tình trạng chảy máu cam nhiều và nghiêm trọng có thể đủ để làm cho phân có màu đen thì cũng nên có một sự chăm sóc về y tế, không được để kéo dài tình trạng gây nguy hiểm. Thực tế lượng máu mất đi là một vấn đề cần phải quan tâm vì sự chảy máu hay xuất huyết nghiêm trọng qua đường tiêu hóa làm cho phân có màu đen phải được xác định rõ ràng, do khả năng có thể đó là một bệnh lý và tình trạng xuất huyết có thể lặp lại hoặc xảy ra một vài lần nữa.

Xác định tình trạng chảy máu cam

Chảy máu cam còn được gọi là chảy máu mũi, đây là một hiện tượng có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là đối với trẻ em từ 2 - 10 tuổi và người lớn từ 50 - 80 tuổi. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam không nghiêm trọng nhưng hiện tượng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và thường được điều trị tại nhà. Thực tế khi có các tác động như ngoáy mũi, chấn thương mũi kết hợp với không khí khô, nóng làm sẽ làm khô ráp lớp màng nhầy của niêm mạc mũi dẫn đến nguy cơ dễ bị chảy máu cam.

Chảy máu cam có thể có nhiều loại khác nhau. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam đều bắt nguồn từ phía trước khoang mũi và thường được gọi là chảy máu cam trước, trường hợp này sẽ làm cho máu chảy ra từ mũi. Nếu chảy máu mũi từ phía sau khoang mũi được gọi là chảy máu cam sau, trường hợp này thường nghiêm trọng hơn.

Thực tế chảy máu cam sau có thể tạo ra hiện tượng chảy máu ra từ phía trước mũi nhưng chúng cũng có thể chảy ra ở phía sau đi vào họng mà không thể nhìn thấy được hiện tượng chảy máu ra phía bên ngoài, nên làm cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trường hợp chảy máu cam sau có thể gây nên tình trạng chảy máu đáng kể làm cho bệnh nhân bị thiếu máu, phân có màu đen hay màu sẫm do máu đọng, thậm chí bị mất máu trầm trọng.

Xử trí các trường hợp chảy máu cam

Chảy máu cam thông thường, không biến chứng thường được điều trị khá hiệu quả bằng phương pháp nén với động tác chèn ép hai lỗ mũi lại với nhau. Kỹ thuật thực hiện với tư thế ngồi hoặc đứng, nghiêng đầu xuống phía dưới hướng xuống sàn nhà; tiếp theo bóp hai lỗ mũi với nhau một cách nhẹ nhàng và giữ trong vòng vài phút, lưu ý tránh xì mũi trong một thời gian sau khi hiện tượng chảy máu đã ngừng chảy để có thể giúp ngăn ngừa  chảy máu xảy ra thêm lần nữa. Trước đây phương pháp giữ đầu lại hoặc nằm xuống để ngăn chặn chảy máu cam không còn được khuyến khích thực hiện nữa.

Đối với các trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng, có thể phải cần đến bác sĩ điều trị để cầm máu. Một số phương pháp mà bác sĩ có thể làm cho tình trạng chảy máu mũi nghiêm trọng dừng lại là cắt đứt chảy máu bằng cách truyền nhiệt vào lỗ mũi hoặc đóng chặt mũi bằng gạc để cầm máu.

Ngoài ra, còn có những phương pháp điều trị khác có thể sử dụng khi chảy máu cam thường xuyên mà không thể cầm máu hay không dừng lại được. Một vấn đề quan trọng là phải xác định lý do chảy máu cam vì nếu tìm ra nguyên nhân thì có thể chủ động ngăn chặn được chúng.

Điều cần quan tâm

Hiện tượng chảy máu cam ở một số người có thể cho là bình thường nhưng trong các trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng xảy ra trước đó và một vài ngày sau thấy phân có màu đen hay màu sẫm thì đây là một biểu hiện do máu cam từ mũi chảy vào đường tiêu hóa ứ đọng lại tạo nên.

Tuy vậy, nếu dấu hiệu phân đen hay sẫm tiếp tục được phát hiện, đặc biệt là vào thời điểm này người bệnh không ăn các loại thực phẩm có màu đen hay màu sẫm, sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng bổ sung có thể làm cho phân biến đổi màu đen hay màu sẫm hay một lý nào đó có liên quan không giải thích được màu sắc bất thường này phải nên nghĩ đến trường hợp chảy máu cam sau trầm trọng do người bệnh nuốt lượng máu xuống đường tiêu hóa nhiều nhưng không thấy được từ bên ngoài. Trường hợp phân có màu đen hay màu sẫm tái phát, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có mùi phân hôi khó chịu có thể người bệnh bị chảy máu ở một nơi nào đó trong đường tiêu hóa, do đó cần đi khám bệnh, được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn