Hà Nội

Lượng testosteron thấp, điều gì sẽ xảy ra?

05-12-2019 14:03 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Testosteron là hormon sinh dục nam, có tác dụng mạnh trên sự đồng hóa và trên đặc tính giới. Nó là nhân tố quyết định đến việc hình thành những đặc điểm của đàn ông, biến một cậu bé thành một chàng thanh niên nam tính và mạnh mẽ…

Đồng thời, testosteron cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối hành vi ở cả nam lẫn nữ.

Testosteron có trong cơ thể cả hai giới. Nó được bài tiết chủ yếu ở tinh hoàn, chỉ có một lượng nhỏ từ những steroid do vỏ ngoài của tuyến thượng thận tạo nên. Ở phụ nữ cũng có một lượng nhỏ testosteron được bài tiết ra từ buồng trứng (và cả tuyến thượng thận) nhưng rất ít so với nam giới. Testosteron chịu trách nhiệm cho sự phát triển của cơ quan sinh dục nam như: dương vật, tinh hoàn, bìu, tuyến tiền liệt, túi tinh... Nội tiết tố này cũng ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển các đặc tính sinh dục nam như: tăng mọc lông tóc, giọng trầm, gây hưng phấn và ham muốn tình dục, sự trưởng thành của tinh trùng... Ngoài ra, testosteron làm tăng tổng hợp protein, thúc đẩy quá trình phát triển của cơ bắp, kích thích tạo hồng cầu...

Dấu hiệu nhận biết lượng testosteron thấp

Testosteron là kích thích tố sinh dục nam, là nhiên liệu cho bộ máy sinh sản của nam giới hoạt động nên khi bị thiếu hụt, hàm lượng hormon này trong cơ thể ở mức thấp sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Nồng độ testosteron thấp (thiếu hụt) không chỉ đi kèm với giảm ham muốn giới tính và kém cương dương ở mức độ nào đó mà còn gây ra tình trạng kém hăng hái, giảm động lực sống, mỏi mệt, giảm khả năng trí tuệ.

Khi mức testosteron thấp làm giảm ham muốn, khó chịu, tâm tính thay đổi, khó tập trung…

Khi mức testosteron thấp làm giảm ham muốn, khó chịu, tâm tính thay đổi, khó tập trung…

Theo quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, lượng testosteron sẽ suy giảm từ từ. Đây là dấu hiệu bình thường của tuổi tác. Khi bước vào tuổi trung niên, sự suy giảm nồng độ testosteron dần dần sẽ gây nên hội chứng mãn dục nam. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện ở nam giới sau tuổi 35 và tác động rõ rệt nhất đến cơ thể sau độ tuổi 40, đó là nguồn gốc làm giảm khả năng sinh lý như: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giảm lượng tinh trùng gây khó có con. Testosteron thấp có thể tạo những thay đổi dễ nhận với một số người: cơ mỏng hơn, lông tóc thưa, tinh hoàn nhỏ hơn, ngực rộng hơn… Về sức khỏe toàn thân, làm tăng các bệnh lý tim mạch, giảm trí nhớ, cơ bắp không còn săn chắc, giảm mật độ xương gây loãng xương, hay đi tiểu đêm, đau lưng mỏi gối... Bạn có thể nghĩ tới chứng loãng xương hoặc giòn xương là bệnh phụ nữ, nhưng nó có thể ảnh hưởng tới nam giới. Khi mức testosteron giảm xuống, xương bắt đầu mỏng hơn, yếu hơn và dễ tổn thương hơn. Ở người trẻ, hàm lượng testosteron thấp có thể làm giảm sự mọc râu và lông trên cơ thể, giảm phát triển khối cơ và cơ quan sinh dục, giọng nói cũng không trầm…

Testosteron đóng vai trò sống còn đối với sức khỏe tinh thần của phái mạnh. Nó giúp duy trì năng lượng và cảm giác hạnh phúc. Vì thế, những người đàn ông bị thấp testosteron thường thấy không hạnh phúc, trầm cảm và uể oải.

Khi mức testosteron thấp ở mức vừa phải, không phải lúc nào cũng ảnh hưởng tới quan hệ tình dục nhưng nó có thể khiến não bộ và cơ thể nam giới khó kích thích hơn. Một số người sẽ cảm thấy giảm ham muốn tình dục, số khác thì có thể mất hoàn toàn hứng thú với tình dục. Testosteron thấp cũng khiến khó giữ hay đạt cương cứng. Testosteron giúp nam giới sản sinh tinh trùng. Khi mức hormon này thấp, lượng tinh trùng có thể thấp hơn. Nếu không đủ tinh trùng, khả năng thụ thai sẽ khó khăn hơn.

Khi mức testosteron thấp, một số người gặp các vấn đề khác như: khó chịu, tâm tính thay đổi, khó tập trung, ít năng lượng…

Giải pháp để duy trì nồng độ testosteron

Giải pháp tốt nhất đối với đại đa số đàn ông muốn ổn định mức testosteron là thay đổi lối sống. Việc ăn uống không điều độ, ngủ ít, không tập thể dục… là những yếu tố sẽ “nhấn chìm” testosteron. Đặc biệt, khi bị stress thì hormon căng thẳng cortisol tăng cao, testosteron sẽ bị giảm sút nhanh. Vì vậy, nam giới nên cân bằng cuộc sống của mình giữa làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn và năng tập luyện thể dục thể thao. Một số môn thể dục đòi hỏi tăng cường độ làm việc của cơ bắp có thể tăng testosteron hiệu quả nhất như: nâng tạ, chạy nước rút, đạp xe đạp…Nhưng lưu ý nên tập vừa sức, không gắng sức sẽ bị mỏi mệt và gây hiệu ứng ngược cho sức khỏe. Tăng cường dinh dưỡng: Ăn thêm dầu mỡ, những chất béo không bão hòa đơn, tốt cho sức khỏe như trứng, bơ, ô liu, dầu dừa, các loại hạt… Cần ngủ đủ giấc, tắm nắng nhiều hơn cũng có thể tăng cường testosteron.

Điều mà quý ông cần đặc biệt lưu ý là không vội vàng bổ sung testosteron dưới dạng dược phẩm khi chưa có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Giải pháp bổ sung hormon bừa bãi khiến nam giới có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn và những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng như: nở ngực, giảm khả năng sinh sản, cục máu đông, đau tim, phì đại tuyến tiền liệt…


BS. Đinh Mạnh Trí
Ý kiến của bạn