Nhiều người quan niệm rằng, thuốc YHCT có độ an toàn cao và ít gây tác dụng phụ so với thuốc Tây y. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?
YHCT cũng có tác dụng phụ và chống chỉ định
Mỗi loại thảo dược đều tiềm ẩn một tác dụng phụ và chống chỉ định khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay người ta chủ yếu đưa ra được công dụng chính của thảo dược mà ít có công trình nghiên cứu thực sự về tác dụng phụ và chống chỉ định của từng loại thảo dược. Từ xa xưa, các thầy thuốc YHCT trong quá trình điều trị đã tích luỹ và ghi chép lại riêng cho mình rồi lưu truyền lại cho con cháu, tạm gọi là “bài thuốc gia truyền”. Từ các tài liệu gia truyền đó cũng có ghi chép lại những tác dụng phụ, chống chỉ định của bài thuốc. Chỉ có một số ít tài liệu được công bố ra bên ngoài và được lưu truyền sử sách.
Mặc dù các loại dược liệu hay bài thuốc đều có tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm, nhưng nếu sử dụng đúng mục đích điều trị sẽ mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân.
Khi dùng thuốc Đông y cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Điển hình như “khoản đông hoa” là vị thuốc chữa ho và viêm khí rất thông dụng tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu. Nhưng trong hoa, lá và rễ của nó đều có thành phần gây ung thư. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sử dụng “khoản đông hoa” với liều lượng lớn và lâu ngày có thể dẫn đến ung thư gan. Trong khi đó, các bản thảo thời xưa trong y học cổ truyền Trung Hoa xem vị thuốc này là không độc.
Một số vị thuốc thảo dược ngoài thành phần có tác dụng điều trị còn có những thành phần gây độc. Chẳng hạn như ở Mỹ có bệnh nhân uống trà lợi tiểu chế từ vị “thương lục” và phải vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc. Khi nghiên cứu thì “thương lục” có các chất độc làm tổn thương dạ dày, ruột, tim và trung khu thần kinh, thậm chí có thể tử vong.
Tuy nhiên, một phần các chất độc trong các thảo dược bị phá huỷ sau khi được bào chế ở nhiệt độ thích hợp mà vẫn giữ được thành phần chính chữa bệnh. Nhưng có nghịch lý là khi nhiệt độ quá cao thì các thành phần chính sẽ bị phá huỷ hết, nhiệt độ quá thấp thì hàm lượng độc tố quá nhiều.
Một số loại thảo dược có các chất làm teo tuyến ức. Tuyến ức là nơi tập kết và biệt hóa các tế bào miễn dịch T cells - có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, vi khuẩn, virut và các tác nhân gây bệnh khác. Các tế bào trong tuyến ức bị giảm dần cùng với tuổi tác, không tái sinh thêm, vì vậy cho nên tuổi càng cao khả năng miễn dịch càng suy giảm, sức đề kháng kém. Thế nhưng, trong vị thuốc “sài hồ” (vị thuốc bảo vệ gan rất thông dụng trong Đông y) và ý dĩ lại có các thành phần làm teo tuyến ức.
Cây “diệp hạ châu” (chó đẻ răng cưa) có tác dụng hạ men gan rất tốt, nhưng ít ai biết được rằng tác dụng phụ của vị thuốc này gây ra nhược cơ, suy giảm khả năng sinh lý, nhưng các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngừng thuốc.
Khuyến cáo khi sử dụng thuốc YHCT
Mặc dù Đông y đã có từ rất lâu đời và trong thực tế bào chế đã có nhiều phương làm tăng cường hiệu quả điều trị và làm giảm độc tính của thuốc. Tuy nhiên, khi dùng các loại thảo dược cũng cần thận trọng và không nên xem thường. Khi dùng để chữa bệnh cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý dùng hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác sẽ mang lại hậu quả hết sức nặng nề. Không nên sử dụng các loại thuốc khi không biết rõ nguồn gốc và cơ sở bào chế.
Không dùng thuốc YHCT quá liều trong một thời gian dài vì có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể như ngộ độc, suy thận,...
Dùng thuốc YHCT với đúng thể bệnh. Do vậy người bệnh cần đi khám tại cơ sở YHCT có uy tín, thầy thuốc được cấp phép hoạt động. Bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có cách sử dụng riêng, do đó người bệnh cần phải đọc kỹ và tuyệt đối tuân thủ những chỉ dẫn của các thầy thuốc. Những loại thuốc chỉ được dùng bôi, đắp ngoài da thì không được uống, nếu dùng đường uống sẽ gây ra những tác hại nặng nề, thậm chí tử vong.
Không tự ý kết hợp thuốc YHCT và y học hiện đại (YHHĐ) khi chưa có ý kiến của bác sĩ, vì có thể dẫn tới những tương tác thuốc bất lợi cho người bệnh. Ví dụ: dùng vị thuốc trạch tả (thuốc lợi tiểu) cùng thuốc lợi tiểu có thể dẫn tới tăng kali huyết...
Việc bào chế thuốc YHCT có thể làm tăng hoặc giảm bớt đi độc tính của thuốc. Vì vậy, nếu bào chế không tốt, độc tính của thuốc chưa được loại trừ có thể gây phản ứng cho cơ thể. Chẳng hạn như tỳ bà diệp (lá nhót) khi bào chế phải được làm sạch các lông tơ, nếu không sẽ gây ngứa họng, ho, sưng niêm mạc họng. Do đó, thuốc YHCT cần bào chế rất cẩn thận, tỉ mỉ...