Hà Nội

Lương cao, vì sao cầu thủ Việt Nam lại 'làm độ'?

18-04-2014 06:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở V.League hầu hết đều có thu nhập cao hơn hẳn những người lao động bình thường trong ngành nghề khác

Các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở V.League hầu hết đều có thu nhập cao hơn hẳn những người lao động bình thường trong ngành nghề khác

Ảnh: Bảng tỷ số ở trận Gamba Osaka thắng Đà Nẵng 15-0 tại AFC Champions League 2006.
Bảng tỷ số ở trận Gamba Osaka thắng Đà Nẵng 15-0 tại AFC Champions League 2006.

Vậy tại sao họ lại tổ chức làm độ, không chỉ 1-2 cầu thủ mà cả một tập thể lên đến gần 10 người?

“Làm” có tiền, không bị làm sao, dại gì không làm!

Hiện tại Cơ quan điều tra Ninh Bình đang xác minh ai là chủ mưu, tiền vệ Trần Mạnh Dũng hay thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng nhưng tất cả đều biết đây không phải là vụ đầu tiên họ "làm" kèo.

Yếu tố đầu tiên khiến những cầu thủ từ lão luyện như Nguyễn Mạnh Dũng đến non tơ như Quang Hùng thống nhất làm độ là vì họ biết trước đó đã có nhiều cầu thủ, nhiều CLB khác đã làm độ và “chẳng bị làm sao cả”.

Hồ sơ dự AFC Cup của các đội bóng Việt Nam từ năm 2009 đến nay, có thể điểm qua đến cả tá trận đấu bị đặt nghi vấn “có mùi”.

AFC Cup 2009, CLB Hà Nội ACB thua Kedah 0-7 tại Malaysia trong khi ở lượt đi tại sân Hàng Đẫy, đội bóng bầu Kiên thắng Kedah rất dễ với tỷ số 3-1. Nếu ai đó định đem lý do chuyên môn ra giải thích, chắc chắn bị cho là “chẳng biết gì về bóng đá”. Cũng CLB HN.ACB năm đó đã thua Chonburi (Thái Lan) trên sân khách bằng tỷ số kinh hoàng khác: 0-6

Lương cao, vì sao cầu thủ Việt Nam lại làm độ? (1)
HN.ACB (áo trắng) thua Kedah với tỷ số 0-7 ở AFC Cup 2009. Mấy ai tin rằng HN.ACB thua vì chuyên môn? (ảnh: thestar-malaysia)

AFC Cup 2012, đại diện Việt Nam là CLB Navibank Sài Gòn cũng có trận đất bất thường khi thua Arema tại Indonesia với tỷ số 2-6 dù ở lượt đi thắng 3-1 tại sân Thống Nhất.

Bóng đá Hong Kong hiện nay ở một trình độ rất thấp nhưng các CLB của Việt Nam gặp các CLB Hong Kong cũng để xảy ra lắm “bất ngờ”, chẳng hạn như SLNA thua TSW Pegasus 1-2 ngay tại Vinh ở AFC Cup 2011 dù năm đó đội bóng xứ Nghệ đứng đầu bảng để vào vòng 2. Và SLNA ở AFC Cup 2012 có một trận thua bằng séc tennis trước đối thủ xoàng xĩnh Tampines Rover tại Singapore với tỷ số 2-6 (lượt đi tại Vinh hòa 0-0).

Liệt kê ra chi tiết, các phóng viên thể thao có thể lôi ra “cả lố” các trận đấu khả nghi của CLB Việt Nam ở AFC Cup, chưa kể những trận đấu “nổ tài” kiểu tỷ số sít sao như V.Ninh Bình thắng Kelantan 3-2. Đi xa hơn, điểm qua các trận đấu của tuyển U.23 VN hay ĐTVN trong khoảng 5 năm gần đây thì số trận đấu “có mùi” nhiều không kém, mà “kinh điển” phải kể trận U.23 VN thắng U.23 Lào 3-1 tại SEA Games 2011 ở Indonesia.

Cho đến trước thời điểm vụ V.Ninh Bình bị bầu Trường moi ra ánh sáng thì tất cả các trận đấu nghi vấn của CLB từ V.League đến AFC Cup và các ĐTQG Việt Nam đều bị “cho qua” một cách dễ dàng. Thậm chí ngay cả người lãnh đạo VFF biết rõ tiêu cực nhưng thay vì có biện pháp thích hợp thì họ lại treo tiền thưởng khủng kiểu “lấy tiền đè tiền” như hồi ông Lê Hùng Dũng treo 500.000 USD cho tuyển U.23 VN tại Hàm Rồng (Gia Lai) trước SEA Games 2011.

Trong lời thuật lại của tiền vệ Nguyễn Mạnh Dũng với CQĐT khi cho rằng mình không phải cầm đầu mà là thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng thì cầu thủ gốc Nam Định đã nói: “Anh Dũng ngố bảo đá thắng mà không có thưởng thì đá làm gì, sao không làm kinh tế bằng cách khác”.

Chính tâm lý “Người ta làm nhiều rồi, chả ai bị làm sao cả, mình cũng làm kiếm tí” đã xô cả loạt cầu thủ V.Ninh Bình, kể cả những người ngoan hiền nhất vào việc làm sai trái.

Nhận thức hời hợt và thói ích kỷ

Cầu thủ Việt Nam khi đi theo con đường đá bóng, các bậc phụ huynh đều phó thác cho các HLV ở các trung tâm đào tạo. Các HLV và CLB gần như ai cũng bị bệnh thành tích, dạy học trò đá bóng cho giỏi còn chuyện phát triển nhân cách, tính tình đều để mặc kiểu “hên-xui”. Hên được những người biết ý thức nghề nghiệp như Lê Công Vinh, còn xui lại trở thành những cầu thủ như Quốc Vượng, Văn Quyến...

Giờ, người đứng ngoài cuộc dễ dàng chỉ trích các cầu thủ sa ngã nhưng giả định nếu chúng ta cho con em mình đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, ai dám khẳng định con em mình sẽ không giống Mạnh Dũng, Quang Hùng, Văn Duyệt, Chu Ngọc Anh? Một nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, cá nào sống trong đó mà không bị dính bẩn!

Nhận thức hời hợt của cầu thủ VN có thể lấy ví dụ vụ án làm độ của U.23 VN tại SEA Games 2005 rõ nhất. Hai cầu thủ Quốc Anh, Phước Vĩnh của Đà Nẵng ngày đó chỉ mới lên tuyển, đều có đạo đức tốt, trong sáng nhưng nghe lời rủ rê của Quốc Vượng để “làm đại” mà không mảy may suy nghĩ sâu xa. Trong số 9 cầu thủ biết kế hoạch làm độ ngày đó chỉ có 2 cầu thủ Tài Em, Tấn Tài là từ chối tham gia nhưng chỉ có Tài Em là báo Ban huấn luyện, còn Tấn Tài chọn giải pháp im lặng.

Lương cao, vì sao cầu thủ Việt Nam lại làm độ? (2)
Văn Duyệt (đội trưởng) và Văn Thắng trong trận gặp Kelantan tại Malaysia

Bây giờ, vụ việc của V.Ninh Bình tương tự, khi nghe Trần Mạnh Dũng (hoặc Nguyễn Mạnh Dũng) rủ rê thì các cầu thủ Quang Hùng, Văn Duyệt, Ngọc Anh, Anh Tuấn cũng gật đầu “làm đại” để kiếm chút tiền khi suốt mấy tháng ròng bị chậm trễ tiền lương, thưởng. Hai cầu thủ Văn Thắng, Danh Ngọc dù biết chuyện cũng im lặng “nhận quà” và coi đó là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”

Nhận thức hời hợt, thói ích kỷ chỉ biết đến bản thân và cái lợi trước mắt, không tôn trọng nghề nghiệp, khán giả và người xung quanh cộng với tâm lý “Cứ làm, chả ai bị làm sao hết” đã khiến các cầu thủ V.NB tự tay khép lại cánh cửa tương lai.

Họ là thủ phạm và là nạn nhân của nền bóng đá quá nhiễu nhương, loạn lạc được gắn mác “chuyên nghiệp”.

 


Ý kiến của bạn