Tuy nhiên, để có thể thực hiện được, cần hiểu rõ và sử dụng hiệu quả các loại thuốc chữa trị, tránh tình trạng kháng thuốc.
Việt Nam là một trong số nước có tỷ lệ bị nhiễm viêm gan B (HBV) cao vào bậc nhất của thế giới. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chúng ta có thêm nhiều thuốc chữa viêm gan virut B mạn. Bên cạnh đó cũng xuất hiện sự kháng thuốc, xuất hiện nhiều chủng kháng thuốc đột biến gene... nên phương pháp điều trị, dùng thuốc, chăm sóc có một số thay đổi.
Trường hợp cần và không cần dùng thuốc kháng virut viêm gan B
Trường hợp cần dùng thuốc: Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm gan B rõ như vàng mắt, vàng da, mệt mỏi chán ăn kết hợp với kết quả xét nghiệm có kháng nguyên bề mặt HBsAg dương tính (chứng tỏ có virut), kháng nguyên nội sinh HBeAg dương tính (chứng tỏ virut đang sinh sôi), enzym gan ALT-alanin aminotranferase tăng gấp 2 lần trở lên và HBVDNA (xét nghiệm để xác định máu có mang virut hoàn chỉnh hay không) lớn hơn 2x103 IU/ml.
Trường hợp chưa và không cần dùng thuốc: Người lành mang mầm bệnh thì không cần dùng thuốc. Người “dung nạp được miễn dịch”, người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn, virut từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt gọi là người viêm gan B không hoạt tính thì chưa cần dùng thuốc. Tuy nhiên, các trường hợp này phải theo dõi chặt chẽ bằng cách khám lâm sàng, xét nghiệm định kỳ, khi cần thiết phải có biện pháp can thiệp ngay.
Viêm gan do virut.
Các loại thuốc điều trị virut viêm gan B mạn tính
Nhóm thuốc điều hòa miễn dịch: Bao gồm thuốc interferon alpha và pegylated Interferon ( P.IFN) có khả năng tăng cường miễn dịch và kháng virut nhưng khi dùng, một số người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt, rụng tóc, mệt... đối với thuốc interferon alpha và hội chứng giả cúm, chán ăn, sụt cân, da khô, rụng tóc, ngứa, ho... đối với pegylated Interferon (P.IFN).
Nhóm Nucleos/tides (Nucs): Bao gồm các thuốc lamivudin, adefovir, entecavi, telbivudin, tenofovir. Thuốc có khả năng kháng virut, khi dùng đủ liệu trình thì dấu hiệu lâm sàng mất đi, ALT trở về bình thường, lượng virut (HBVDNA) giảm, hình ảnh mô học gan cải thiện. Tuy nhiên, cần chú ý thuốc lamivudin hiện nay tỷ lệ kháng lên tới 70% (lamivudin bị kháng thuốc theo kiểu gene) nên không được ưa dùng nhiều. Thuốc tenofovir là thuốc mới nhất và chưa bị kháng thuốc.
Dùng thuốc phối hợp: Mấy năm gần đây, có một số nghiên cứu phối hợp thuốc trong điều trị viêm gan siêu vi B. Phối hợp chất tăng cường miễn dịch (interferon- pegylat) với chất kháng virut (lamivudin) cho kết quả tốt hơn dùng mỗi thứ riêng lẻ. Phối hợp hai chất kháng virut thì cho kết quả không đều. Chẳng hạn dùng lamivudin với adefovir với người đã bị kháng lamivudin thì tính trên người dùng có 80% có đáp ứng, 80% giảm HBVDNA đến mức không phát hiện được, 84% ALT trở lại bình thường. Sau khi ngừng dùng 3 năm không nhận thấy có sự bùng nổ đảo ngược về virut hay lâm sàng học, không hình thành sự đề kháng kiểu gene, không mất bù trừ ở người xơ gan. Nhưng có trường hợp không cho kết quả tốt hơn. Chẳng hạn: Dùng lamivudin cùng telbivudin thì tốt hơn dùng riêng lamivudin nhưng lại không tốt hơn dùng riêng telbivudin. Vì sự phối hợp chưa ổn định, hơn nữa làm tăng chi phí điều trị nên các nghiên cứu này chưa áp dụng lâm sàng.
Khi nào ngừng dùng thuốc?
Các chỉ số trên xét nghiệm ở mức bình thường: Tải lượng HBV càng cao (số lượng bản sao HBVDNA/1ml máu lớn) thì nguy cơ xơ gan, ung thư gan càng lớn. Tải lượng HBV là yếu tố tiên đoán độc lập cho sự phát triển xơ gan, ung thư gan. Nồng độ ALT càng cao thì nguy cơ xơ gan, ung thư gan cũng càng lớn. Vì thế, khi điều trị viêm gan siêu vi B mạn, cần đưa HVNDNA về dưới ngưỡng và đưa ALT về mức bình thường mới ngừng thuốc. Sau khi ngưng thuốc, cần theo dõi định kỳ, kể cả người bệnh mà khi ngừng điều trị HBVDNA ở ngưỡng thấp.
Đạt mục tiêu điều trị: Chỉ dùng thuốc khi hội đủ các tiêu chí cần dùng thuốc và ngừng điều trị khi đạt mục đích điều trị.
Chú ý: Hiện nay đã xuất hiện sự kháng thuốc, đặc biệt xuất hiện các chủng kháng thuốc đột biến gene. Khi đã điều trị đủ liệu trình, đạt kết quả, cho ngừng thuốc thì vẫn theo dõi định kỳ để xử lý việc bùng phát virut. Khi bị kháng thuốc, cần chấp nhận một liệu trình khác, không bi quan bỏ mặc vì có thể bột phát nguy hiểm. Không tự ý dùng thuốc cũng như tự ý bỏ dở điều trị, tự ý kéo dài thời gian điều trị. Trong quá trình điều trị, cần khám và xét nghiệm định kỳ. Trong trường hợp không hoặc chưa dùng thuốc thì cần hiểu rõ lời dặn của thầy thuốc, tự theo dõi chặt chẽ, khi cần phải khám, xét nghiệm ngay tại cơ sở y tế đủ điều kiện.