Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đặt vấn đề, học sinh hiện nay không mặn mà với nghề giáo viên, bởi đã khó xin việc làm, lương lại thấp. Nhất là giáo viên mầm non ở nông thôn, như báo chí phản ánh, sau 20 – 40 năm công tác, khi về hưu lương chưa được 500.000 đồng.
Theo giải trình của Bộ trưởng, lương nhà giáo, nhất là nhà giáo mầm non thấp, về hưu nhận lương thấp hơn lương tối thiểu. Vấn đề này có yếu tố lịch sử, bởi những năm 90 trở về trước, các cô giáo có mức lương rất thấp, mức đóng bảo hiểm cũng rất thấp. Do đó mức hưởng khi nghỉ hưu sẽ rất ít.
Bộ trưởng cho biết: Về việc này, sau khi thấy được vấn đề, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giải quyết mức lương, bảo hiểm cho các cô giáo mở mức ngang bằng mức lương tối thiểu (Bộ trưởng không nói cụ thể).
Bên cạnh đó là có phụ cấp cho các cô giáo mầm non. “Chúng tôi đang có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài chính sách đó, để hỗ trợ cho các cô giáo mầm non có lương thấp. Còn giải quyết căn cơ vấn đề này phải chờ vào hệ thống thang bảng lương mới” – ông Phạm Vũ Luận nói.
Sinh viên thất nghiệp: Một phần do chất lượng đào tạo
Về vấn đề đại biểu Nguyễn Văn Minh chất vấn là nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, có phải do chất lượng đào tạo hay không? Bộ trưởng cho rằng: Nguyên của tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm không đúng với ngành nghề đào tạo, có hai lý do:
Thứ nhất là do chất lượng đào tạo. Có những ngành, trường đào tạo chưa đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, trong quá trình đào tạo, nhà trường mới chú trọng đến truyền thụ, trang bị kiến thức cho sinh viên mà chưa chú ý đến rèn luyện để cho các em hình thành các kỹ năng và phẩm chất, trong đó thiếu nhất là kỹ năng tạo việc làm.
Sinh viên tốt nghiệp đại học rồi vẫn còn quan niệm nhờ người lớn tuổi để tìm việc, xin việc cho mình. Do đó, theo Bộ trưởng, cần phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng để tạo việc làm cho mình và tạo công việc cho người khác. Trong quá trình đổi mới đào tạo đại học, cao đẳng, ngành giáo dục chú trọng đến kỹ năng này.
Bên cạnh đó có những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng khó tìm việc làm, như tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, số lượng doanh nghiệp phải dừng hoạt động tăng lên, thì số lượng việc làm mới giảm; chúng ta cũng đang thực hiện giảm biên chế, do đó số việc làm trong khu vực nhà nước hạn chế.