Hà Nội

Lupus do đâu, cách nào điều trị?

PGS.TS.BS Wynn Huỳnh Trần

PGS.TS.BS Wynn Huỳnh Trần

31-05-2022 14:48 | An toàn dùng thuốc

SKĐS-Lupus là một bệnh của hệ miễn dịch, xảy ra khi các tế bào miễn dịch tự tấn công các cơ quan của cơ thể. Khi hệ miễn dịch tấn công các cơ quan như thận, da, tim, não, khớp, dẫn đến viêm sưng, đau nhức, mệt mỏi toàn thân. Việc điều trị hiện nay nhằm giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.

1.Bệnh Lupus do đâu?

Lý do chính xác của bệnh Lupus cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Bệnh Lupus có thể do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân: Có thể do di truyền và môi trường dẫn đến hệ miễn dịch thay đổi và tấn công vào chính các cơ quan quan trọng của cơ thể. Một số bệnh nhân sinh ra đã có thể dễ bị Lupus hơn người khác.

Bệnh Lupus có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng đau nhức mệt mỏi thường không rõ ràng, dẫn đến bệnh nhân bị chẩn đoán sai hoặc không chữa trị. Bệnh Lupus không chữa trị có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn các cơ quan quan trọng như thận hay tim. 

Lupus do đâu, cách nào để trị? - Ảnh 1.

Hình ảnh Lupus có ban hình đĩa trên da.

Tùy vào ảnh hưởng của từng cơ quan mà bệnh Lupus có thể chia ra làm nhiều loại khác nhau. Trong đó, Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là loại hay gặp nhất.

 Ngoài ra còn các loại lupus khác:

  •  Lupus thận (ảnh hưởng chủ yếu lên thận, có thể phát triển từ SLE). Bệnh nhân dạng này rủi ro rất cao bị suy thận dẫn đến chạy thận nhân tạo.
  •  Lupus da cấp tính và mãn tính với các vết hồng ban, các mẩn đỏ, da dễ bị nhiễm trùng.
  •  Lupus do thuốc: Do tác dụng phụ của thuốc, thường là các loại thuốc như procainamide (chữa loạn nhịp tim), hydralazine (chữa tăng huyết áp), isoniazid (chữa lao phổi), minocycline (chữa mụn). Gần đây, các thuốc ức chế hệ miễn dịch như anti-TNF cũng có thể gây ra bệnh lupus. 
  •  Lupus viêm não: Là bệnh Lupus chủ yếu liên quan đến hệ thần kinh, bệnh nhân bị rối loạn ý thức, thay đổi trí tuệ, ảo giác, nhức đầu, co giật, động kinh. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng và MRI thần kinh. 

Bệnh Lupus dễ tái phát thành cơn nặng, có khi phải nhập viện chữa trị bằng các biện pháp mạnh như hóa trị hay chạy lọc plasmapheresis.

2.Cách nào chữa trị bệnh Lupus?

Hiện nay không có thuốc trị dứt điểm Lupus vì đây là bệnh thuộc hệ miễn dịch. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu được điều trị đúng. 

Mục tiêu chữa trị bệnh Lupus là giảm thiểu các triệu chứng, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng, tinh thần, tăng cường chất lượng cuộc sống và giảm ít nhất tác dụng phụ của thuốc. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh lupus mà cách chữa trị khác nhau. 

Các thuốc chữa trị Lupus hiện nay chủ yếu là chữa trị triệu chứng đau nhức hay ức chế hệ miễn dịch thông qua ảnh hưởng lên tế bào B, T, kháng thể, hay ức chế toàn bộ hệ miễn dịch. 

Lupus do đâu, cách nào để trị? - Ảnh 2.

Mục tiêu chữa trị bệnh Lupus là giảm thiểu các triệu chứng.

2.1 Thuốc điều trị Lupus ngoại trú

Bệnh nhân có thể được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị tại nhà:

- Thuốc chữa giảm đau NSAID như naproxen, ibuprofen hoặc acetaminophen có thể dùng chữa các triệu chứng đau nhức nhẹ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc liều mạnh hơn để chữa trị đau và viêm sưng. Lưu ý là thuốc NSAID có thể làm viêm loét đường tiêu hóa và tăng rủi ro tim mạch. 

- Thuốc hydroxychloroquine được chỉ định để tác động lên hệ miễn dịch, làm giảm ảnh hưởng của kháng thể tấn công lên các cơ quan. Thuốc này cũng được dùng chữa trị sốt rét và viêm khớp dạng thấp. 

- Thuốc corticosteroid là thuốc có thể ức chế hệ miễn dịch, thường dùng trong các cơn Lupus hoặc bệnh Lupus chuyển biến nặng. Dùng corticosteroid thường ngắn hạn vì tác dụng phụ lâu dài rất nguy hiểm như tăng cân, tiểu đường, yếu xương, cao huyết áp, và tăng rủi ro nhiễm trùng. 

- Thuốc ức chế hệ miễn dịch dùng trong các ca Lupus nặng như azathioprin, mycophenolate, methotrexate và cyclosporin hoặc leflunomide. Các thuốc này có tác phụ như tăng rủi ro nhiễm trùng, rủi ro tổn thương gan, rủi ro vô sinh, và tăng nguy cơ ung thư. 

- Thuốc sinh học (Biologic) là những loại thuốc mới nhất chữa Lupus hiện nay, thường nhắm vào các tế bào B/T hay tế bào liên hệ để ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kháng thể. Các ví dụ thuốc là belimumab, rituximab hay voclosporin. 

2.2 Điều trị Lupus nặng, tại bệnh viện

Khi tình trạng bệnh Lupus nặng, điều trị bằng các các thuốc ức chế thường quy không hiệu quả, bệnh nhân cần nhập viện. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa có thể dùng các thuốc mạnh nhất, ức chế gần như hoàn toàn hệ miễn dịch:

- Thuốc hóa trị cyclophosphamide dùng qua đường truyền tĩnh mạch, thường được dùng chung với IV steroid liều cao 

- Lọc plasmapheresis chạy lọc máu làm giảm kháng thể tấn công lên cơ quan của bệnh nhân.

2.3 Các biện pháp điều trị hỗ trợ

Bệnh nhân Lupus thường bị trầm cảm và giảm chức năng vận động do bệnh lâu dài và đau nhức mệt mỏi thường xuyên. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân thuốc trầm cảm kết hợp tập vật lý trị liệu để tăng cường chức năng vận động. 

Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, ngủ đúng và đầy đủ cũng là cách chữa trị Lupus hiệu quả bên cạnh dùng thuốc...

- Bệnh Lupus là bệnh thuộc hệ miễn dịch, có những triệu chứng không rõ ràng, chẩn đoán và điều trị khó khăn. Bệnh Lupus sẽ không thể chữa dứt hẳn vì đây là bệnh của hệ miễn dịch.

- Chữa trị Lupus tùy vào độ nặng nhẹ và cơ địa mỗi bệnh nhân. Các thuốc chữa trị hiện nay có thể chữa từ nhẹ đến nặng qua nhiều loại thuốc và cách thức khác nhau. Không chữa Lupus có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

- Chữa trị Lupus cần sự kết hợp chữa trị thuốc giảm đau, thuốc đặc trị cùng với tập trị liệu, dinh dưỡng cân bằng, và chữa trị tinh thần để có kết quả tốt nhất.

- Theo dõi thường xuyên với bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và tự miễn để có cách chữa hiệu quả.

Mời độc giả xem thêm video:

Giải mã những thắc mắc về lần đầu quan hệ tình dục

PGS.TS.BS.Wynn Tran
Ý kiến của bạn