Lưu luyến phút phân kỳ

Bác sĩ Trần Nam Chung

Bác sĩ Trần Nam Chung

08-09-2021 10:36 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Thế là sau những ngày ở lại thành phố mang tên Bác, chiều nay, đoàn chúng tôi nhận được quyết định của Bộ về việc hoàn thành chuyến công tác và sẽ quay lại Hà Nội tiếp nhận nhiệm vụ xây dựng 200 giường ICU sẵn sàng cho tình trạng mới.

Sài Gòn hôm nay trời âm u, có vài hạt mưa rơi lất phất. Trời như hiểu lòng người trước những lưu luyến phút phân kỳ. 

Đang ngồi trong hội trường để dự buổi lễ chia tay của Ban giám đốc bệnh viện Hồi sức covid 19, thành phố Hồ Chí Minh, tôi chợt giật mình bởi giọng nói "Anh ơi, em nhờ anh một chút ạ. Tôi quay sang và nhận ra đó là anh nhân viên bệnh viện Hồi sức covid.

- Em có thể được biết về cảm xúc của các anh trong phút giây này không ạ?.

Cảm xúc của chúng tôi trong giây phút này ư? Một câu hỏi tưởng đơn giản như hàng nghìn câu hỏi khác mà tôi vẫn thường được nghe khi có một cuộc phỏng vấn. Nhưng với tôi đó lại là câu hỏi phức tạp và cực kỳ khó diễn tả thành lời trong thời khắc như thế này.

Tôi không biết phải nói như thế nào lúc này bởi có quá nhiều cảm xúc mâu thuẫn cùng ùa vào trong tôi.

Thường trực trong tôi bây giờ là cảm giác nhiệm vụ này chưa hoàn tất, cuộc chiến đấu chống lại đại dịch này chưa kết thúc, vẫn đang ở hồi khốc liệt, rất nhiều bệnh nhân vẫn đang trong vòng nguy hiểm, tính mạng đang treo mong manh. Các đồng nghiệp của chúng tôi ở đây và khắp các cơ sở điều trị khác đang căng mình, đang mất ăn mất ngủ để giành giật với tử thần, từng sự sống, từng hơi thở của những người bệnh.

Cầu mong cho đồng nghiệp của chúng tôi - những người ở lại, những người mới vào nhận nhiệm vụ dồi dào sức khỏe, bền sức vững chí. Chúng ta sẽ cùng cống hiến sức lực, kiến thức và trọn vẹn trái tim nhiệt huyết của mình để giành lại sự sống của từng người bệnh và cuộc sống bình yên cho mỗi người dân.

Những tháng ngày làm việc ở bệnh viện Hồi sức Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh đã để lại cho tôi và các đồng nghiệp những chiêm nghiệm, day dứt có, trăn trở có và có cả chút niềm vui nho nhỏ. 

Có những câu chuyện khi nhắc lại vẫn thấy đau, thấy ám ảnh.

Bệnh nhân Sinh, một bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi, ở phòng đầu tiên, giường giữa, người mà những ngày đầu các bác sĩ chúng tôi đều phải nhắc nhở vì cứ để tôi ngồi dậy tập thể dục như những người khoẻ mạnh. Thế mà bây giờ bác ấy đã không còn cơ hội để sửa chữa điều đó nữa. Tiếc cho bệnh nhân nhưng cũng là điều tiếc nuối vô cùng của chúng tôi.

Tôi có một anh bạn người Sài Gòn, biết tôi đang điều trị ở BV Hồi sức Covid 19 đã nhờ tìm giúp người nhà đang điều trị tại đây. Bệnh nhân đông, thông tin bệnh nhân ít ỏi người nhà mất liên lạc nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được. Bệnh nhân tên là Hồng đang được điều trị ở khoa 2B. Bệnh nhân đang ở vào giai đoạn nguy kịch. Đồng nghiệp chúng tôi đã rất cố gắng cứu chữa. Bệnh nhân cũng đã vượt qua được gian mấy tuần lễ. Tôi cũng không biết động viên gì hơn cho người nhà ngoài việc cập nhật tình hình của người bệnh và báo để gia đình biết các bác sĩ ở đây với đầy đủ các trang thiết bị vẫn đang tích cực cứu chữa.

Anh bạn tôi tên Công, hiểu cảm giác của tôi nên động viên: "Mọi người đã cố gắng hết sức rồi. Bây giờ chỉ mong đợi một phép màu".

Chúng tôi không còn dám nói đến phép màu nữa, vì chúng tôi thấu hiểu một điều mất mát nào cũng đều đáng tiếc, nhưng nỗi đau sẽ đọng mãi trong lòng người ở lại nếu như họ không hiểu được tình huống đang phải đối đầu. Tuần vừa rồi, bệnh nhân đã ngừng tim hai lần,các bác sĩ vẫn không ngừng cố gắng, nhưng rồi…!

Điện thoại chợt tinh tinh, cắt ngang tâm tư của tôi và kéo tôi ra khỏi  nỗi buồn. Tin nhắn đến trên nhóm 8A thông báo về bệnh nhân Uddin người Bangladesh, sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh sau mấy lần qua "cửa tử" nay lại khỏe mạnh và được ra viện.

Lưu luyến phút phân kỳ - Ảnh 1.

Uddin cảm ơn thật nhiều các bác sĩ ở khoa 8A

Không nhớ bao lần, vấn đề đặt ống nội khí quản và thở máy được đặt ra với bệnh nhân này. May mắn thay, bệnh nhân rất hợp tác, sự chuyển đổi phác đồ theo kịp diễn biến bệnh, và rồi công sức của người bệnh và cả nhóm điều trị 8A đã được đền đáp. Thế là tô lại có chút niềm vui nhỏ nhỏ.

Có lẽ Uddin sẽ chảng bao giờ có thể quên những phút giây anh vượt qua được nhiều khoảnh khắc sinh tử, người ta vượt một, hai lần thì Uddin rất nhiều lần. 

Trời Sài Gòn đã có những tia nắng bắt đầu hửng lên, trời đã quang hơn, chúng tôi cũng đã hoàn thành những công việc của mình để và rút về thực hiện các nhiệm vụ khác, các đồng nghiệp của tôi lại tiếp nối để góp phần mang lại bình yên cho mảnh đất yêu thương này. Nhưng điều mong mỏi hơn là sau này các đoàn bác sĩ vào Sài Gòn là tham quan du lịch để được đi ngắm Sài Gòn khoẻ mạnh năng động như vốn Sài Gòn như vậy. 

Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng ngày ấy sẽ sớm đến! Nhất định là như vậy!

'Vaccine tinh thần' để chiến thắng đại dịch"Vaccine tinh thần" để chiến thắng đại dịch

SKĐS - Cuộc chiến đấu với đại dịch COVID - 19 ở nước ta đang ở thời điểm cam go, ác liệt và có tính quyết định.

Bác sĩ Trần Nam Chung
Ý kiến của bạn