Ở đâu cũng vậy, món ăn mà khán giả không bao giờ chán là những vở chính kịch lay động lòng người. Giới nghệ sĩ cho rằng, khán giả càng xa mình thì mình càng phải cố gắng, càng khó khăn họ càng phải làm tốt hơn, bởi với họ, sân khấu mãi mãi là một thánh đường.
Sáng tạo trong khó khăn
Những năm qua, một số nhà hát kịch, chèo, tuồng đã kết hợp với các dự án nước ngoài mang tới những màu sắc mới, hơi thở mới cho sân khấu Việt Nam. NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng: “Khi hợp tác với các dự án nước ngoài, sử dụng tác phẩm của họ, những nhà hát học được kinh nghiệm, văn hóa của họ và ngược lại, họ cũng hiểu hơn về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam”.
Tháng 11/2017, Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức công diễn vở kịch Bến bờ xa lắc. Sau hơn 20 năm, vở kịch một lần nữa được Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Đoàn kịch Jigeum - Hàn Quốc dàn dựng thành 2 phiên bản Việt - Hàn và được trình diễn trong Lễ hội Giao lưu Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam 2017. Ở phiên bản tiếng Việt, vở kịch Bến bờ xa lắc quy tụ các nghệ sĩ khác như NSƯT Đức Khuê, Bá Anh, Nguyệt Hằng, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Sĩ Tiến, Thanh Lê, Hoa Thúy,...
Nhà hát Kịch Việt Nam vừa phối hợp Quỹ Văn hóa Singapore hoàn thành dàn dựng và chính thức công diễn vở Hồng lâu mộng.
NSND Lê Khanh, người đảm nhận vai Thúy trong phiên bản Việt lần này chia sẻ: “Vai diễn của tôi là một người vợ cam chịu sống khuất sau người chồng công chức khuôn mẫu đến nhàm chán. 20 năm trước, tôi phải hóa trang già đi để phù hợp với nhân vật, còn bây giờ, tôi đã thuộc lớp người phù hợp với nhân vật. Và điều đó cũng mang lại nhiều cảm xúc cho vai diễn”.
Trong bản dựng Hàn Quốc, đạo diễn Lee Eun Son cũng là người biên tập kịch bản và đảm nhiệm vai Thúy trong vở diễn đã chọn cho nhân vật của mình một cách giải quyết khác. Đó là sau khi thất bại trong chuyện tình cảm với Trung, Thúy chọn cách rời xa gia đình đến một miền đất mới với cuộc sống và công việc mới... Bên cạnh đó, phần âm nhạc sống được đạo diễn Lee Eun Son sử dụng trong vở diễn cũng tạo được nét mới và tăng sức hấp dẫn với khán giả. Đạo diễn Lee Eun Son chia sẻ: “Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại Hàn Quốc cũng có rất nhiều người như nhân vật Thúy trong vở kịch, sống ở một gia đình rất yên ổn nhưng một ngày kia muốn tìm lại bản thân mình, nên người ta rất đồng cảm với cảm xúc của nhân vật Thúy trong vở kịch. Khi theo dõi cả 2 vở kịch khán giả có thể so sánh đối chiếu giữa Việt Nam thì như thế này, Hàn Quốc thì như thế kia và nhận thấy rằng có rất nhiều nét tương đồng”.
Kéo khán giả về phía mình
Mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa phối hợp Quỹ Văn hóa Singapore hoàn thành dàn dựng và chính thức công diễn vở Hồng lâu mộng, dựa trên bộ tiểu thuyết kiệt tác văn học cổ điển Trung Quốc của tác giả Tào Tuyết Cần. Vở diễn do đạo diễn người Singapore - TS. Chua Soo Pong chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản dành cho sân khấu Việt Nam và trực tiếp dàn dựng.
Là người am hiểu về các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đã từng có vở diễn dàn dựng trên sân khấu tuồng nước ta, đạo diễn Chua Soo Pong đã nghiên cứu kỹ để xây dựng nên kịch bản phù hợp lối diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Việt Nam. Không có tham vọng và cũng không thể tái hiện toàn bộ nội dung bộ tiểu thuyết đồ sộ nhiều chương, hồi cùng hàng trăm nhân vật, đạo diễn người Singapore đã tập trung vào một số chương chính của tác phẩm, tái hiện câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của hai nhân vật trung tâm Giả Bảo Ngọc và Lâm Ðại Ngọc.
Nghệ sĩ Tô Tuấn Dũng vào vai Giả Bảo Ngọc đã khắc họa được tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng bảo vệ và đi đến tận cùng với tình yêu và những điều mình tin là đúng, được bao bọc bởi vẻ ngoài thư sinh, mềm yếu của một công tử con nhà quyền quý. Ðóng cặp với Tô Tuấn Dũng, nghệ sĩ Diễm Hương vào vai Lâm Ðại Ngọc đã thể hiện được phần nào một tính cách tương đồng trong vẻ ngoài mảnh mai, yếu đuối. Tình yêu của đôi trai gái tài sắc ấy cuối cùng vẫn bị những thành trì định kiến vùi dập và chỉ có cái chết mới giúp họ đến được với nhau... Với vở Hồng lâu mộng, đạo diễn Chua Soo Pong mang đến cho sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam một luồng gió mới với lối dàn dựng hiện đại, phóng khoáng, gần gũi với cuộc sống mà vẫn bảo đảm được sự chỉn chu, kỹ lưỡng, tính toán đến từng chi tiết, từng hành động diễn xuất.
Có thể nói, trước sự phát triển như vũ bão của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí, nhiều người từng đặt câu hỏi về sự tồn tại mông lung của nghệ thuật sân khấu trong đời sống đương đại. Sân khấu kịch dựa vào đâu để chinh phục và kéo khán giả về phía mình là trăn trở của cả những người trong cuộc, đặc biệt là những người đam mê sân khấu. Nhưng có lẽ, khán giả quay lưng với sân khấu không phải vì sân khấu lạc hậu hay không phù hợp với cuộc sống hiện đại, sự thật là sân khấu đánh mất khán giả vì thiếu những tác phẩm hay. Nhưng ngay lúc này, chỉ cần giới nghệ sĩ không ngừng nỗ lực và sáng tạo, không ngừng xuất bản những tác phẩm hay và mang lại luồng gió mới cho sân khấu thì chắc chắn họ sẽ vực dậy được loại hình nghệ thuật này.