Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm gan C có thể giao động từ cấp tính, mạn tính (từ bệnh nhẹ kéo dài một vài tuần hoặc lâu hơn) và có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Đặc điểm của bệnh viêm gan C
Viêm gan C là một bệnh do virus lan truyền rộng rãi và Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hàng triệu người trên thế giới đang mắc phải căn bệnh này. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, mẹ truyền cho con khi sinh.
Bệnh viêm gan C thường chia thành hai loại, đó là viêm gan cấp hiếm khi có biểu hiện triệu chứng điển hình mặc dầu gan bị tổn thương rất nặng. Vì vậy, khi nghi ngờ bị nhiễm HCV cần làm xét nghiệm PCR (kỹ thuật sinh học phân tử), nếu dương tính, có nghĩa là trong máu người đó đang mang virus viêm gan C.
Đối với viêm gan C mạn tính, HCV vẫn tồn tại trong máu và gan trên 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh thấy mệt mỏi, khó tập trung, đau cơ hay đau khớp, chán ăn, không có triệu chứng điển hình rõ rệt và bệnh có thể kéo dài vài tháng, thậm chí nhiều năm và virus vẫn tiếp tục sinh sôi phát triển trong gan. Hậu quả là tổn thương gan lan rộng và dẫn đến xơ gan (khoảng 20% bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan). Nếu không điều trị, xơ gan sẽ tiến triển ngày càng nặng và có thể bị ung thư gan. Bệnh nhân bị viêm gan C có thời gian tiến triển bệnh khác nhau và không thể dự đoán được chính xác. Nhiều bệnh nhân chỉ bị tổn thương gan sau 20-30 năm, trong khi nhiều người bị xơ gan sau 10 năm hay ngắn hơn.
Hình ảnh mô phỏng virus gây bệnh viêm gan C.
Và những chú ý đặc biệt khi dùng thuốc
Ở giai đoạn cấp tính, bệnh có thể tự khỏi, nếu không tự khỏi cần hỗ trợ điều trị sau tuần 12. Khi HCV RNA dương tính thì có chỉ định điều trị đặc hiệu bằng intereferon (IFN) hoặc PegINF (Polyethelene glycol Interrferon) có thể kết hợp với ribavirin hoặc không. Thời gian điều trị ít nhất 12 tuần, có thể kéo dài đến 24 tuần tùy đáp ứng của virus.
Ở giai đoạn mạn tính, các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus đơn lẻ hoặc kết hợp tùy theo tình trạng bệnh như thuốc tiêm interferon alpha, thuốc uống có nhiều loại như ribavirin, boceprevir, simeprevir, sofosbuvir, daclatasvir. Hai thuốc thường được phối hợp là ledipasvir và sufosbuvir đạt hiệu quả điều trị khỏi viêm gan C type 1 cao (tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan type 1 từ 94 - 99%), ngoài ra còn có tác dụng điều trị viêm gan C type khác.
Hầu hết các loại thuốc điều trị viêm gan do HCV đều gây ra các phản ứng phụ xảy ra sau vài tuần, nhưng không nguy hiểm. Các triệu chứng này thường xuất hiện vài giờ sau khi tiêm thuốc peg-interferon (hoặc interferon) và có thể kéo dài đến 3 ngày. Bệnh nhân thường có cảm giác ớn lạnh hoặc rét run, kèm sốt, nhức mỏi khắp người, đau cơ và khớp giống như bị cảm cúm. Ngoài ra, có thể mệt mỏi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ... Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc điều trị. Người bệnh không được tự ý thay đổi liều lượng, không được thay đổi thuốc, không tự động mua thuốc để tự điều trị cho mình hoặc người nhà.
Ngoài ra, với thuốc tiêm, người bệnh nên tiêm thuốc vào lúc chiều tối và ngày cuối tuần để khi xuất hiện tác dụng phụ thường vào lúc bệnh nhân đã nằm ngủ (sẽ giảm bớt cảm giác khó chịu hơn) và tiêm vào ngày cuối tuần để sau đó có thể nghỉ ngơi thư giãn ở nhà (với người đang công tác).
Một vấn đề rất quan trọng là nên uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 1,5 - 2 lít) để không bị cảm giác khô miệng và mất nước. Trong thời gian điều trị nên uống thêm nước trái cây (cam, chanh, xoài, dưa hấu...). Tuyệt đối không uống rượu, bia ngay cả khi đã hết liều thuốc điều trị. Cần thư giãn cơ thể bằng cách vận động nhẹ nhàng, dinh dưỡng hợp lý (kiêng mỡ động vật) và cần được thư giãn, ngủ nhiều hơn lúc chưa dùng thuốc điều trị viêm gan C.