Trả lời báo chí trong cuộc trao đổi sáng nay 26/6, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khẳng định: “Việc thiếu máu đã không còn căng thẳng”.
Theo thống kê, những ngày gần đây biết tin nguồn máu đang khan hiếm, có khoảng 400 người đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mỗi ngày đăng ký hiến máu, trong khi trước đây trung bình chỉ khoảng 35 người/ngày.
Ngày mai (27/6), 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an của thành phố Hà Nội sẽ tham gia hiến máu. Lượng người tham gia hiến máu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã tăng từ 8 đến 10 lần.
“Việc thiếu máu đã không còn căng thẳng”
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Tình hình thiếu máu trong 3 tuần qua là nghiêm trọng. Lượng máu tiếp nhận được chỉ đạt 40 - 60% nhu cầu, cá biệt có ngày chỉ đạt 30%. Riêng tại Viện mỗi ngày cũng đã cần tới 600 đơn vị máu. Tình trạng thiếu máu đã khiến cho các bệnh nhân phải chờ đợi và lo lắng.
Trước tình hình đó, Viện đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để khắc phục như kêu gọi trên các phương tiện truyền thông, điều tiết máu từ các địa phương có nguồn người hiến máu dồi dào như Bắc Kạn, Đắk Lắk, Đắk Nông… Bên cạnh đó, Viện cũng kêu gọi các đơn vị thân thiết hỗ trợ”.
Lý giải về nguyên nhân gây thiếu máu, ông Trí cho rằng, tuy nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn về việc vận động hiến máu nhưng số đơn vị máu thu được chỉ chiếm 1,1% dân số. Trong khi đó, theo tổ chức Y tế thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu thì số đơn vị máu thu được phải chiếm tối thiểu 2%. Trong khi đó, có đến 70% người hiến máu là sinh viên, thời gian này họ phải thi và nghỉ hè nên lượng người hiến máu giảm. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua. Trước tình hình đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức Hành trình đỏ để vận động hiến máu trong dịp hè. Ngày 2/7, khi Hành trình Đỏ xuất quân, tình trạng thiếu máu chắc chắn sẽ được giải quyết".
Số người đến đăng ký hiến máu đã gia tăng đáng kể sau khi biết tin nhóm máu A và O đang khan hiếm.
Trong những ngày qua, nhiều người đã không quản ngại mưa nắng xa xôi đến đăng ký hiến máu khiến vị Viện trưởng thực sự xúc động nói: “Tôi thực sự rất xúc động khi trong ngày 24/6, dù trời mưa bão nhưng người dân vẫn đến hiến máu. Hôm nay, người dân cũng đã đến chật kín tầng 2 xếp hàng chờ hiến máu, có nhiều người gọi điện cho tôi tha thiết mong muốn được hiến máu. Tôi thấy rằng tinh thần hiến máu cứu người đã thấm vào các tầng lớp nhân dân, người dân đã thực sự cùng với chúng tôi chung tay giải quyết vấn đề thiếu máu”.
Vì sao thu phí của người bệnh cần truyền máu?
Trả lời câu hỏi "Tại sao người dân đi hiến máu tình nguyện nhưng khi người bệnh cần truyền máu phải trả tiền?”, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: "Máu tiếp nhận từ người hiến chỉ là nguyên liệu chứ chưa thể đem truyền cho người bệnh. Mỗi đơn vị máu đến tay người bệnh sẽ phải trải qua quá trình dài với nhiều khâu như: Tuyên truyền, vận động người hiến máu; Sàng lọc các loại bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C….; Điều chế máu; Bảo quản, lưu trữ; Vận chuyển đến bệnh viện; Làm các kỹ thuật để truyền máu cho bệnh nhân…
Chi phí để một đơn vị máu đến tay người bệnh không dưới 2 triệu đồng. Trong khi đó, với mỗi đơn vị máu, người bệnh chỉ phải trả từ 450.000 – 810.000 đồng tuỳ vào thể tích máu”.
PV