Một trong những vị lương y đã xuất hiện trong thế kỷ 20 gắn liền với sự nghiệp cách mạng dân tộc, một lòng một dạ nghiên cứu thuốc Nam chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân là lương y Nguyễn Kiều.
Lương y Nguyễn Kiều.
Lương y Nguyễn Kiều sinh ngày 26/8/1891 ở thôn Long Hậu, xã Hoà Long, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình làm thuốc Bắc nổi tiếng. Ông đã theo con đường của Đại danh y Tuệ Tĩnh, say mê nghiên cứu chữa bệnh cho người lao động. Ông sớm tham gia cách mạng, năm 1930, bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo với án 20 năm tù khổ sai. Trong 15 năm ở địa ngục trần gian, với vốn nghề thuốc Nam, ông được đồng chí Tôn Đức Thắng giao nhiệm vụ xây dựng tổ thuốc Nam, lợi dụng những lúc làm khổ sai để hái lượm cây thuốc trên đảo và ven biển đem về chế biến thành thuốc chữa bệnh cho tù nhân, nổi danh “ba Kiều Côn Lôn” thầy thuốc giỏi. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng và đảm nhận các công tác: Trưởng ty Công an tỉnh Sa Đéc, Phó ban Quân y Nam Bộ, Trưởng ban Quân y - Bộ đội tình nguyện quân Việt Nam - Campuchia.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, lương y Nguyễn Kiều tự nguyện về xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) xây dựng tủ thuốc Nam Nông hội chữa bệnh cho bà con nông dân và nhiều cơ sở thuốc Nam tại xã. Lương y Nguyễn Kiều cũng đã tiến hành xây dựng Hợp tác xã y dược liên khu 5, Tập đoàn Đông y miền Nam và Hợp tác xã thuộc dân tộc Chùa Bộc nổi tiếng Hà Nội.
Năm 1959, Bộ Y tế mời lương y Nguyễn Kiều về làm Chủ nhiệm khoa thuốc Nam - Viện Nghiên cứu Đông y Trung ương. Tại Viện, ông hoàn thiện cuốn Cơ bản thuốc Nam giới thiệu 250 vị thuốc trong 100 cây thuốc và nhiều vật thuốc Nam gia dụng. Ông cũng viết tập Bệnh án lâm sàng và cuốn Chẩn trị thực tiễn hướng dẫn các môn sinh phương pháp chữa bệnh...
Năm 1962, Bộ Y tế đồng ý cho lương y Nguyễn Kiều mở trường thuốc Nam tại xóm Đậu, xã Đình Trung, tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ trong một thời gian, trường đã có vườn thuốc mẫu, có phòng khám bệnh nội ngoại trú. Dù chỉ mở 3 khoá nhưng trường đã đào tạo được gần 350 lương y, bồi dưỡng 2 lớp thuốc Nam cho 70 y bác sĩ của Bộ Y tế. Cuối năm 1965, lương y Nguyễn Kiều nghỉ hưu ở tuổi 75. Ông cũng làm cố vấn thuốc Nam Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang...
Đầu xuân 1967, lương y Nguyễn Kiều trở về tỉnh Hà Tây cùng các bạn tù cũ Côn Đảo xây dựng tủ thuốc Nam - Hợp tác xã nông nghiệp Hà Trì, xã Hà Cầu (Hà Đông). Tháng 3/1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm tủ thuốc Nam Hà Trì. Tại đây, Thủ tướng giao cho lương y Nguyễn Kiều xây dựng trường thuốc Nam nằm trong hệ thống đào tạo các trường trung học, đại học chính quy của Nhà nước. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang cử y bác sĩ quân y đến học thừa kế và giúp lương y Nguyễn Kiều tổ chức, quản lý, điều hành.Trường mang tên Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Ở tuổi 79, lương y Nguyễn Kiều được bổ nhiệm là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Tuệ Tĩnh. Trong quá trình giảng dạy, ông đề cao phương pháp chẩn đoán phòng chữa, thừa kế những bài thuốc hay, cây thuốc quý của các dân tộc, kinh nghiệm chữa bệnh của người xưa một cách khoa học sáng tạo...
Lương y Nguyễn Kiều mãi xứng danh là thầy thuốc Nam tiêu biểu của nền YDHCT dân tộc Việt Nam thế kỷ 20...
Theo dòng thời gian, kỳ vọng của lương y Nguyễn Kiều “Trường Tuệ Tĩnh hôm nay - Học viện thuốc ta ngày mai” đã thành hiện thực. Năm 2005, PGS.TS. Trương Việt Bình - Hiệu trưởng tiếp nối đã bảo vệ thành công đề án đưa Trường Tuệ Tĩnh thành Học viện YDHCT Việt Nam. Năm 2015, TS. Đậu Xuân Cảnh đã lấy ngày 2/12 hàng năm - ngày giỗ của lương y Nguyễn Kiều là ngày truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của Học viện YDHCT Việt Nam.
Thể theo đông đảo nguyện vọng của những người làm nghề thuốc Nam ở mọi vùng miền Tổ quốc, ngày 17/5/2017, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra quyết định thành lập Hội Nam y Việt Nam.