Hà Nội

Lưu ý cần thiết khi dùng thuốc nhuận tràng

16-12-2015 07:18 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Khi bị táo bón, nếu điều chỉnh bằng chế độ ăn uống không hiệu quả thì cần phải sử dụng tới thuốc để hỗ trợ.

Khi bị táo bón, nếu điều chỉnh bằng chế độ ăn uống không hiệu quả thì cần phải sử dụng tới thuốc để hỗ trợ. Tốt nhất người bệnh nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Bisacodyl là một trong những thuốc nhuận tràng hay được kê dùng. Tác dụng của thuốc là làm tăng nhu động ruột do tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp các cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài.

Khi được kê đơn sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau để dùng thuốc có hiệu quả:

Về dạng thuốc: Thuốc được sản xuất dưới nhiều dạng (viên, đạn, dung dịch) nên khi dùng cần biết mình đang dùng dạng thuốc nào. Nếu dùng loại viên bao tan trong ruột (được sản xuất để chỉ phân rã ở ruột) thì không được nhai thuốc trước khi uống. Trẻ em dưới 6 tuổi không nên dùng dạng uống, do phải nuốt cả viên (khó nuốt). Dùng dạng viên đạn đặt trực tràng cần có hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài dùng thuốc để tránh táo bón có thể dùng sữa chua bổ sung chất xơ.

Về tác dụng bất lợi: Một số triệu chứng thường gặp do thuốc gây ra như đau bụng, buồn nôn hay kích ứng trực tràng. Có thể khắc phục các tác dụng phụ trên bằng cách giảm liều dùng.

Dùng cùng với các thuốc khác: Với những người bệnh mắc nhiều bệnh và phải uống nhiều thuốc điều trị cùng một lúc cần chú ý tới khoảng cách uống các thuốc điều trị này với thuốc trị táo bón bisacodyl. Do bisacodyl làm tăng nhu động ruột, nếu uống cùng các thuốc điều trị này thì thuốc chưa kịp có  tác dụng đã bị tống ra ngoài. Đối với người bị bệnh về dạ dày nếu dùng phối hợp các thuốc kháng a-xít, các thuốc đối kháng thụ thể H2 như: cimetidin, famotidin, nizatidin và ranitidin hoặc sữa với bisacodyl trong vòng 1 giờ, sẽ làm cho dạ dày và tá tràng bị kích ứng do thuốc bị tan quá nhanh.

Không  nên dùng thuốc trị táo bón dài ngày: Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến đại tràng mất trương lực, không hoạt động và chứng giảm kali máu. Người bệnh có thể còn bị đau quặn bụng và tiêu chảy. Vì vậy, không nên dùng thuốc quá 1 tuần, trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Không dùng thuốc cho người bị tắc ruột, viêm ruột thừa, chảy máu trực tràng, viêm dạ dày, ruột.

Ngoài dùng thuốc có thể dùng phương pháp điều trị hỗ trợ khác như dùng sữa chua hoặc sữa bột có bổ sung chất xơ, trà thảo dược. Sau khi điều trị bằng thuốc giúp cơ thể vượt qua giai đoạn bất bình thường trong bài tiết, cần điều chỉnh lại lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập cho phù hợp để phòng tránh táo bón.


Dược sĩ Nguyễn Thị An
Ý kiến của bạn