Hà Nội

Lương Ngọc Huỳnh - kỳ nhân võ thuật, lương y gia khoa

24-02-2015 20:55 | Thời sự
google news

Lương Ngọc Huỳnh từng được trao tặng Huân chương Pirogov và Huân chương Vì sự nghiệp an ninh Liên bang Nga do những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực y học

Nghe danh Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Lương Ngọc Huỳnh, người sáng lập môn phái Lâm Sơn Ðộng đã lâu và biết dù nay đang sống ở nước Nga xa xôi, nhưng hàng năm anh vẫn có nhiều chuyến về Việt Nam, tôi đã “săn tìm” được người đàn ông này.

GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh được Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga phong hàm Giáo sư. Trước đó, ông được Viện Hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ phong danh hiệu Viện sĩ do đã chọn Viện Hàn lâm này để gửi đề án về cách dùng khí công nâng cao sức khỏe và hiệu quả chữa bệnh. GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh hiện là Phó Chủ tịch Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga.

GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh (giữa) nhận học hàm Giáo sư của Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga

Kỳ nhân võ thuật

GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh có một tuổi thơ không êm đềm. Mẹ anh đã đẻ rơi anh khi bà đang cặm cụi công việc ở chuồng trâu. Một bà hàng xóm đã nhanh chân chạy sang dùng cật nứa cắt rốn cho mẹ con anh. Đó là năm 1964. Người mẹ nhẩm tính khi sinh anh, bà mới mang thai được 7 tháng 20 ngày. Có lẽ do sinh thiếu tháng, nên người anh lúc ra đời bé tẻo teo, chỉ nặng 1,7kg. Và thật không may, mới 3 ngày tuổi anh bị nhiễm trùng uốn ván. Anh được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Gồ (thị xã Sơn Tây, Hà Tây cũ). Tại đây, các bác sĩ Việt Nam và Đức đã cứu sống anh. Nhưng, di chứng để lại với anh thật thảm hại - anh bị bại liệt hoàn toàn, chân tay co quắp.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về võ thuật và y học, đó là sự may mắn của anh Lương Ngọc Huỳnh. Bố mẹ anh sinh được 7 người con, 6 trai, 1 gái và anh là con thứ năm. Bà nội của anh - cụ Nguyễn Thị Tỵ, người kế thừa những tinh hoa của dòng họ để lại, đã vận dụng tất cả kiến thức về khí công võ thuật lẫn y học cổ truyền để chữa bệnh cho đứa cháu nội kém may mắn. Ngày ấy, khi cậu bé Huỳnh bị bại liệt, bà nội thường xuyên vào rừng Phú Mãn, cách nhà (ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ) 13 cây số, để hái các lá cây thuốc Nam về sắc lấy nước cho anh uống. Không ai biết những lá thuốc ấy tên gì. Chỉ biết cùng với việc uống thuốc lá rừng, hàng ngày bà miệt mài châm cứu, bấm huyệt cho đứa cháu nội. May mắn, năm lên 4 tuổi, cậu bé Huỳnh bắt đầu chập chững biết đi - những bước đi đầu tiên của cuộc đời. Thương cháu nội ốm yếu, sau khi cậu bé Huỳnh đã biết đi, sang 5 tuổi bà nội liền truyền dạy võ, với mong muốn duy nhất: học võ người cháu sẽ có cơ thể khỏe mạnh. Bài tập đầu tiên, bà nội dạy cậu bé Huỳnh là hàng ngày xách hai viên gạch đã được cột vào dây thừng, mỗi ngày xách gạch đi mười vòng quanh sân nhà. Năm 8 tuổi, Lương Ngọc Huỳnh chính thức làm lễ nhập môn võ gia truyền của dòng họ. Bà nội cũng bắt đầu dạy cho anh châm cứu. Trước tiên là bắt anh học các huyệt đạo cơ bản. Hồi ấy, đi học cấp một trường làng, anh đã bị thầy giáo bắt để tay lên bàn đánh mấy roi vì tội... vẽ bẩn lên tay. Thầy không biết đó là những huyệt đạo bà lấy bút khoanh tròn ghi tên lên đó để anh dễ nhớ. Càng lớn lên, anh được bà nội truyền sâu những bài thuốc Nam gia truyền.

GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh từ nhỏ cũng đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Bố anh là người đã dạy cho anh đánh đàn bầu. Còn nhớ, năm 1972, khi máy bay B52 của Mỹ ngày đêm đánh phá Hà Nội, anh và người bố đã đi biểu diễn ở trận địa để phục vụ cho tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô, bất chấp tiếng bom rơi đạn lạc. Vì những thành tích ấy, tháng 12 năm 1972 anh đã được biểu diễn báo cáo Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo của Nhà nước tại Nhà hát Lớn Hà Nội và vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ tí hon”. “Đó chính là động lực thúc đẩy tôi cố gắng trong cuộc sống. Cũng từ đó, hàng ngày tôi đam mê tập luyện âm nhạc, bên cạnh tập luyện võ thuật và học những bí quyết về y học của dòng họ” - anh nói. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh làm đơn xung phong đi bộ đội và phục vụ trong quân đội 3 năm. Cuối năm 1988, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, đó là lúc như anh nói, cuộc sống kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Để mưu sinh, anh mở lớp dạy võ cho thanh, thiếu niên trong làng. Dần dần nhiều em nhỏ, thanh niên các làng bên nghe tiếng anh đã tìm đến học võ. Không lâu sau, lò luyện võ của anh nổi tiếng khắp huyện Quốc Oai, rồi lan ra các huyện trong tỉnh Hà Tây cũ.

Ngày 23/9/1990 là một ngày đáng nhớ với GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh. Đó là ngày anh sáng lập ra môn phái Lâm Sơn Động khi được sự đồng ý và cho phép của chính quyền tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cùng đó, nhiều võ đường được mở ra, và chỉ ba năm sau, năm 1993, số võ sinh theo học môn phái Lâm Sơn Động lên tới 10 ngàn người. Danh tiếng của võ sư Lương Ngọc Huỳnh sớm vượt ra ngoài biên giới. Trong hai năm 1998 và 1999, anh được mời sang Pháp dạy võ tại Trung tâm Võ thuật Paris và Tổ chức Cảnh sát GINGEN, là một tổ chức cảnh sát đặc biệt tinh nhuệ nhất của nước Pháp. Đến nay, môn phái này đã đào tạo hàng trăm võ sư - huấn luyện viên Lâm Sơn Động và chữa bệnh cho hàng ngàn người ở các địa phương trong nước. Sau hơn 30 năm tu luyện võ thuật và nghiên cứu về y học, GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh đã dồn tâm trí, gửi gắm hết kinh nghiệm nghề nghiệp của mình trong hai cuốn sách “Khí công - Kungfu Lâm Sơn Động” và “Lương gia Y khoa”.

GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh (bên trái) với vị lãnh đạo Học Viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga

Thành công ở nước Nga

Hồi ấy, hàng ngày vừa dạy võ, vừa chữa bệnh tại võ đường ở quê nhà Hà Tây, GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh vừa nghiên cứu để tìm ra những phương pháp chữa bệnh mới, hiệu quả hơn. Anh đi khắp mọi nơi tìm thầy để bổ trợ thêm kiến thức về y học cổ truyền. Lương y Lê Văn Sửu là người thầy mà anh đã theo học suốt trong vòng 6 năm. Năm 2001, Hội Võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga mời anh sang làm Phó Chủ tịch thứ nhất của hội. Từ đây anh đã sống và làm việc, dạy võ, chữa bệnh cho cộng đồng người Việt ở Nga và cả công dân Nga. Ở Nga, anh học tại Trường ĐH Y khoa Matxcơva để lấy bằng bác sĩ. Đến nay, GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh có 3 trung tâm khám chữa bệnh theo phương pháp Y học cổ truyền Việt Nam tại Thủ đô Matxcơva, với trên chục bác sĩ Đông y hàng ngày bắt mạch chữa bệnh cho khoảng 50 bệnh nhân. Nhóm bệnh mà anh và cộng sự mát tay chữa, cho hiệu quả cao là các bệnh liên quan xương khớp, như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp và cong cột sống. Bên cạnh là các bệnh anh và cộng sự chữa thành công liên quan hệ thần kinh, như liệt dây thần kinh mặt, thần kinh tọa, thần kinh ngoại biên, thần kinh thực vật..., bệnh rối loạn chức năng tạng phủ như gan, tụy, dạ dày, hành tá tràng... Anh cùng các bác sĩ trung tâm sử dụng bốn nguyên tắc cơ bản chữa bệnh, đó là: tư vấn cho người bệnh về mặt tinh thần, giúp họ không còn hoang mang, lo lắng về bệnh tật. Tiếp đến, điều trị theo phương pháp y học cổ truyền, gồm châm cứu, bấm huyệt, nắn chỉnh (với người bị bệnh cột sống, đĩa đệm, vẹo xương, cong cột sống) và uống thuốc Đông y (nguyên liệu mang từ Việt Nam sang). Hướng dẫn người bệnh tập luyện khí công phù hợp từng loại bệnh nhằm tăng hiệu quả chữa bệnh. Sau cùng là định hướng người bệnh tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống để quyết tâm chữa khỏi bệnh. Phần lớn bệnh nhân người Nga, các nước ở Nga tìm đến trung tâm của anh đều có một cảm giác đặc biệt. Họ không thể lý giải nổi, vì sao không dùng máy móc hiện đại như siêu âm, chụp Xquang, xét nghiệm, mà các bác sĩ Đông y Việt Nam (chỉ dùng phương pháp Tứ chẩn) lại xác định đúng bệnh của họ đang mắc phải (đã được Tây y chẩn đoán, kết luận). Điều đó khiến họ rất ngạc nhiên.

Thành công ở nước Nga, GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh hàng năm vẫn đều đặn trở về Việt Nam để có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho đất nước. Anh hiện đồng thời là Viện phó Viện Y học cổ truyền Phương Đông, trực thuộc Hiệp hội Khoa học Đông Nam Á của nước ta. “Hiện tại, tôi đang làm việc với Trung tâm Cai nghiện Gia Minh (Thủy Nguyên, Hải Phòng) để nghiên cứu các phương pháp cai nghiện hiệu quả nhất cho các nạn nhân xã hội. Bên cạnh kết hợp với Trường đại học Nguyễn Trãi tiến tới thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng thực hành về y học và võ thuật Lâm Sơn Động” - GS.VS. Huỳnh cho biết. Bên cạnh, anh cũng đang tham gia huấn luyện môn võ thuật phái Lâm Sơn Động cho lực lượng cảnh vệ Việt Nam. Với mong muốn truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ, hiện GS.VS. Huỳnh đang dồn tâm sức để viết hai cuốn sách “Lương gia mạch học” và “Trường thi sử toàn thư” - viết về lịch sử Việt Nam và thế giới hoàn toàn bằng thơ.

GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh từng được Ủy ban giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga trao tặng Huân chương Pirogov (Huân chương cao nhất về Y học của Liên bang Nga) và Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga trao tặng Huân chương Vì sự nghiệp an ninh Liên bang Nga.

Nam Hoàng


Ý kiến của bạn