Lương y là phải nghiêm cẩn với nghề

04-11-2018 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Có một lần, vừa sáng ra, cha bảo tôi rằng “chiều qua, vì kê đơn thiếu một vị thuốc, cả đêm cha không ngủ”. Lời dạy ấy qua 60 năm, tôi vẫn còn nhớ!

Đông Y có hai học thuyết quan trọng là âm dương và ngũ hành. Thuyết âm dương quán triệt toàn bộ nền y học cổ truyền, còn ngũ hành được ứng dụng để quan sát bệnh, tìm tính năng, tác dụng của thuốc cuối cùng là bào chế thuốc (ngoài ra có kinh lạc, thiên nhân hợp nhất, tinh – khí - thần…)

Bài thuốc thiếu một vị, có thể mất cân bằng âm dương; ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) không đủ. Như thế không những thuốc thiếu đi công hiệu mà còn phát sinh những điều bất cập. Nhà tôi tám đời nghề y, có được chút thành công, bí kíp không có gì lạ, chẳng qua là nghiêm khắc với mình, cẩn trọng khi dùng thuốc.

Lương y Vũ Văn Nhiệm

Lương y như lương tướng

Có câu “lương y như từ mẫu” – nghĩa là thầy thuốc như người mẹ hiền, đấy là đạo lý ứng xử của người thầy thuốc với cộng đồng, với bệnh nhân. Còn trong đạo dùng thuốc thì “lương y như lương tướng”.

Người thầy thuốc cũng như vị tướng cầm quân đánh giặc (giặc ở đây là bệnh tật). Vị tướng ấy phải có lòng lương thiện, phải có năng lực điều phối từng vị thuốc đến đúng nơi cần điều trị, cần bồi bổ. Dùng vị thuốc nào, dùng chất nào dẫn thuốc đều phải cân nhắc nặng nhẹ.

Thuốc trong Đông y có “quân”, “thần”, “tá”, “sứ”. Trong đó, quân dược là vị thuốc chủ lực còn gọi là chủ dược, “thần” là vị thuốc hỗ trợ cho quân dược, “tá” là thuốc hỗ trợ, “sứ” dẫn thuốc đến đúng kinh mạch, đúng điểm cần chữa trị. Thiếu đi một vị là bài thuốc mất đi một chức năng, chẳng hạn thiếu “sứ”, lấy gì dẫn lối, “quân”, “thần”, “tá” đến đúng điểm bệnh?

Chưa kể Đông Y có dương có âm, thuốc có ưu thì cũng có nhược. Một vị thuốc thoạt nghe rất lành nhưng dùng không đúng sẽ thành phá hoại. Đơn cử cam thảo, trong nhiều bài thuốc, vị này đóng vai trò “sứ” dẫn thuốc đến nơi chữa trị. Nhưng cam thảo có nhược tính là tích nước, không được dùng cho người béo, bị phù thũng.

Dùng thuốc công hiệu là khi có đủ “quân”, “thần”, “tá”, “sứ”, đảm bảo cân bằng âm dương cho cơ thể người bệnh, kỹ thuật sao tẩm, chế biến phải đủ ngũ hành, thuốc đi đến đúng nơi cần điều trị. Thiếu một vị, thuốc thiếu công hiệu. Nên lương y nghĩa rằng phải cẩn trọng, nghiêm khắc với chính mình.

Lương y Vũ Văn Nhiệm thăm khám bệnh nhân bệnh da liễu

Nhận rõ “quân”, “thần”, “tá”, “sứ” trong bài thuốc trị mề đay

Mề đay, dân gian gọi là bệnh phong ngứa, trong Đông y thuộc chứng phong sang. Trị mề đay là tiêu phong, tức là làm mất đi tà khí (những thứ độc hại bên ngoài) xâm nhập cơ thể. Cơ chế bệnh sinh bắt đầu từ tạng phủ không điều hòa, can (gan) không giải độc, phế không sinh đủ vệ khí, tỳ vị suy yếu. Hậu quả là huyết hư, huyết trệ, sinh ra chứng phong ngứa (nổi mề đay).

Để trị bệnh này, trước nhất cần giải độc gan, thứ đến bồi bổ tỳ vị, nâng cao phế khí. Đặc biệt chích hoàng kỳ (hoàng kỳ sao) chống phát hãn (đổ mồ hôi) tránh để tà khí bị đẩy ra lại theo đường mồ hôi thấm ngược vào cơ thể. Nhưng đưa thuốc vào can, phế, tỳ, dùng ngoài da, thì vị nào là “quân”, là “thần”, là “tá” là “sứ”?

Bệnh mề đay khởi nguồn từ gan không giải độc. Ví như với bài thuốc gia truyền nhà tôi thì dùng kim ngân hoa - thuốc quý chủ về giải độc gan làm quân dược (còn gọi là chủ dược). Trong khi đó, sinh hoàng kỳ bổ khí, trị ung nhọt; chích hoàng kỳ (chống phát hãn) là thần dược… Tá dược có thương truật giúp giải độc phong tà, bạch truật bồi bổ tỳ vị. Lại dùng thêm cam thảo (hoặc bạch linh) làm sứ dược, dẫn thuốc đến các nơi cần chữa trị, bồi bổ…

Người bệnh thể tạng suy nhược thì dùng lộc nhung khô. Da bị thương tổn thì dùng phấn hoa trinh nữ hoàng cung. Thuốc dùng công hiệu đến đâu lại do bí kíp sao tẩm, cái tâm của người lương y và nhất là dùng thuốc theo đúng ngũ hành. Ví như: can thuộc mộc, tỳ là thổ, phế thuộc kim, thuốc phải đưa đúng từng vị mới có công hiệu.

Chỉ một bài thuốc trị chứng phong ngứa (nổi mề đay) mà Đông y dùng cả âm dương, ngũ hành, lại phải chuẩn mực “quân”, “thần”, “tá”, “sứ”. Thuốc có cả việc chữa trị bên trong (can, phế, tỳ) và điều trị bên ngoài (lông, da, cơ, nhục, bì, bao). Dùng đủ, lo gì bệnh không khỏi? Đấy cũng là cái tâm, cái tài hoa của người lương y.

Lương y chuyên sâu Vũ Văn Nhiệm

Chi hội trưởng Chi hội I, UV BCH Hội Đông Y Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Web site https://www.maithanhduong.com/


Ý kiến của bạn