Nấm ống tai ngoài là hiện tượng da ống tai ngoài bị viêm mà nguyên nhân do nấm. Có đến 80-90% là do nấm Aspergillus, còn lại là do Candida, hiếm hơn là Actinomyces, Trichophyton. Những người có yếu tố nguy cơ là những người hay bị viêm ống tai ngoài mạn tính do vi khuẩn, đồng thời da ống tai ngoài thường xuyên bị ẩm ướt, nóng.
Biểu hiện thường gặp của bệnh là ngứa tai thường xuyên, tai có nhiều dịch bẩn, ráy ướt... thường hay bị ù tai và thỉnh thoảng đau tai.
Soi tai có thể thấy các tổ chức sợi nấm bám trên thành ống tai hay ráy tai thành từng mảng lớn, ẩm màu xám hoặc vàng bẩn. Màng nhĩ ẩm, có thể thủng (nếu có viêm tai giữa mạn tính) hoặc không.
Muốn xác định chắc chắn là nấm ống tai, có thể làm xét nghiệm soi tươi và nuôi cấy tổ chức trong tai bệnh hoặc điều trị thử.
Dùng thuốc như thế nào?
Trước hết cần làm sạch và làm khô ống tai: Biện pháp này có vai trò quan trọng trong loại bỏ và hạn chế sự phát triển của nấm ở trong tai. Thông thường việc này do bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng làm, người bệnh không tự làm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm do thao tác làm sạch và làm khô ống tai không đúng.
Acid hóa vùng da ống tai ngoài: Môi trường acid có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn. Có thể dùng acetic acid có tác dụng diệt bào tử nấm và ngăn sự phát triển của nấm. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm viêm và đau tai. Nhỏ thuốc liên tục ngày 3 lần, mỗi lần 2 giọt vào tai bị bệnh. Nhỏ thuốc liên tục trong 7 ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Nấm phát triển trong ống tai.
Sử dụng thuốc kháng nấm tại chỗ: Dạng kem bôi hoặc dung dịch nhỏ tai, là điều trị chính trong điều trị nấm ống tai ngoài.
Thuốc có chứa hoạt chất terbinafine: Hoạt chất này có tác dụng kháng nấm và diệt khuẩn, thường được dùng để điều trị các bệnh ngoài da do vi khuẩn và nấm gây ra. Terbinafine là một allylamine có hoạt tính kháng nấm rộng, can thiệp vào quá trình tổng hợp sterol nấm ở bước đầu. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt ergosterol và tích lũy squalene nội bào, dẫn đến chết tế bào nấm. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định đối với người bị dị ứng với thành phần thuốc và những người có vùng da dưới tổn thương nấm bị nhiễm trùng nghiêm trọng (ví dụ viêm ống tai ngoài ác tính).
Cách sử dụng thuốc: Bôi một lớp mỏng lên da ống tai, ngày 2 lần, hoặc thay đổi tùy tình trạng nấm do chỉ định của bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không để thuốc dính vào vùng niêm mạc như niêm mạc mắt, niêm mạc hòm tai (trường hợp thủng màng nhĩ nên để bác sĩ thực hiện việc bôi thuốc này).
Thuốc có thể gây ra một số phản ứng phụ như ngứa, bỏng rát vùng da bôi thuốc, ban đỏ... trong những trường hợp này phải ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.
Thuốc kháng nấm toàn thân: Chỉ dùng trong trường hợp nhiễm nấm Aspegillus dai dẳng liên quan tới nhiễm khuẩn tai ngoài thất bại với điều trị tại chỗ. Thuốc thường được sử dụng là itraconazole. Itraconazole là một thuốc kháng nấm nhóm azol, sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng nấm, trong đó có nấm ống tai ngoài. Dùng thuốc này bằng đường uống trong bữa ăn, thường một lần hoặc hai lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Phải uống nguyên viên thuốc. Thời gian dùng khoảng 10-12 ngày. Khi dùng thuốc nếu thấy xuất hiện: Phát ban; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng phải dừng thuốc ngay và trao đổi với bác sĩ. Nếu thấy khó thở, tức ngực khi dùng thuốc phải đến bệnh viện ngay.
Phòng tránh nấm ống tai ngoài
Để phòng tránh mắc bệnh nấm ống tai ngoài, mọi người cần chú ý một số điều sau:
Sử dụng dụng cụ làm sạch tai đảm bảo vệ sinh.
Dùng tai nghe khi nghe nhạc, học ngoại ngữ đúng cách: Lau sạch trước và sau khi sử dụng tai nghe, thời gian sử dụng luôn phải dưới 2 giờ.
Không tự ngoáy tai hay lấy ráy tai ở những người không phải bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Lưu ý sau khi bơi không nên ngoáy tai vì động tác này rất dễ nhiễm nấm.
Nếu nhiều ráy tai quá mức cũng có thể gây bít tắc tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển vì vậy nên lấy ráy tai 3-6 tháng/lần tại cơ sở khám chữa bệnh tai mũi họng.
Khi có dấu hiệu của triệu chứng nấm ống tai cần tới thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tai mũi họng.