Hà Nội

Lương y người Dao giữ gìn vốn quý dược liệu ở xứ Thanh

25-09-2023 15:05 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Người dân tộc Dao nơi mảnh đất biên cương Mường Lát – Thanh Hóa đã khai thác, bào chế, chữa bệnh… từ những dược liệu của núi rừng. Dược liệu không chỉ mang giá trị kinh tế nuôi sống bà con mà còn là những bài thuốc quý giúp họ vượt qua bệnh tật, ốm đau.

Huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa được biết đến là vùng đất sở hữu hệ động, thực vật phong phú. Trong đó phải kể đến nguồn dược liệu vô cùng đa dạng. Từ nguồn thiên nhiên phong phú, đồng bào dân tộc nơi đây đã tận dụng nguồn dược liệu để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. 

Hàng trăm bài thuốc quý đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những người dân tộc Dao nơi sát biên cương đã dựa vào những cây dược liệu để sinh sống, để bảo vệ sức khỏe.

Ông Triệu Văn Lĩu – Trưởng bản Hạ Sơn (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát), một trong những đầu tàu nuôi trồng và giữ gìn vốn quý dược liệu núi rừng nơi đây. Ông Lĩu cho biết trước đây, khi còn trẻ khỏe ông thường vào rừng tìm kiếm các loại thuốc quý. Rồi từ kinh nghiệm cha ông để lại dùng những dược liệu ấy để chữa bệnh. Những loại thuốc quý ông hong khô rồi cất giữ dùng dần. Sau đó, ông Lĩu đã thay đổi tư duy. 

Những quả đồi sát nhà đã được ông tận dụng để trồng các loại dược liệu quý. Dần dần, những cây xạ đen, cỏ máu, hà thủ ô, trà hoa vàng, sâm cau, sâm xuyên đá… đã có mặt trong khu vườn trồng của ông. Các loại dược liệu này được ông Lĩnh dùng để chữa các loại bệnh thông thường như khó tiêu, đau dạ dày, ngộ độc, cảm hàn, đau lưng, viêm khớp, thiếu máu

Lương y người Dao giữ gìn vốn quý dược liệu ở xứ Thanh - Ảnh 1.

Ông Triệu Văn Lĩu – Trưởng bản Hạ Sơn (Pù Nhi – Mường Lát) bên kho thuốc nam của gia đình.

Ngoài những dược liệu quen thuộc có thể điểm mặt gọi tên, ông Lĩu cho biết trước kia ông đã đi không biết bao nhiêu cánh rừng, có những loại dược liệu ông không biết tên, nhưng có thể biết chúng dùng để chữa bệnh gì.

Ông Lĩu cho biết, người Dao ở đây có những bài thuốc quý lưu giữ hàng trăm năm để chữa bệnh cho phụ nữ như hậu sản, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ chữa vô sinh, các bệnh về da…

Không chỉ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, người Dao còn dựa vào những cây dược liệu để sinh sống. Bản Hạ Sơn có 51 hộ với 228 nhân khẩu, 100% đều là người dân tộc Dao. Hầu như gia đình nào cũng biết bào chế thuốc và bốc thuốc.

Tuy nhiên, họ không kiếm sống chủ yếu vào nghề này. Bà con nơi đây trước kia vẫn dựa vào những mảnh ruộng, con trâu, con lợn… Những bài thuốc lưu truyền chỉ dùng để chữa bệnh trong nhà hoặc giúp bà con xóm làng. Tiếng lành đồn xa, dần dần những người dân ở bản trên xóm dưới đã tìm đến Hạ Sơn xin nhờ những bài thuốc hay. Bà con người Dao bắt đầu tìm cách phát triển nghề bốc thuốc, làm thuốc.

Là một trưởng bản cũng là một thầy thuốc có tiếng trong vùng, ông Lĩu là thế hệ thứ 3-4 của một gia đình làm nghề bốc thuốc. Năm nay ông đã gần 60 tuổi và có hơn 30 tuổi nghề, chữa bệnh cho rất nhiều người dân. Ông cũng là 1 trong 5 gia đình của bản Hạ Sơn được cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền. 

Những cây dược liệu đã và đang thay đổi cuộc sống của người Dao ở bản Hạ Sơn. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tại bản Hạ Sơn đạt gần 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%.

Thế nhưng, cũng như ông Lĩu, việc phát triển nghề bốc thuốc khiến người dân đổ xô vào rừng khai thác dược liệu một cách bữa bãi. Dược liệu bị khai thác nhưng không được bảo tồn khiến cho nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm. Rất nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc chỉ xuất hiện ở những vùng núi cao, sâu, việc khai thác vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Lương y người Dao giữ gìn vốn quý dược liệu ở xứ Thanh - Ảnh 2.

Ông Lĩu luôn quan tâm, tuyên truyền dân bản lấy thuốc trong rừng một cách khoa học.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo tồn, gìn giữ nguồn dược liệu nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc ông Lĩu đưa các loại dược liệu quý về trồng quanh nhà chỉ là giải pháp tạm thời. 

Ông và những người dân nơi đây luôn mong muốn được tiếp cận với những phương pháp chuyên trồng, chế biến thuốc nam một cách chuyên nghiệp, bài bản để phát huy các bài thuốc quý của dân tộc Dao.

Ông Bùi Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Pù Nhi cho biết để có định hướng bảo tồn nghề thuốc gia truyền của đồng bào Dao, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ khảo sát, thống kê lại những loài cây thuốc nam trong rừng. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã cùng bảo tồn và phát triển những cây thuốc quý đang dần bị mai một. 

Song song với việc chữa bệnh cứu người, nghề thuốc nam gia truyền cũng đang góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình người Dao. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và cộng đồng để phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mang lại giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương.

Trồng cây dược liệu nâng cao giá trị từ mô hình liên kết sản xuất ở Bắc Sơn, Lạng SơnTrồng cây dược liệu nâng cao giá trị từ mô hình liên kết sản xuất ở Bắc Sơn, Lạng Sơn

SKĐS - Quế, hồi, hủy xương bồ, cốt khí, thìa canh, cát sâm… là cây trồng thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm dược liệu từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực của huyện Bắc Sơn – một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn.


PV
Ý kiến của bạn