Lưỡi trắng là biểu hiện của bệnh gì?

16-10-2024 11:17 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Lưỡi đóng bợn trắng (lưỡi trắng) xảy ra khi bề mặt của lưỡi bị nhiễm màu trắng từ vi khuẩn hay vi nấm. Tình trạng này thường chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lưỡi trắng có thể là dấu hiệu chỉ báo của một số bệnh lý nặng hơn hoặc là dấu hiệu một bệnh nhiễm trùng.

Lưỡi trắng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý

Bệnh lichen phẳng ở miệng

Lichen phẳng ở miệng là bệnh da mạn tính đặc trưng bởi các sẩn hình đa giác màu tím, bề mặt bóng, đỉnh phẳng, ngứa nhiều. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là 30 – 60 tuổi.

Nguyên nhân chính xác của căn bệnh này hiện vẫn chưa rõ, nhưng các yếu tố có thể gây khởi phát bệnh bao gồm: do gene, sang chấn thể chất và tinh thần, tổn thương da...

Lichen phẳng thường xuất hiện ở những vùng da bị cào gãi nhiều hoặc sau phẫu thuật thường gọi là hiện tượng Koebner, do nhiễm virus, do dị ứng tiếp xúc hoặc do thuốc (vàng, quinidine, quinine), phản ứng viêm dạng lichen còn được chú ý tới trong bệnh mảnh ghép - vật chủ, một biến chứng của ghép tủy xương.

Lưỡi trắng là biểu hiện của bệnh gì?- Ảnh 1.

Lưỡi trắng có thể là dấu hiệu của nấm miệng.

Triệu chứng điển hình của lichen phẳng là tổn thương điển hình với sẩn hoặc mảng màu hồng đến tím, ngứa, hình đa giác và bề mặt phẳng, phân bố đối xứng, phổ biến nhất trên nếp gấp của cổ tay, móng, gót chân, thân mình, quy đầu dương vật, niêm mạc miệng và âm đạo nhưng có thể lan rộng.

Ở lưỡi: đám, mảng thương tổn lõm hơn so với niêm mạc lành xung quanh, thường ở mặt trên và cạnh lưỡi, ít thấy ở mặt dưới.

Nhiễm nấm miệng

Nấm miệng không phải là bệnh lý hiếm gặp. Mặc dù không nguy hiểm nhưng nó lại khiến người bệnh gặp khá nhiều bất tiện trong ăn uống và cả sinh hoạt hàng ngày.

Nấm miệng là bệnh lý gây ra do loại nấm Candida albicans vốn tồn tại ở miệng đã phát triển quá mức sau đó lây lan sang lưỡi và làm tổn thương bộ phận này.

Biểu hiện đặc trưng của nấm miệng là sự hình thành các mảng bám màu trắng kem ở lưỡi hoặc má trong, nếu xuất hiện ở lưỡi loang thành từng mảng gọi là bệnh nấm lưỡi bản đồ. Đôi khi tình trạng này còn phát triển lan sang vùng vòm miệng, nướu, amidan hoặc thậm chí là sau cổ họng.

Tổn thương khởi đầu với niêm mạc đỏ sau đó xuất hiện những hạt trắng đục bằng đầu kim rồi lan dần tạo thành những mảng màu trắng dày giống như sữa đông dính trên bề mặt lưỡi. Mảng trắng này có thể lấp đi dễ dàng bằng cây cạo lưỡi hoặc dùng gạc để chùi. Mảng trắng này sau trở nên vàng hoặc nâu nếu bị bội nhiễm.

Người bệnh có thể bị nhiễm nấm miệng khi: đang bị tiểu đường, khi ở trong một nhóm tuổi nhất định như độ tuổi trẻ sơ sinh hay người cao tuổi, thường xuyên dùng kháng sinh, đang mắc tình trạng thiếu sắt hay thiếu vitamin B, có hệ miễn dịch suy yếu, đang mang hàm giả...

Khi nghi ngờ đang bị nhiễm nấm miệng cần đến khám bác sĩ. Nếu không được điều trị, triệu chứng của bệnh trở nên dai dẳng và gây khó chịu. Điều trị nhiễm nấm miệng bằng thuốc kháng nấm.

Bệnh giang mai

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng thường lây lan qua đường tình dục. Bệnh giang mai gây ra các vết loét hay trợt nhỏ không đau ở lưỡi thường sau khi quan hệ tình dục qua đường miệng. Bệnh thường biểu hiện từ 10 ngày đến 3 tháng sau khi bị phơi nhiễm bệnh.

Dấu hiệu bệnh giang mai ở miệng giai đoạn đầu có thể nhận biết qua môi, lưỡi, họng, khoang miệng hoặc xung quanh miệng xuất hiện các vết loét có đường kính từ 2-4 cm.

Trong giai đoạn đầu của bệnh giang mai ở miệng, các vết loét thường có dạng hình tròn hoặc bầu dục được gọi là săng giang mai ở miệng.

Dấu hiệu bệnh giang mai ở miệng trong giai đoạn thứ phát như sau: sau một thời gian, các vết loét sẽ lan rộng hơn và số lượng vết loét cũng tăng lên.

Cổ họng, dưới thành họng hoặc amidan thường sưng, đau. Khi bệnh đã tiến triển nặng hơn việc ăn uống sẽ trở lên khó khăn: nuốt nước bọt, ăn, nói chuyện cũng có thể khiến người bệnh trở nên đau đớn.

Ở những người bệnh nặng, các vết loét xuất hiện mủ có màu trắng hoặc trắng đục, làm cho miệng có mùi hôi. Bệnh nhân nổi phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc nổi toàn thân; sưng hạch bạch huyết. Ngoài ra còn có các biểu hiện sốt, nhức đầu, đau khớp, cơ, viêm họng, chảy dịch ở nước mắt, nước mũi và sụt cân…

Bệnh bạch sản

Lưỡi trắng là biểu hiện của bệnh gì?- Ảnh 2.

Khi lưỡi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bạch sản là tình trạng bệnh lý gây ra các mảng trắng trong miệng, thỉnh thoảng xảy ra ở lưỡi. Các mảng trắng này thường không gây đau và không thể cạo tróc.

Bạch sản có thể hình thành do lưỡi bị kích thích và thường có liên quan đến tình trạng sử dụng quá mức thức uống có cồn (như rượu, bia) cũng như hút thuốc lá.

Mặc dù bạch sản thường không nguy hiểm, nhưng trong một số trường hợp bạch sản có thể hóa ác (ung thư), thường xảy ra sau vài năm hay sau vài chục năm tính từ khi các mảng trắng của bạch sản xuất hiện.

Những vết lở có thể có những đặc điểm sau: màu trắng hoặc màu xám; dày, cứng, bề mặt bị sưng; có lông (đối với bệnh bạch sản lông); đốm đỏ (hiếm gặp).

Bệnh bạch sản thường xuất hiện trên lưỡi và có thể bên trong má, nướu răng. Những người mang thai có thể xuất hiện bệnh ở bên ngoài bộ phận sinh dục hoặc bên trong vùng âm hộ.

Tóm lại: Lưỡi trắng là vấn đề hay gặp. Đây có thể là dấu hiệu chỉ báo của một số bệnh lý nặng hơn hay là dấu hiệu một bệnh nhiễm trùng. Vì vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

12 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư lưỡi12 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư lưỡi

SKĐS - Ung thư lưỡi thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Dưới đây là những câu hỏi nhiều độc giả quan tâm về căn bệnh này.


BS. Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến của bạn