Đó là lương y Tăng Văn Quang (Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Hóc Môn, nguyên Trưởng khoa Đông y BV. Đa khoa Hóc Môn, TP.HCM). Lương y Quang dùng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, kết hợp cho uống thuốc thang đã cứu giúp hơn 140 ca bệnh tai biến mạch máu não trở về với cuộc sống gần như bình thường.
Kết quả nói trên, có thể nói là kết tinh của gần 40 năm làm nghề thầy thuốc của lương y Quang, với những sự kiên trì học hỏi không biết mệt mỏi.
Những ngày say mê học tập, nghiên cứu
Sống trong gia đình làm nghề thầy thuốc nhiều đời có tiếng ở vùng Hóc Môn, lương y Tăng Văn Quang từ nhỏ đã say mê nghề bốc thuốc chữa bệnh. Ông Quang còn nhớ hồi nhỏ những lần theo em của ông ngoại, thầy Nguyễn Văn Bách, tự thầy Bảy Lới, đi khám bệnh. Những dịp như vậy, thầy Bảy Lới lại không quên truyền thụ kiến thức của mình cho cháu. Khi đã có vốn kiến thức căn bản, đã hành nghề y được nhiều năm, ông Quang mới đi học lớp lương y khoa 1, Trường y học dân tộc Tuệ Tĩnh, TP.HCM. Đây là khóa học có các thầy giáo giỏi: GS. Lê Minh Xuân, GS.TS. Bùi Chí Hiếu, lương y Trần Khiết…
Ông Quang là học viên “khác người”, không phải ở tính lanh lẹ mà ở chỗ ham biết nhưng điều mới lạ và đặc biệt là quyết tâm theo đuổi để học được kiến thức đó.
Cách nay khoảng 40 năm, tại vùng Hàng Xanh, TP.HCM, có lương y Huỳnh Thị Lịch nổi tiếng với thủ pháp bấm huyệt hết sức độc đáo. Độc đáo ở chỗ môn bấm huyệt này không hề giống với trường phái bấm huyệt của Trung y từ hệ thống tên gọi huyệt, cách bấm… Xuất xứ của môn bấm huyệt này cũng mơ hồ, “hình như” người cha nuôi người Pakistan của bà Lịch đã truyền thụ môn này cho bà Lịch. Độc đáo hơn, với lối bấm huyệt này, bà Lịch đã chữa trị bệnh cho được rất nhiều người, với nhiều chứng bệnh khác nhau, trong đó có chữa trị di chứng tai biến mạch máu não. Sau này, khi bà Lịch đã mất (năm 2007), năm 2008, một nhóm lương y ở Đồng Nai, gồm: Nguyễn Thị Mary, Trần Quốc Sử, Cao Tấn Tiếng, Hoàng Duy Tân, trong đó có hai người từng là học trò của bà Lịch: Nguyễn Thị Mary, Trần Quốc Sử, đã nghiên cứu, biên soạn cuốn: “Bấm huyệt Thập chỉ đạo” với mong muốn phương pháp độc đáo này không bị thất truyền.
Như đã nói, lương y Quang là người rất say mê những kiến thức mới lạ, ông là một trong những người từng theo học môn bấm huyệt của bà Lịch. Không những thế còn theo học một cách kiên trì, say mê. Ông còn nhớ từng theo bà Lịch bấm huyệt chữa bệnh suốt 2 năm (năm 1981 và năm 1982) tại Bệnh viện Y học Dân tộc Tiền Giang. Ông Quang kể: “Chúng tôi bấm huyệt chữa bệnh từ sáng đến tối, có ngày 200 ca”. Say mê và kiên trì như vậy, ông Quang gần như lĩnh hội được các bí quyết của thầy của mình là lương y Huỳnh Thị Lịch, người mà mỗi lần nhắc tới ông tỏ ra hết sức kính trọng.
Cũng với sự say mê đó, gần đây lương y Quang, với tuổi đã ngoài 60, vẫn theo học một người thầy giỏi về môn khí công chữa bệnh, từ đó giúp ông điều trị được một số bệnh khó: rối loạn thần kinh thực vật, tăng huyết áp, nhịp xoang nhanh, đái tháo đường, thoát vị đĩa đệm…
Những thành quả ngoạn mục
Bằng lối bấm huyệt độc đáo theo trường phái của bà Lịch, kinh nghiệm châm cứu và bốc thuốc chữa bệnh lâu năm, lương y Tăng Văn Quang đã giúp cho rất nhiều người, ở nhiều nơi trong cả nước: Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… phục hồi vận động, sức khỏe sau tai biến mạch máu não.
Anh Trần Văn Dũng, nhà ở Tiền Giang, bị tai biến mạch máu não gần như liệt tay chân hoàn toàn, được người nhà đưa đến lương y Quang, với mong muốn: “Thầy làm sao trong vòng 1 tháng người nhà tôi có thể đứng dậy được”. Lương y Quang nhận lời chữa trị với quyết tâm đáp ứng mong mỏi của gia đình bệnh nhân. Ông bấm các huyệt: khô khốc; bí quyền; ngũ bội 1, 2, 3, 4, 5; tam tinh 1, 2, 3, 4, 5… Đồng thời, châm cứu các huyệt: hoàng khiêu, thận du, mạng môn, thừa sơn, côn lôn… Ông còn cho bệnh nhân dùng bài thuốc: đào nhân 4g, địa long 4g, đương quy vĩ 8g, hoàng kỳ tươi 160g, xích thược 6g, xuyên khung 4g. Kết quả hơn cả sự mong đợi, bệnh nhân chỉ sau 2 tuần là đứng dậy được, sau đó dần dần có thể tự đi lại được.
Rất nhiều ca tương tự như trên được lương y Quang điều trị thành công. Mới đây, tranh thủ gặp chúng tôi ít phút, lương y Quang còn mang theo túi kim châm vào BV. 175 để chữa trị cho một sĩ quan cao cấp sau tai biến mạch máu não.
Có gia đình, sau khi người bố được lương y Quang điều trị phục hồi tai biến mạch máu não thành công liền năn nỉ “thầy cho con tui theo học nghề thuốc”. Lương y Quang nhận lời và đào tạo miễn phí. Ông nói: “Với bất cứ ai, nếu yêu thích y học cổ truyền, tôi đều nhận đào tạo miễn phí”.
Nếu biết việc học của lương y Quang phải trả bằng nhiều năm, nhiều tháng hết sức vất vả, sẽ thấy quý câu nói “miễn phí” nhẹ tênh trên của ông.
Với kinh nghiệm nghề y lâu năm, tài châm cứu, bấm huyệt và bằng sự say mê nghiên cứu, học hỏi không ngừng của mình, lương y Tăng Văn Quang chắc chắn còn đóng góp được nhiều cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, dù ông đã đến tuổi nghỉ hưu.
Nguyễn Hưng