Lưu ý đặc biệt trong chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

13-05-2015 20:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê, hàng năm, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh là nơi có bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền xảy ra thường cao hơn ở những địa phương khác trên cả nước.

Theo thống kê, hàng năm, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh là nơi có bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền xảy ra thường cao hơn ở những địa phương khác trên cả nước. Sốt xuất huyết trước đây chủ yếu tập trung ở trẻ em nhưng trong những năm gần đây, chúng có xu hướng ảnh hưởng đến người lớn. Vì sự chủ quan này nên đã có nhiều trường hợp bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán muộn; xử trí không kịp thời dẫn đến tử vong. Chẩn đoán nhầm sốt xuất huyết với các bệnh khác cũng là một nguyên nhân có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

Đặc điểm bệnh sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại virut rất giống nhau gây ra gồm các týp 1, 2, 3 và 4. Virut được lây lan từ người bệnh sang người lành do muỗi truyền bệnh đốt máu và mầm bệnh xâm nhập qua vết đốt. Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu nhưng muỗi Aedes albopictus cũng có thể là muỗi truyền bệnh ở một số nơi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng; nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Một bệnh nhân người lớn bị sốt xuất huyết Dengue với tình trạng nguy kịch. (ảnh internet)

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, chúng có thể diễn biến khá nhanh từ thể nhẹ sang thể nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Các cơ sở y tế không nên chủ quan, cần phát hiện bệnh sớm và hiểu rõ về những vấn đề có liên quan đến diễn biến triệu chứng bệnh lý lâm sàng trong từng giai đoạn để giúp cho việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời nhằm cứu sống người bệnh.

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue thường căn cứ vào 3 mức độ khác nhau theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Mỗi mức độ có diễn biến triệu chứng bệnh lý lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau nên cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện, chẩn đoán bệnh chính xác nhằm có căn cứ để xử trí can thiệp điều trị phù hợp. Theo lý thuyết, mặc dù bệnh sốt Dengue thường gặp ở người lớn với khởi phát bệnh đột ngột, kéo dài khoảng 1 tuần hoặc hơn; gây đau đầu, đau cơ, đau khớp, nổi mẩn đỏ, ít khi dẫn đến tử vong và bệnh Dengue xuất huyết thường gặp ở trẻ em với khởi phát bệnh bằng sốt cao, đau dầu, khó thở, đau bụng, xuất huyết nội tạng, có thể xảy ra sốc sốt xuất huyết do mất máu, tụt huyết áp. Hiện nay, bệnh sốt Dengue ở người lớn và bệnh Dengue xuất huyết ở trẻ em thường được dùng một thuật ngữ gọi chung là bệnh sốt xuất huyết Dengue. Hai biểu hiện nổi bật của sốt xuất huyết Dengue là sốt và xuất huyết, có thể có biểu hiện trụy tim mạch; nếu bệnh diễn biến cấp tính ở trẻ em, kể cả người lớn nhưng không được phát hiện, xử trí kịp thời thì sẽ dễ dàng dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue ở người lớn thường không khác với tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em. Tuy nhiên, khi vào bệnh viện, ở người lớn, ngoài bệnh chính là sốt xuất huyết Dengue với các đặc điểm triệu chứng lâm sàng đã nêu, bệnh nhân có thể kèm theo bệnh lý của một số bệnh mạn tính khác mắc phải nên làm cho việc phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết Dengue ở người lớn thường gặp nhiều khó khăn, dễ nhầm lẫn.

Lưu ý gì trong chẩn đoán?

Ngoài các tiêu chuẩn căn cứ để chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết Dengue theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở y tế tuyến đầu, kể cả bệnh viện ở tuyến trên cần quan tâm, tránh chủ quan vì có thể chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng; bệnh xoắn khuẩn leptospirosis, thương hàn, sốt rét, viêm gan siêu vi...

Chẩn đoán nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng thường căn cứ vào các đặc điểm như sau: 7 ngày bệnh khởi phát nhiệt độ cơ thể vẫn còn cao, có thể tìm thấy ngõ vào của sự nhiễm trùng. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng và bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Làm tiêu bản máu ngoại biên có thể thấy nhiều dải băng, hạt bệnh lý, không bào và đôi khi thấy vi khuẩn và cả xác vi khuẩn trong nguyên sinh chất của bạch cầu. Chỉ số xác định sự hiện diện của tình trạng viêm CRP (C reactive protein) máu tăng, lactat máu tăng. Cấy máu hoặc các dịch khác của cơ thể cho kết quả dương tính với vi khuẩn.

Chẩn đoán bệnh xoắn khuẩn leptospirosis thường căn cứ vào các yếu tố dịch tễ học và điều kiện nghề nghiệp. Bệnh nhân có triệu chứng đau cơ nhiều; có biểu hiện bệnh lý suy thận với dấu hiệu đi tiểu ít, creatinin máu tăng. Xét nghiệm thấy IgM dương tính. Cấy máu và nước tiểu bệnh nhân có thể phát hiện được xoắn khuẩn leptospira.

Chẩn đoán bệnh thương hàn thường căn cứ vào yếu tố dịch tễ học. Bệnh nhân có vẻ mặt đặc trưng tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc của bệnh thương hàn thường gọi là vẻ mặt typhoid. Có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón; khám bụng có thể phát hiện dấu chứng lạo xạo. Người bệnh có khả năng bị xuất huyết tiêu hóa, dấu hiệu này xuất hiện muộn hơn sau 2 tuần kể từ khi khởi phát bệnh. Cấy bệnh phẩm máu và dịch não tủy có thể thấy vi khuẩn thương hàn Salmonella typhi dương tính.

Chẩn đoán bệnh sốt rét thường căn cứ vào yếu tố dịch tễ học, đặc điểm cơn sốt xảy ra có chu kỳ điển hình với 3 giai đoạn: rét run, sốt nóng, vã mồ hôi. Xét nghiệm máu có thể phát hiện được ký sinh trùng sốt rét.

Chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi thường căn cứ vào đặc điểm sốt không cao, bệnh nhân có dấu hiệu chán ăn rõ ràng, nổi bật. Xét nghiệm máu thấy men gan tăng cao hơn, phát hiện dấu ấn huyết thanh viêm gan siêu vi trong máu dương tính.

Trên thực tế, do sự chủ quan của người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng như sự thiếu thận trọng của một số cơ sở y tế, kể cả bệnh viện tuyến trên nên đã xảy ra việc chẩn đoán nhầm sốt xuất huyết Dengue với các bệnh khác và ngược lại. Vì vậy, nếu bệnh sốt xuất huyết Dengue không được phát hiện, chẩn đoán, xử trí kịp thời dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong; đặc biệt là bệnh cảnh lâm sàng xảy ra ở người lớn. Cần cảnh báo vấn đề này khi bệnh sốt xuất huyết Dengue bùng phát theo mùa, theo chu kỳ hay theo sự thay đổi đột biến của môi trường như ý kiến của một số nhà khoa học. Ngành y tế dự phòng đã có khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” nhưng đừng để khẩu hiệu này chỉ dừng lại trong các buổi lễ phát động mà phải để chúng trở thành hiện thực và thực sự đi vào cuộc sống với sự tham gia tích cực của cộng đồng người dân mới có thể chủ động phòng chống được bệnh sốt xuất huyết Dengue.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 


Ý kiến của bạn