Nhớ những ngày quê hương chìm trong bom đạn
Dù đã ở tuổi gần 90, cụ bà Trương Thị Diên vẫn khắc ghi trong tâm trí những năm tháng quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh. Trong muôn vàn ký ức ấy, điều thiêng liêng và đáng trân trọng nhất với bà chính là hai lần được gặp Bác Hồ. Với bà, đó là niềm vinh dự lớn lao, là kỷ niệm không gì có thể thay thế – một dấu ấn sâu đậm theo suốt cuộc đời.

Nữ Anh hùng Lao động Trương Thị Diên ở tuổi 87.
Khuôn mặt phúc hậu in hằn dấu vết của thời gian, đôi mắt đã kèm nhèm vì tuổi tác, nhưng mỗi khi nhắc đến Bác Hồ, ánh mắt ấy như bừng sáng một cách kỳ lạ. Bà Diên kể, từ thuở lớn lên đã thấy quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh. Chứng kiến cảnh làng mạc hoang tàn, lòng bà dâng trào nỗi căm phẫn với kẻ thù. Cùng với bộ đội và nhân dân địa phương, cô gái trẻ Trương Thị Diên khi ấy sớm hăng hái tham gia hỗ trợ chiến đấu, góp sức bảo vệ quê hương.
Năm 1957, bà được cử đi học lớp dạy vỡ lòng, sau đó trở về quê công tác tại hai điểm trường trên địa bàn xã Thanh Trạch. Không chỉ đứng lớp giảng dạy, bà còn kiêm nhiệm công việc y tá dân quân. Luôn mang theo túi thuốc bên mình, bà sẵn sàng băng rừng, vượt đạn để cứu chữa người bị thương trong những trận mưa bom, bão đạn.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, Thanh Trạch là một trong ba điểm của "tam giác lửa", nơi tập trung nhiều cơ sở trọng yếu như Quân cảng sông Giang, đèo Lý Hòa và dải bờ biển dài. Mảnh đất này trở thành "tọa độ lửa", là "túi bom" khốc liệt bên bờ Nam dòng sông Gianh lịch sử.
Năm 1965, trong một trận ném bom dữ dội của quân địch, căn hầm nơi cô giáo Diên cùng học trò đang trú ẩn bị trúng bom, rung chuyển dữ dội. Dù bản thân bị thương nặng, bà vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để trấn an 25 em học sinh đang hoảng loạn. Bà quyết không rời khỏi hầm cho đến khi chắc chắn tất cả học trò của mình đều an toàn.

Bà Diên xúc động nhớ về lần được gặp Bác Hồ.
Anh dũng trong chiến đấu, tận tụy trong giảng dạy, nhiệt huyết với công việc cứu chữa người bị thương, bà Diên luôn nhận được sự tin yêu, kính trọng của đồng đội và bà con quê nhà. Khi hay tin mình được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, vinh dự được chọn tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc chống Mỹ cứu nước vào cuối năm 1966, bà vỡ òa trong niềm vui sướng. Từ mảnh đất đạn bom, bà háo hức chuẩn bị cho hành trình đặc biệt – hành trình được gặp Bác Hồ kính yêu.
Vinh dự được gặp và nghe Bác Hồ dặn dò
“Tôi vẫn nhớ rõ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ là vào sáng 30/12/1966, tại lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước. Sau bài phát biểu của đại hội, Bác bước xuống hội trường để thăm hỏi từng đại biểu. Khi đến khu vực đoàn Quảng Bình, Bác nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ và hỏi: Cô này làm chi?”, bà Diên xúc động kể lại.

Hình ảnh Bác Hồ trò chuyện cùng các đại biểu của tỉnh Quảng Bình dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước được bà Diên trân quý, lưu giữ.
Bà vẫn mãi tiếc nuối bởi quá xúc động vì lần đầu gặp Bác nên lúng túng, không thốt ra lời. Khi đó ông Đặng Gia Tất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vội thưa với Bác rằng cô Diên đang làm công tác y tế.
"Tôi không nghĩ mình được Bác hỏi chuyện nên run quá, không nói được lời nào. Đó là kỷ niệm đáng nhớ, vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi", bà Diên chia sẻ.
Sau Đại hội, bà Diên cùng đoàn đại biểu phụ nữ ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác ân cần dặn dò các đại biểu phải nỗ lực hết mình trong việc phục vụ Nhân dân, chăm sóc người bệnh ngày càng tốt hơn, góp phần vào sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước khi chia tay, Bác còn thân mật trao tặng bà Diên cùng chị em trong đoàn những chiếc huy hiệu quý giá.
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, ngày 1/1/1967, bà Trương Thị Diên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Năm 1967, bà Trương Thị Diên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
"Tôi vẫn nhớ rõ từng lời dạy của Bác. Bác Hồ từng nói: :Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn". Câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường trong công việc và cuộc sống của tôi cho đến tận ngày hôm nay”, bà Diên xúc động chia sẻ.