Lê Trí Dũng được mệnh danh “họa sĩ Ngựa” vì ông vẽ ngựa nhiều nhất, có tính “thuần Việt” và nghệ thuật nhất. Nhưng ít ai biết, trong gia tài hội họa của Lê Trí Dũng còn có hàng trăm bức ký họa chiến trường thực hiện từ cuộc chiến năm xưa; nhiều viên sỏi, gạch từ mảnh đất có bước chân người lính đi qua. Tất cả, Lê Trí Dũng chưa từng công bố...
Súng trên vai, cặp vẽ bên hông...
Có lẽ không riêng gì tôi mà công chúng lâu nay vẫn mặc định ý nghĩ Lê Trí Dũng chỉ chuyên vẽ về các con giáp - dòng tranh đã làm nên tên tuổi và thương hiệu của ông. Nhưng trong một ngày tình cờ, đến gặp ông tại “căn cứ vẽ tranh” - tầng 4 ngôi nhà trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), tôi vô tình nhìn thấy một cái cặp vẽ, chiếc cặp cũ kỹ, xám đen, loang lổ cùng hàng trăm bức ký họa chiến tranh, phần lớn ố vàng, một số cháy góc, một số bị mối ăn, số ít còn nguyên vẹn. Và rồi, dò dẫm hỏi họa sĩ Lê Trí Dũng về những gì đã nhìn thấy, cuối cùng ông cũng “bật mí” những “bí mật” bấy lâu ít ai biết...

Họa sĩ Lê Trí Dũng bên những viên sỏi, đá, gạch chiến tranh.
Lê Trí Dũng là con trai của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc - một họa sĩ sơn mài nổi tiếng của Việt Nam từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Năm 1961, khi đó Lê Trí Dũng mới 12 tuổi nhưng đã đỗ vào Hệ sơ trung 7 năm Trường Mỹ thuật Việt Nam. 5 năm sau, Lê Trí Dũng vào đại học trong bối cảnh cuộc chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Tưởng chừng chàng sinh viên Lê Trí Dũng sẽ hoàn thành việc học tập thì đúng vào thời điểm cao trào của chiến tranh, Lê Trí Dũng “gác bút nghiên” cùng với những giáo sư, tiến sĩ, thầy giáo, sinh viên,... khoác ba lô ra trận. Thời điểm đó là tháng 12/1971, khi anh đang làm dở bài thi tốt nghiệp đại học.
Nhập ngũ, Lê Trí Dũng tới chiến trường khốc liệt nhất thời bấy giờ, đó là chiến trường Quảng Trị những năm 1972, 1973. Nhưng cũng tại đây, khoảng thời gian này, cùng với việc cầm súng đánh đuổi quân thù, Lê Trí Dũng với thói quen từ nhỏ thích vẽ nên luôn mang theo chiếc cặp vẽ, cây bút chì và chiếc cọ vẽ bên mình. Và ngay tại nơi đạn bom, Lê Trí Dũng vẫn cầm chiếc cọ vẽ, cây bút chì để thực hiện nhiều tác phẩm ký họa chiến trường trên giấy báo, giấy crôki, sổ tay, mặt sau tài liệu, vỏ bao bì. Ở thời chiến ngày ấy, mỗi lần vẽ được một bức ký họa, Lê Trí Dũng đều cuộn lại, bọc nilon cẩn thận và cho vào ống pháo sáng hoặc ống rốckét rồi tìm cách gửi ra Bắc cho gia đình giữ giùm phòng khi ông “ra đi từ đó không về”.
Lê Trí Dũng nói rằng ông không thích nhắc lại cuộc chiến, nhưng nhìn những bức ký họa, ông lại dạt dào cảm xúc: “Có thể nói, trong cái “cối xay thịt” năm xưa, nhiều người đã không trở về. Nhiều người thành phế binh, tướng lĩnh, nhà khoa học, nghệ sĩ hết mình vì cuộc sống. Còn tôi, với thói quen nghề nghiệp, chiếc cặp vẽ luôn liền kề bên mình, tôi lặng lẽ ghi chép lại cuộc chiến bất kỳ lúc nào có thể, nhất là thời gian sau được làm phóng viên chiến trường, kèm theo cái máy ảnh”.
...đến triển lãm giữa rừng
Họa sĩ Lê Trí Dũng chia sẻ, phần lớn các họa sĩ trong chiến tranh đều thực hiện tác phẩm sau mỗi trận đánh. Thường thì tranh ký họa chỉ được vẽ vào những thời điểm như chuẩn bị chiến đấu, thu dọn chiến trường, tình quân dân, họp bàn kế hoạch tác chiến, băng bó cho các chiến sĩ bị thương sau trận đánh...
Nhìn hàng trăm bức ký họa chiến trường của Lê Trí Dũng tại nhà riêng của ông hiện nay, đó là những “thước phim tài liệu bằng tranh” ghi lại những khoảnh khắc của cuộc chiến năm xưa ông và đồng đội đã từng trải qua, chứng kiến: chiến sĩ và bộ đội của ta hành quân ra trận, khung cảnh tăng gia sản xuất, xe tăng băng qua đèo hiểm trở, sự thất bại của kẻ thù, vũ khí thu được của kẻ thù... Tất cả những bức ký họa của Lê Trí Dũng đều tinh tế, sắc sảo, hàm chứa những ý nghĩa và thông điệp. Trong từng nét vẽ, mỗi bức tranh đều có “linh hồn”. Có lẽ vì thế mà ông mới chia sẻ: “Trong chiến tranh, nhiều khi quần áo cháy không tiếc, chỉ tiếc tranh! Bởi nó là máu thịt của mình, nhìn thấy nó như thấy đồng đội thuở nào, bầu trời thuở nào và cả cái tuổi trẻ lao mình không mảy may tính toán thuở nào”.
Tác phẩm ký họa mang tên Vượt trọng điểm thể hiện chiếc xe tăng của bộ đội ta đang lao đi trong hoàn cảnh mặt đường bị bom đạn quân thù đánh phá, một bên là vực sâu, một bên vách núi. Nhưng chiếc xe tăng vẫn hiên ngang lao về phía trước bởi ở đó có các cô gái thanh niên xung phong, các chiến sĩ công binh đang sửa đường giúp xe tăng “vượt trọng điểm”. Xem bức tranh ấy, phần nào thấy được sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự sống và cái chết của người chiến sĩ là một ranh giới mong manh trên hết, bức ký họa thể hiện sự anh dũng của người lính đối với Tổ quốc. Trong gia tài ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Trí Dũng còn có Nữ du kích Gio Linh tóc búi ngược, mũ tai bèo hất phía sau, xanh-tuya cài 2 trái mỏ vịt, quần xắn, xách khẩu AR15 của Mỹ với một tâm thế kiên cường.

Bức ký họa “Vượt trọng điểm” của Lê Trí Dũng vẽ năm 1972.
Hoặc Sau trận đấu tăng thể hiện hàng chục đứa trẻ đang trèo lên xác chiếc tăng M48 Mỹ đứt tung xích nửa nổi nửa chìm trên sóng chiều Cửa Việt. Có đứa trẻ hò hét, đứa nhảy “santô” từ nòng pháo xuống. Rồi có cả bức ký họa chiến sĩ tăng gia chăn nuôi sản xuất (nuôi lợn) ở trên chốt, thể hiện tinh thần lạc quan. Chuồng lợn làm bằng vỏ đạn thu được từ quân thù, máng lợn được làm bằng quả bom (cắt đôi). Ở đó còn có Qua ngầm, Cô gái Pa Cô tải đạn... với những nét vẽ lúc ẩn lúc hiện đầy sức lôi cuốn, nghệ thuật.
Đặc biệt, họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết, ngày còn ở chiến trường, khi vẽ xong các bức tranh kí họa, ông từng mở triển lãm giữa... rừng. Để thực hiện triển lãm “độc nhất vô nhị” như vậy, ông và đồng đội treo các bức tranh kí họa ngay tại các trạm quân bưu, thậm chí là ở mỗi nơi dừng chân - căn nhà hầm. “Chúng tôi chẻ những cành tre để làm nẹp kẹp tranh, sau đó buộc với sợi dây dù để làm triển lãm. Khi ấy, các bức kí họa phát huy được nhiều tác dụng, đó là cổ vũ tinh thần mọi người ra sức chiến đấu” - vị họa sĩ nhớ lại.
Và viết sách, sưu tầm... gạch, đá chiến tranh
Đã quá bất ngờ với việc “họa sĩ Ngựa” có một gia sản tranh ký họa đồ sộ, càng bất ngờ hơn khi ông nói: “Tôi còn sưu tập hàng trăm viên sỏi, đá lấy từ hàng trăm địa điểm có bàn chân người lính đã từng qua”. Nói rồi ông cho tôi xem “bộ sưu tập đá, sỏi chiến tranh” được ông “giấu” trong góc nhỏ căn phòng. Cầm trên tay viên gạch chỉ to bằng quả quýt, một nửa đen, nửa kia hồng rực vì bom thui, Lê Trí Dũng bảo đó là viên gạch ông lấy được từ năm 1972 tại Ngã ba Đồng Lộc. Ông luôn đem viên gạch này khi hành quân như để có thêm sức mạnh của 10 cô gái thanh niên xung phong bên mình. Bên cạnh viên gạch đặc biệt ấy, Lê Trí Dũng còn có những viên đá rắn câng câng xanh lè như kim loại, gõ vào kêu keng keng lấy từ chân đồi Phượng Hoàng - nơi huyết chiến thấm máu cả ta và địch. Lại cũng có viên gạch ông lấy được từ chân thành cổ Quảng Trị xây từ thời Minh Mạng. Tất cả những “món đồ” ấy đều được Lê Trí Dũng đặt tên và đánh số cẩn thận.
Nhưng đó chưa phải là tất cả của Lê Trí Dũng, đến nay, ông cũng đã cho ra đời 3 cuốn sách Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân đánh số 1, 2, 3. Có cuốn sách ông nói nhiều về những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, cuốn sách khác ông dùng trí lực nói về tâm thế người lính sau cuộc chiến. Đến cuốn sách mới nhất, Lê Trí Dũng viết dưới dạng tản văn gồm 59 bài nói về tình quân dân, chân dung người chiến sĩ, các đồng đội, triết luận của bản thân được rút ra sau cuộc chiến, bên cạnh các bài viết là những bức tranh kí họa để minh họa... Có ý kiến cho rằng Lê Trí Dũng là người đa năng khi vừa vẽ, vừa viết sách, vừa sưu tầm gạch đá; nhưng “họa sĩ Ngựa” mỉm cười: “Tôi không nghĩ là mình đa năng, mà là quá đa mang đèo bòng...”.
Bài, ảnh: Hoa Quỳnh