Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, trong những năm gần đây, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã triển khai chủ trương này khá hiệu quả trong giảng dạy cũng như các hoạt động khác của nhà trường. Nhưng có một sự đột phá hơn nữa, khi Học viện là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin để chống gian lận trong thi cử thông qua hình thức yêu cầu các thí sinh, sinh viên của Học viện đăng ký dấu vân tay vào phần mềm điện tử...
Nâng cao chất lượng giảng dạy kết hợp chống gian lận trong thi cử
Với vai trò là cơ sở đào tạo đầu ngành về nhân lực chuyên khoa y dược học cổ truyền cho ngành y tế, trong những năm qua, Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo với nhiều giải pháp như đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hành để sinh viên có điều kiện tiếp cận từ sớm với thực tế chuyên ngành học, đồng thời tăng thời lượng thực hành cho sinh viên sang Bệnh viện Tuệ Tĩnh (bệnh viện trực thuộc Học viện) để thực hành, làm quen với môi trường khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, GS.TS. Trương Việt Bình – Giám đốc Học viện cho biết thêm, triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành y tế, Học viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại để kết nối đường truyền mạng LAN, tin học hóa mọi hoạt động trong toàn Học viện. Khâu đột phá nhất của việc ứng dụng CNTT là Học viện đã đưa CNTT vào kiểm soát quy trình thi cử, bằng cách đầu tư mua sắm hệ thống máy tính lưu giữ lại dấu vân tay của thí sinh.
Kiểm tra dấu vân tay của thí sinh trước khi vào phòng thi tại Học viện YDHCT Việt Nam. Ảnh: TL |
Được lợi cả đôi đường...
Theo GS.TS. Trương Việt Bình – việc nhà trường mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng để mua hệ thống máy lưu giữ vân tay của học viên đăng ký thi vào trường không chỉ giúp cho công tác kiểm soát kỳ thi tuyển sinh được tốt hơn, tránh được những gian lận trong thi cử mà còn phục vụ cho công tác điểm danh sinh viên, chấm công cán bộ công nhân viên của học viện có đi làm muộn về sớm hay không. Theo đó, trước khi sinh viên vào giảng đường; cán bộ công nhân viên vào các khoa, phòng làm việc cũng đều phải quẹt thẻ từ đã có dấu vân tay của sinh viên, cán bộ qua hệ thống máy tính đặt ở sảnh của mỗi tòa nhà. Trên cơ sở kết quả lưu lại trên máy, đến cuối tháng bộ phận làm công tác điểm danh, chấm công chỉ cần vài thao tác là có kết quả ngay, vừa không mất thời gian cho việc tổng hợp ngày đi học, đi làm của từng sinh viên, cán bộ công nhân viên lại tạo được sự công bằng và tránh được tình trạng sinh viên học không đủ số tiết quy định vẫn được thi hết môn, rồi người đi làm không đủ thời gian quy định cũng được hưởng quyền lợi như người đi làm đầy đủ. “Kinh phí đầu tư cho hệ thống máy lưu giữ vân tay này tuy chưa phải quá lớn nhưng học viện lại được lợi cả đôi đường, cả trong đào tạo lẫn trong công tác hàng ngày”- GS. Bình nhấn mạnh.
Hoàng Thái