Sau khi được phổ biến Công văn 2662 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về không sử dụng hiện vật, biểu tượng không phù hợp ở nơi thờ tự và nơi công cộng, một số địa phương rất muốn di dời các đồ cung tiến này ra khỏi đình, nhưng vì lo ngại vấn đề tâm linh và không biết di dời đi đâu nên việc này vẫn chưa được triển khai.
Lòng dân đã thông nhưng không được hướng dẫn
Đình Hồi Quan - xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một trong những ngôi đình Việt tiêu biểu cho giai đoạn hoàng kim của các ngôi đình làng mà người Việt xây dựng trong suốt các thế kỷ 16, 17, 18. Để chứng minh lòng thành, hội đồng niên sinh năm 1979 và 1982 của địa phương đã phát tâm công đức cung tiến vào bày đặt trước đình làng đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc cùng một số hương án từ năm 2011, 2012. Theo Luật Di sản, những nơi thờ tự đã được xếp hạng như đình Hồi Quan thì những hiện vật mới muốn đưa vào phải được cấp phép nhưng cũng như những nơi khác, sư tử đá cùng nhiều hiện vật không phù hợp chỉ cần được các thí chủ nhiệt tâm cung tiến là chúng được nghiễm nhiên hiện diện.
Di dời sư tử đá ở đình Hồi Quan.
Theo ông Dương Đình Lực - Trưởng thôn Tương Giang, sau khi được phổ biến Công văn 2662 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về không sử dụng hiện vật, biểu tượng không phù hợp ở nơi thờ tự và nơi công cộng, người dân địa phương rất muốn di dời các đồ cung tiến này ra khỏi đình, nhưng vì lo ngại vấn đề tâm linh và không biết di dời đi đâu nên việc này vẫn chưa được triển khai.
“Địa phương nhiều lần triệu tập, mời những người cung tiến, hội đồng niên, họp bàn nhân dân, họp chi bộ để bàn việc di chuyển các hiện vật ra khỏi di tích. Tuy nhiên, gặp phải khó khăn ở vấn đề kinh phí cũng như không biết di dời đi đâu”, ông Lực cho biết.
Không chỉ riêng đình Hồi Quan ở xã Tương Giang, Bắc Ninh, đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương bị vướng mắc. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân Hồi Quan, các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà điêu khắc, những thành viên của hai trang mạng Facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam và Đình làng Việt đã tiến hành thực hiện cuộc vận động xã hội hóa di dời các “hiện vật lạ” ra khỏi di tích. Trong khi chưa tìm được nơi tập kết xử lý các tượng sư tử ngoại lai thì cặp tượng này được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ nhận mang về xưởng để nghiên cứu chuyển đổi sang các sản phẩm thủ công khác.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao việc chủ động triển khai Công văn 2662 của các cộng đồng trong dân cư ở các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng khẳng định: “Tôi cho đây là biểu hiện nhận thức cũng như là từ nhận thức đến hành động và được tổ chức một cách đầy đủ. Bà con, cộng đồng dân cư và một số doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa công tác bảo tồn văn hóa, đặc biệt là tại các di sản văn hóa đã xếp hạng”.
Cần chung tay trả lại vẻ đẹp thân thiện của nơi thờ tự Việt
Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) - Thượng tọa Thích Thọ Lạc thì sư tử đá kiểu Trung Quốc với tạo hình gân guốc, dữ dằn đầy vẻ hăm dọa hoàn toàn không hợp với tinh thần văn hóa Phật giáo truyền thống của Việt Nam. Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết: “Sư tử không phải là biểu tượng xấu trong Phật giáo. Trong đạo Phật, con sư tử cũng như nhiều con vật dữ dằn khác đã được cảm hóa bằng đức từ bi nên tất cả đều trở nên hiền từ và thân thiện với con người và thế giới thiên nhiên. Bởi vậy, những linh vật mang tính chất uy quyền, uy vũ nhiều quá đều không phù hợp với chùa Việt Nam”.
Ngoài việc chủ yếu là canh lăng mộ, sư tử đá kiểu Trung Quốc cũng có những mẫu được đặt trước cửa nhà để trấn yểm và thị uy. Với nhà riêng và công ty, người dân có thể mang sư tử đá kiểu Trung Quốc trấn trước cửa nhưng điều quan trọng là họ phải biết rõ nguồn gốc và giá trị sử dụng chứ không nên nhầm lẫn đó là con nghê truyền thống Việt Nam và ngỡ rằng mình đang phát huy truyền thống nước nhà.
Cơ quan, trụ sở công quyền thì càng không nên sử dụng những loại sư tử dữ dằn dù đó là mẫu của cả tây lẫn Trung Quốc vì với hình thái hung dữ, nhe nanh đe doạ như vậy khiến cơ quan nhà nước trở nên xa rời nhân dân.
Còn tại các di tích, việc bệ nguyên những con sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc vào đền chùa - những nơi linh thiêng, lưu giữ giá trị văn hoá, hồn cốt dân tộc là một điều không thể chấp nhận. Không được đưa sư tử ngoại lai vào trong di tích của tổ tiên bởi các di tích không chỉ gắn với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng mà một vấn đề lớn hơn - đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, là văn hóa, là lịch sử, là tâm hồn của tổ tiên chúng ta gửi lại cho mai sau.
Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL nhận được sự hưởng ứng đồng tình của dư luận. Nhưng hiện nay, các nơi đang lúng túng như trường hợp đình Hồi Quan. Có một sự trái ngược là cung tiến vào thì dễ nhưng di dời theo Luật Di sản thì lại khó khăn do thiếu kinh phí và người dân cũng không biết phải di dời đi đâu.
Mong rằng tới đây, công tác xã hội hóa sẽ được đẩy mạnh để giúp người dân có kinh phí di dời. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cần có hướng dẫn cụ thể về địa điểm tập kết các “hiện vật lạ” để có biện pháp xử lý, để không còn cảnh lúng túng khi lòng dân đã thông nhưng vẫn không có hướng dẫn.
Mỹ Trà