Tôi biết ông, nói đúng hơn là ấn tượng về ông đã 10 năm nay, từ khi ông còn là giám đốc của một bệnh viện đa khoa khu vực. Nhìn cái cách ông cư xử với nhân viên của mình mới thật đặc biệt. Ông nhớ rõ tên của từng nhân viên, thậm chí ông còn nhớ được cả hoàn cảnh xuất thân, gia đình của họ... Đến bây giờ, khi ở trên cương vị cao nhất của ngành y tế Đồng Nai, ông vẫn thân thiết với cấp dưới như thế...
Từ Thanh Chương lớn lên trong làn bom đạn của Quảng Bình tuyến lửa, dưới bàn tay tảo tần chăm sóc của mẹ, vì cha của Chương tham gia cách mạng. Cậu không được gần gũi cha trong cả thời niên thiếu vì những chuyến hành quân, những ngày làm việc trong Thường vụ Quảng Bình, Trung ương Đoàn ở Hà Nội, dẫn đầu đoàn cán bộ tăng cường cho miền Nam... đã cuốn người cha đáng kính của Chương đi suốt tháng ngày. Thiệt thòi là thế nhưng hình như ý chí chiến đấu và nhiệt huyết cống hiến của người cha đã kịp lưu lại trong đứa con trai của mình.
Chàng sinh viên y khoa đầy hoài bão...
Năm 1970, Từ Thanh Chương là một trong số ít những người con của vùng đất miền Trung bom lửa trúng tuyển vào Đại học Y Hà Nội. Niềm vui chưa kịp trọn vẹn trong ánh mắt người mẹ tảo tần thì ngay năm học thứ nhất đại học, chàng sinh viên Từ Thanh Chương đã viết huyết thư xin tình nguyện lên tuyến đầu trong cuộc chiến đầy cam go của đất nước.
BS. Từ Thanh Chương động viên đoàn bác sĩ tăng cường 1816 từ bệnh viện tỉnh về hỗ trợ tuyến dưới. |
Thời điểm ấy, Thanh Chương là người được xét vào dạng ưu tiên "tạm hoãn nghĩa vụ quân sự" (vì khi đó cha đang ở chiến trường B2) nhưng cậu vẫn quyết tâm đầu quân ra chiến trường. Thanh Chương viết huyết thư tình nguyện chiến đấu xuất phát từ phong trào sinh viên "xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu", từ những vần thơ "nằm lòng" của Tố Hữu "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai" và những lời kêu gọi của Bác.
Đặc biệt tấm gương của anh Lê Mã Lương với 2 câu nói nổi tiếng: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" và "Trường đại học lớn nhất là trường đại học quân đội" đã tác động vào thế hệ trẻ sinh viên tuổi mười tám, đôi mươi lúc đó.
Và còn bởi Thanh Chương vốn xuất thân từ một gia đình có cái nôi truyền thống cách mạng. Không chỉ cha tham gia hoạt động cách mạng mà các cô ruột Chương cũng lần lượt tham gia xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình.
Ngày 6/9/1971 ghi lại dấn ấn chàng sinh viên y khoa Từ Thanh Chương khoác ba lô lên đường chiến đấu, phục vụ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bỏ lại ước mơ trở thành bác sĩ y khoa.
Sau 3 tháng huấn luyện ở núi rừng Yên Thế, Thanh Chương lên đường vào Thành cổ Quảng Trị, tham gia trọn vẹn 81 ngày đêm ở Thành cổ đỏ lửa những năm 1971-1972. Mỗi đêm, ở đấy có một đại đội khoảng 140 người ngã xuống thì ngày hôm sau lại một đại đội vào tiếp viện và lại vĩnh viễn nằm xuống. Không thể kể xiết có bao nhiêu đồng đội của Chương đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Từ Thanh Chương là một trong số ít ỏi những người lính may mắn được trở về từ chiến trường ác liệt. Kết thúc chiến dịch, Từ Thanh Chương vinh dự được kết nạp Đảng ở tuổi 19.
Trong niềm xúc động đó, Chương viết một lá thư gửi vào chiến trường miền Nam (B2) cho cha. Những lời cha viết trong lá thư hồi âm là ngọn nguồn sức mạnh giúp Chương vượt qua những năm tháng khó khăn gian khổ sau này: "Ba chúc mừng con. Thế là con đã trở thành đồng chí của ba. Cha con ta cùng hứa với nhau cố gắng hơn nữa. Hẹn nhau đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Cha con ta lại dắt tay nhau tiếp bước vững vàng trên con đường dài đã chọn".
Lại chọn tuyến đầu...
Trở về quê hương sau khi kết thúc cuộc chiến ở Quảng Trị, Thanh Chương tiếp tục ra Hà Nội theo học bác sĩ quân y chuyên ngành hàng không. Sau khi tốt nghiệp, một lần nữa, Từ Thanh Chương lại trở thành người lính khi ông nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Quân y tại Trung đoàn 935 - Sư đoàn 372 Không quân.
Thời điểm đó, Trung đoàn 935 đang làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường Campuchia. Hàng ngày, ông chăm sóc sức khỏe cho hơn 40 phi công; cùng tham gia điều hành hàng trăm chuyến bay an toàn. Tưởng rằng cuộc sống của ông sẽ gắn bó với nơi đây nhưng số phận thật trớ trêu khi bắt Từ Thanh Chương phải đối mặt với cơn bạo bệnh - ông bị tràn dịch màng phổi. Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân đã cho Chương chuyển ngạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của các phi công.
Đúng lúc ấy, công trình thủy điện Trị An đang vào giai đoạn thi công công trình chính. Hai vấn đề lớn đặt ra cho công trình là phải đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng thi công công trình và đảm bảo môi trường sinh thái, đặc biệt chất lượng nước hồ sau khi ngăn dòng...
Cả 2 nhiệm vụ đặt ra cho Chương lúc này vô cùng nặng nề. Phải đảm bảo sức khỏe cho khoảng 2 chục ngàn công nhân thế nào khi mà Trị An ngày đó là rừng rú, là sốt rét chết người. Và phải đảm bảo nguồn nước an toàn thế nào khi số liệu khảo sát cho thấy, trong lòng hồ Trị An vẫn còn có tới 17 điểm tồn lưu chất độc hóa học?
Những câu hỏi cứ liên tiếp đặt ra khiến Chương phải băn khoăn, suy nghĩ vì mới 33 tuổi, còn quá trẻ để đảm đương chức vụ Phó giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp hồ Trị An. Lần đầu tiên trong đời, Chương phải ở thế lựa chọn giữa đi và ở bởi trước Chương, đã 3 người được đề cử mà chưa ai dám nhận.
Ông chia sẻ: Ngày ấy, có lẽ tuổi còn trẻ, đầy mơ ước và hoài bão, cũng thích thử thách nữa nên ông dũng cảm nhận lời về hồ Trị An. Chưa kịp lường trước mọi khó khăn gian khổ của trận chiến mới, Thanh Chương lại nhận được mệnh lệnh rất dứt khoát từ Chủ tịch UBND tỉnh ngày đó: "Cháu làm sao đó là chuyên môn của cháu nhưng mà ngăn dòng nước hồ trong sạch thì đời cháu trong sạch, nước hồ đen tối thì đời cháu cũng đen tối luôn".
Bao nhiêu lo lắng chất đầy trong Chương...
Con đường sáng...
Bác sĩ Từ Thanh Chương Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2003. Là người đầu tiên của ngành y tế Đồng Nai được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2010. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế Huy chương "Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam", "Vì sự nghiệp phát triển ngành y tế" và "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn". Là 1 trong 9 cá nhân của ngành được tôn vinh trong lễ kỷ niệm 310 năm Biên Hòa (Đồng Nai) hình thành và phát triển. |
Sau 5 năm lăn lộn ở lòng hồ cũng là thời gian công trình thủy điện Trị An hoàn thành, đi vào hoạt động và được các nhà khoa học đánh giá nước của hồ và nước ở hạ du đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện sinh hoạt cho khoảng 6 triệu dân ở hạ du công trình sinh sống vào thời điểm đó.
Xong công trình thủy điện Trị An, Từ Thanh Chương lại được điều về làm Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu - mảnh đất vốn là cái nôi của Chiến khu D "gian lao mà anh dũng" trong kháng chiến. Vĩnh Cửu còn là một huyện nghèo nhất tỉnh; có nhiều đồng bào dân tộc Châu Ro, Stiêng sinh sống. Tại đây, ông đã đưa TTYT Vĩnh Cửu từ một trung tâm y tế yếu kém của Đồng Nai thành một trung tâm y tế xếp hạng khá của tỉnh.
Sau hơn 11 năm gắn bó với Vĩnh Cửu, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất (nay là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) - một bệnh viện có nguồn gốc Thiên chúa giáo với khoảng 72% cán bộ viên chức là người có đạo. Tại đây, ông đã góp phần đưa bệnh viện từ hạng III lên hạng II; là điểm sáng về công tác xã hội hóa y tế, đã có tới 150 đơn vị y tế trong toàn quốc đến tham quan, học tập. Đặc biệt, ông đã góp phần làm nên danh hiệu Tập thể anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho bệnh viện.
Thành công ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất giúp ông lọt vào "tầm ngắm" của các nhà lãnh đạo cấp cao. Tháng 10/2005, trong lúc đang đi học chuyển đổi từ chuyên khoa I sang thạc sĩ tại Hà Nội, ông nhận được Nghị quyết của Ban thường vụ tỉnh ủy Đồng Nai điều động về làm Giám đốc Sở Y tế. Ông bất ngờ vì như chính ông nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Trong thâm tâm, tôi chỉ muốn được xây dựng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trở thành một mô hình và nghỉ hưu tại đó".
Thời điểm đó, ở vị trí ấy có thể thấy vô cùng mạo hiểm cho ông vì hàng loạt những chỉ tiêu của ngành thời điểm đó không đạt, thậm chí còn xếp hàng thấp nhất cả nước như chỉ có 3,17 bác sĩ/vạn dân; 11,7 giường bệnh/vạn dân; 82/171 xã có bác sĩ; 28/171 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; các cơ sở, nguồn nhân lực thiếu trầm trọng; cơ sở hạ tầng nhiều năm chưa được đầu tư nên từ bệnh viện tỉnh đến các trạm y tế xã đều xuống cấp nghiêm trọng...
Bản thân ông cũng gặp nhiều trở ngại bởi thời điểm nhận chức, có thể ví ông là người "vượt cấp", nên bước đầu sự tin tưởng và ủng hộ của anh em vào khả năng của ông cũng có hạn.
Nhưng rồi ông đã chinh phục những thử thách ấy bằng cách vạch rõ lộ trình từng bước đi của ngành, xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quyết định, đó là: phát triển nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng cơ sở; đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hội hóa.
Nhìn lại quãng thời gian làm giám đốc mới thấy được cái đột phá, dám nghĩ, dám làm nơi ông để từng bước tháo gỡ những khó khăn của ngành như thế nào. Quả thực, chỉ sau chưa đầy 4 năm thực hiện, 4 nhiệm vụ trọng tâm này đã cho những kết quả ấn tượng: thu hút nguồn nhân lực tăng gấp đôi với gần 1.200 bác sĩ (so với 668 bác sĩ của năm 2005), đạt 4,8 bác sĩ/1 vạn dân; 17 giường bệnh/1 vạn dân; 95% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Đồng Nai là một trong số ít địa phương trong cả nước có được sự liên kết đào tạo bác sĩ có trình độ đại học và sau đại học với nhiều trường đại học y trong cả nước như Đại học Y Hà Nội, Y dược TP. HCM, Cần Thơ, Y khoa Huế, Đại học Phạm Ngọc Thạch... Từ sự liên kết này, nhiều bác sĩ có trình độ tay nghề chuyên sâu đã được "ra lò" góp phần phục vụ tốt hơn công tác khám, điều trị cho nhân dân tỉnh nhà...
Cái chủ động dám nghĩ, dám làm nơi ông còn thể hiện ấn tượng trong lĩnh vực xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư xã hội hóa toàn ngành tăng gấp 9 lần (từ con số 20 tỷ đồng trong năm 2005 đến nay đã lên tới gần 180 tỷ đồng). Từ nguồn vốn này, nhiều thiết bị y tế công nghệ cao được đầu tư như: Máy CT Scanner, MRI, XQ cao tần, siêu âm 3D, 4D, máy mổ nội soi, hệ thống mổ tán sỏi nội soi, mổ phaco... Hàng loạt kỹ thuật cao được triển khai không chỉ ở các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực mà về tận tuyến huyện như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi.
Số cơ sở hành nghề y, dược, y học cổ truyền tư nhân từ 1.800 vào năm 2005 thì nay đã lên tới 4.000 cơ sở và phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, xa trong tỉnh. Đồng Nai còn có 11 công ty sản xuất dược phẩm với 100% vốn nước ngoài, với số vốn gần 100 triệu USD, tổng giá trị thuốc đạt tới trên 600 tỷ đồng; có 17 dự án xây dựng bệnh viện và trường đào tạo cán bộ y tế ngoài công lập đang xúc tiến đầu tư với quy mô trên 4.000 giường bệnh.
Gần đây, ngành y tế Đồng Nai được cả nước biết đến với những ca phẫu thuật vết thương tim, vi phẫu nối bàn tay đứt lìa, thoát vị đĩa đệm cột sống, thắt lưng, chấn thương cột sống cổ, chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư... Đồng Nai cũng là một trong số ít những địa phương trong cả nước khánh thành và đưa khu xạ trị ung thư vào hoạt động; có bệnh viện tuyến tỉnh thành lập được khoa ung bướu và y học hạt nhân, Trung tâm tim mạch can thiệp và đưa vào hoạt động máy MSCT 128 lát cắt đầu tiên trong cả nước.
Ông giám đốc bình dân...
Có lẽ ông là giám đốc sở đầu tiên mà tôi gặp có những thói quen "lạ lùng" đến thế. Phòng làm việc của ông luôn sáng đèn cho đến tận trưa hay những buổi chiều muộn; cửa phòng làm việc luôn trong trạng thái "mời vào". Với ông, hình như chẳng có một câu nệ, thủ tục rườm rà nào...
Ông có thể chạy đến tận phòng nhân viên làm việc mà trao đổi công việc, kiểm tra lại thông tin của tờ bản tin ngành mà ông có vai trò "chịu trách nhiệm xuất bản" cho kịp tiến độ phát hành ngay trên xe hay đêm khuya trước chuyến công tác dài ngày...
Cấp dưới của ông đã từng không ít lần phải "phát hoảng" khi thấy ông thẳng thắn đưa ra những vấn đề nổi cộm mà ngành y tế đang thiếu và yếu. Ngay cả trong những cuộc họp của tỉnh ủy, HĐND, UBND ông cũng mạnh dạn lên tiếng. Không chỉ nói và làm, ông còn tích cực đi cơ sở để "không chỉ nghe mà phải tận mắt thấy".
Ông đi cơ sở nhiều hơn để nắm bắt tình hình. Không chỉ những chuyến đi về huyện, ông còn đi xuống cả các trạm y tế xa xôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh chị em và cũng không ngại phê phán cách làm cũ, suy nghĩ cũ. Nhiều cán bộ y tế có tới vài chục năm trong nghề vẫn còn ngỡ ngàng khi được gặp, trò chuyện cùng ông. Sự có mặt của ông không chỉ là trách nhiệm của người lãnh đạo ngành mà còn là liều thuốc tinh thần động viên nỗ lực chung đội ngũ người thầy thuốc. Ông đã "thổi" vào cho đội ngũ cán bộ y tế một luồng sinh khí làm việc mới, hăng say, cống hiến hơn.
Người đứng đầu ngành y tế ấy đã xúc động đến bối rối khi Bệnh viện đa khoa tỉnh khánh thành và đưa vào hoạt động khu xạ trị ung thư hay sắm được máy MSCT 128 lát cắt. Ông bối rối - như chính lời ông nói, là vì chỉ cách đó 1 - 2 năm thôi, có nằm mơ ông cũng chưa nghĩ tới bước phát triển đột phá này.
BS.Từ Thanh Chương (ngoài cùng bên trái) trực tiếp theo dõi ca phẫu thuật của đoàn bác sĩ đề án 1816 Bệnh viện đa khoa Thống Nhất hỗ trợ Bệnh viện ĐKKV Định Quán. |
Trong ông còn có một tâm hồn sâu nặng ân tình
Ông nặng tình bởi một lẽ là một lãnh đạo cấp cao nhưng ông vẫn thường trở lại Trung đoàn 935 - nơi ông từng gắn bó, dù rằng, phần lớn các thế hệ cùng thời ông đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Ông vẫn trở lại thành cổ Quảng Trị - chiến trường xưa nơi ông từng chiến đấu để ôn lại một thời bom đạn; gặp những đồng đội, cùng nhắc nhở nhau cố gắng làm việc với trách nhiệm của mình và làm thêm phần của bạn bè đã nằm lại ở thành cổ Quảng Trị.
Đến giờ, ông vẫn thường xuyên vào thăm đồng bào dân tộc Châu Ro hết lòng thương yêu mình trong hơn 11 năm gắn bó ở lòng hồ Trị An. Ông cũng thường thăm linh mục quản hạt Hố Nai, thăm đức giám mục giáo phận Xuân Lộc... Cảm ơn mọi người đã cùng chăm sóc người bệnh, cùng hỗ trợ để tạo nên danh hiệu anh hùng của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất hôm nay.
Hay mỗi lần ông trở về ngôi nhà xưa - nơi ông từng gắn bó - Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, người ta lại thấy ông đi khắp các khoa, phòng trong bệnh viện để chứng kiến sự đổi thay, tìm lại, động viên, khuyến khích những gương mặt quen, những gương mặt mới với mong muốn sức mạnh của một tập thể anh hùng luôn được phát huy...
Có lẽ chất lính vẫn còn chảy trong ông dù chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nó thể hiện trong cả cái cách mà ông quản lý: kiên quyết nhưng mềm mỏng, có lý, có tình. Người ta từng thấy ông nổi giận khi một bệnh viện để xảy ra sai sót đáng tiếc trong chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm. Người ta cũng từng chứng kiến trong một cuộc họp giao ban, ông nặng lời phê phán ban giám đốc một bệnh viện lơi là trong quản lý để nhân viên lạm quyền. Ông cũng không tiếc lời khen ngợi sự cố gắng của những bệnh viện, những trung tâm y tế dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư máy móc mới, kỹ thuật mới.
Ông là người đầu tiên của ngành y tế Đồng Nai vinh dự được nhận danh hiệu cao quý Thầy thuốc nhân dân. Ông xúc động bởi đó là sự đánh giá của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân đối với sự đóng góp của mình. Cùng với cảm giác tự hào, ông lại thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Vậy nên, gần 40 năm công tác nhưng ông vẫn nhận mình là người không bao giờ hài lòng mà ở ông chỉ có một tinh thần "hết mình vì công việc".
Ông vẫn còn rất nhiều mong ước cho sự phát triển của ngành. Ông vẫn đau đáu với những ý tưởng, suy nghĩ đã thành hình nhưng chưa thực hiện được vì ông luôn tâm niệm "Vinh dự càng cao, trách nhiệm càng nặng"....
Bích Hường