Lương khủng và lương tâm

06-09-2013 22:14 | Xã hội
google news

Lương cũng là thước đo giá trị cống hiến của người lao động ở bất cứ vị trí nào và có thể ai đó nhận lương cả chục tỷ đồng/năm chắc cũng không gây ồn ào trong dư luận. Dư luận chỉ ồn ào khi lương không tương xứng với lao động của người nhận lương và khái niệm lương trở thành “Lương khủng”.

Lương cũng là thước đo giá trị cống hiến của người lao động ở bất cứ vị trí nào và có thể ai đó nhận lương cả chục tỷ đồng/năm chắc cũng không gây ồn ào trong dư luận. Dư luận chỉ ồn ào khi lương không tương xứng với lao động của người nhận lương và khái niệm lương trở thành "Lương khủng".

Sau việc Kiểm toán Nhà nước năm 2011 công bố Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex kinh doanh thua lỗ gần 1.700 tỷ đồng, nhưng lương của lãnh đạo Tập đoàn vẫn ở mức 40 - 50 triệu đồng/tháng, dư luận gần đây lại thêm bàng hoàng, thậm chí bất bình khi hay tin về mức lương cao ngất ngưởng của cán bộ quản lý tại một số công ty công ích ở TP. Hồ Chí Minh.

Chuyện mức lương 2,6 tỷ đồng/năm của ông Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị là mức lương mà người lao động có nằm mơ cũng không bao giờ thấy quả là chuyện lạ. Nhưng lạ hơn là làm sao ông có được mức lương ấy khi ông không tự quy định được mức lương cho chính mình. Quỹ lương phải do cấp có thẩm quyền xét duyệt cùng những cơ quan hữu quan giám sát và chuyện lạ này như con voi chui lỗ kim. Chắc hẳn trong công ty không chỉ có ông nhận lương khủng mà thuộc cấp và những phòng ban liên quan cũng "được lộc" theo tỷ lệ để có được sự im lặng, "ổn định" suốt nhiều năm nay. Và khi quỹ lương được phê duyệt là hợp lý nhưng khi Giám đốc và bộ sậu có lương khủng thì người lao động chắc chắn bị ăn cắp lương qua những thủ đoạn tiểu xảo tinh vi như ký hợp đồng vụ việc, bị quên quyền hưởng bảo hiểm, phúc lợi xã hội... Giả thử quỹ lương tính sai nhưng lương người lao động là đúng thì tiền thuế của dân cũng bị ăn cắp cho việc trả lương khủng như thế.

Các công ty khác bị phát hiện hoặc có lương khủng nhưng chưa bị phát hiện chắc chắn cũng đang ăn cắp tiền của người lao động hoặc ăn cắp tiền dân để trả lương khủng cho lãnh đạo và bộ sậu. Chắc chắn tiền thất thoát là không nhỏ, không chỉ là chục tỷ "trả sai" cho 4 ông giám đốc.

Chuyện những giám đốc (và bộ sậu) làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người lao động, trên tiền thuế của dân rõ ràng là những kẻ không có lương tâm, thậm chí là những kẻ tham nhũng phải bị đào thải và bị truy thu khoản nhận lương không từ công sức thật của mình. Thế nhưng vai trò quản lý nhà nước của những cơ quan chức năng hữu quan là thế nào khi mức lương khủng này đã kéo dài bao lâu, tại sao không ai biết? Đây là chuyện tham nhũng tinh vi che mắt lừa dối cơ quan quản lý hay là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thiết nghĩ cần được làm rõ.

Chuyện "lương khủng" không chỉ còn là chuyện lòng tham của những giám đốc và bộ sậu với con số tỷ đồng, vài chục tỷ đồng bị mất vô lý, lớn hơn là sự bất lương của những kẻ được nhân dân tin cậy giao trọng trách đã ý thức được sự phè phỡn của mình trên mồ hôi, công sức những người lao động bằng những tiểu xảo lách luật, lừa dân.UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa ra kết luận và xử lý tạm đình chỉ công tác 8 cá nhân liên quan và yêu cầu các công ty chi lương sai quy định bị phát hiện phải thu hồi toàn bộ số tiền chi sai và báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập bất thường của viên chức quản lý là tất nhiên nhưng thế chưa đủ. Lương tâm và trách nhiệm trước dân cần phát hiện những trường hợp chưa bị lộ và dũng cảm chịu trách nhiệm quản lý nhà nước của mình thay vì chỉ thu hồi, khắc phục. Và các tỉnh thành, bộ ngành trên cả nước nên chăng cũng đi tìm, phát hiện "lương khủng" trong phạm vi mình quản lý để đem đến niềm tin cho dân. Nếu không, hiện tượng này sẽ là cơ hội cho tham nhũng ngày càng phát triển, thậm chí sẽ là mối nguy cho sự phát triển đất nước.

Khi kẻ tham đánh mất lương tâm thì người ngay và cơ quan, tổ chức càng phải có lương tâm.

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn