Lưỡi bản đồ (geographic tongue) là một tình trạng viêm mạn tính lành tính của lưỡi, đặc trưng bởi các tổn thương ban đỏ kèm theo teo các nhú chỉ niêm mạc lưỡi, được bao quanh bởi các vùng trắng giới hạn rõ ở mặt lưng và rìa bên của lưỡi, tạo nên hình ảnh giống bản đồ. Đặc điểm tổn thương là thay đổi kích thước và hình dạng theo thời gian nên còn được gọi là viêm lưỡi di trú lành tính (benign migratory glossitis).
1. Nguyên nhân gây lưỡi bản đồ
Lưỡi bản đồ là tổn thương lành tính, ảnh hưởng tới bề mặt lưỡi của bạn. Nguyên nhân chính xác của lưỡi bản đồ vẫn chưa được xác định, phần lớn bệnh nhân cho biết có tiền sử gia đình mắc bệnh này, gợi ý đến khả năng bệnh do yếu tố di truyền đa gen.
Mặt khác, nhiều yếu tố và bệnh lý liên quan khác cũng đã được mô tả là có liên quan đến tình trạng này, bao gồm: Dị ứng, rối loạn nội tiết tố, mang thai, tiểu đường vị thành niên, vảy nến, hội chứng Down, thiếu hụt dinh dưỡng, một số thuốc, việc hút thuốc lá,… nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về mối liên quan này.
2. Triệu chứng lưỡi bản đồ
Những dấu hiệu và triệu chứng của lưỡi bản đồ có thể bao gồm:
- Những mảng đỏ có hình dáng bất thường, phẳng với viền trắng rõ ràng thường ở đầu lưỡi hoặc rìa lưỡi; hiếm gặp ở các vùng niêm mạc miệng khác.
- Những tổn thương thường xuyên thay đổi về vị trí, kích thước và hình dáng.
- Khó chịu, đau hoặc cảm giác bỏng rát ở một số trường hợp nhưng thường liên quan đến ăn các thức ăn, cay, nóng, mặn hoặc chua
Đa số các trường hợp bị lưỡi bản đồ mà không có triệu chứng gì. Lưỡi bản đồ có thể tồn tại kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Bệnh diễn tiến theo từng giai đoạn bùng phát và thuyên giảm, khi khỏi không để lại sẹo hay di chứng. Bệnh thường tự hết nhưng có thể xuất hiện lại sau đó. Lưỡi bản đồ là vấn đề nhẹ mặc dù nó thường gây ra cảm giác khó chịu.

Lưỡi bản đồ là tổn thương lành tính, ảnh hưởng tới bề mặt lưỡi của người bệnh.
Tuy nhiên những tổn thương tương tự ở lưỡi có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khác nghiêm trọng hơn của lưỡi hoặc toàn thân. Nếu bạn có các tổn thương ở lưỡi mà không tự khỏi trong vòng 7-10 ngày, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn.
3. Lưỡi bản đồ có lây không?
Lưỡi bản đồ không phải là bệnh lý lây truyền và không thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua các con đường như ăn uống, hô hấp, lây truyền qua máu…
4. Phòng ngừa lưỡi bản đồ
Hiện chưa có phương pháp để phòng ngừa bệnh lưỡi bản đồ. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi tác, chủng tộc hay giới tính. Tỷ lệ mắc trong cộng đồng dao động từ 1% đến 2,5%. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc cao hơn ở trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi, và ở người lớn dưới 30 tuổi. Tình trạng này có xu hướng gặp ở nữ nhiều hơn nam, với tỷ lệ 1,5:1. Mặc dù bệnh này thường xuất hiện từ thời thơ ấu, nhưng sau đó khỏi và khi trưởng thành có thể bị trở lại.
Việc thăm khám răng miệng định kỳ đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa lưỡi bản đồ. Qua thăm khám, các tổn thương răng miệng tiềm ẩn có thể được phát hiện và xử lý kịp thời, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm kéo dài ở lưỡi và niêm mạc miệng. Điều này góp phần hạn chế nguy cơ khởi phát hoặc làm nặng thêm các bệnh lý liên quan đến lưỡi bản đồ. Đồng thời, duy trì sức khỏe răng miệng tốt cũng giúp tăng cường khả năng bảo vệ niêm mạc miệng trước các yếu tố kích thích.

Nếu bạn có các tổn thương ở lưỡi mà không tự khỏi trong vòng 7-10 ngày, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
5. Điều trị lưỡi bản đồ
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm lưỡi bản đồ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng sinh để khắc phục tình trạng vi khuẩn bội nhiễm như loét, đau rát, mụn mủ. Thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc mỡ corticoid, nước súc miệng có gây tê, nước súc miệng kháng histamin…
- Bổ sung vitamin nhóm B như B1, B2 và B6; vitamin C; hay một số loại thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng đau rát cho người bệnh như Kamistadgel.
- Người bệnh nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ và nên tránh các kem đánh răng có chứa các chất phụ gia, nhiều hương liệu hoặc các chất tẩy trắng. Tránh ăn những loại đồ ăn cay nóng, chua cay hoặc có chứa nhiều gia vị, tránh uống đồ có cồn. Bổ sung thêm một số loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, đỗ đen, bột sắn trong thực đơn mỗi ngày. Đặc biệt lưu ý uống nhiều nước.