Lún xẹp đốt sống do loãng xương dễ gây tàn phế

22-03-2017 10:13 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Xẹp đốt sống do loãng xương là một chứng bệnh phổ biến đối với người lớn tuổi. Tuy không gây tử vong nhưng lại gây tàn phế rất cao, ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Ca lâm sàng

Bệnh nhân Nguyễn Văn N. (58 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với tình trạng đau lưng nặng, đi lại khó khăn. Mỗi bước đi bệnh nhân phải lệch người sang một bên, không lao động được. Theo lời kể của bệnh nhân N., trước đây, thỉnh thoảng có những đợt đau lưng, tình trạng đau tái đi tái lại nhiều lần. Gần đây, bệnh nhân có ngã ngồi bệt mông xuống nền cứng sau đó đau ngang thắt lưng tăng lên khiến anh không đi lại được. Anh đã tự mua và uống thuốc giảm đau nhưng tình trạng không đỡ nhiều, đau ngày càng tăng và đi lại lệch người do đau.

TS.BS. Nguyễn Vũ - Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình cho biết: Sau khi bệnh nhân được thăm khám và chỉ định chụp Xquang và cộng hưởng từ, kết quả cho thấy bệnh nhân bị xẹp đốt sống L1 nặng, gây gù cột sống, chụp cộng hưởng từ có xẹp đốt sống L1 có phù tủy xương nên có chỉ định đổ xi măng tạo hình thân đốt sống. Giải thích về trường hợp bệnh nhân N., BS. Vũ cho rằng: Với những trường hợp xẹp nặng này, chỉ định bơm xi măng có bóng được ưu tiên sử dụng do chỉ số an toàn cao và bác sĩ chủ động hơn trong việc tạo hình đốt sống và lượng xi măng đưa vào thân đốt sống. Tuy nhiên, do bệnh nhân không chi trả được nên bác sĩ đã sử dụng bơm xi măng không bóng, trường hợp này cần bác sĩ có kinh nghiệm và khéo léo do đốt sống xẹp nặng, nguy cơ thất bại khi đặt kim và xi măng trào ra ngoài rất cao. Sau khi tiến hành thủ thuật thành công, 2 giờ sau, bệnh nhân đã có thể ra viện đi lại bình thường, hết đau lưng.

Lún xẹp đốt sống do loãng xương dễ gây tàn phếBơm xi măng không bóng chữa lún xẹp đốt sống.

Nhiều người bị lún xẹp đốt sống

Có nhiều nguyên nhân lún xẹp đốt sống như chấn thương cột sống, loãng xương, u thân đốt sống, đa u tủy xương… nhưng phổ biến nhất là loãng xương. Theo Tổ chức Chống loãng xương thế giới, với khoảng 100 triệu người mắc bệnh loãng xương thì có khoảng 3 triệu người bị xẹp đốt sống, hơn 1/3 trong số đó trở thành đau mạn tính. Xẹp đốt sống xảy ra ở 25% bệnh nhân nữ trên 50 tuổi và 40% ở bệnh nhân nam 80-85 tuổi. Đây là gánh nặng cho toàn xã hội về mặt y tế lẫn kinh tế.

Dấu hiệu nhận biết loãng xương và xẹp đốt sống do loãng xương

Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Thông thường, người bệnh bị đau xương âm ỉ đặc biệt ở các xương lớn (xương đùi, xương cánh tay…), đau lưng cấp trên nền đã đau cột sống mạn tính tái đi tái lại nhiều lần.

Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống.

Ðau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.

Ðau nhiều xuất hiện sau những chấn thương nhẹ có hoặc không có kèm theo đau kiểu đau dây thần kinh liên sườn…

BS. Vũ cho biết, ở những người bị loãng xương nặng, các hoạt động đơn giản hằng ngày như bước ra khỏi bồn tắm, nâng vật nhẹ, thậm chí hắt hơi mạnh cũng có thể gây xẹp đốt sống hay một số biến chứng khác như gãy cổ xương đùi... Ở những người bị loãng xương mức độ trung bình, lún xẹp đốt sống thường do tác động lực hoặc chấn thương như té ngã hoặc cố gắng nâng một vật nặng. Những người có cột sống khỏe mạnh bị lún xẹp đốt sống thường do chấn thương nghiêm trọng như tai nạn xe hơi, chấn thương thể thao hoặc ngã từ trên cao.

Dễ gây tàn phế

Trên thực tế lâm sàng, BS. Vũ cho biết, nhiều bệnh nhân bị lún xẹp đốt sống sẽ đau đớn, mọi sinh hoạt, lao động sẽ khó khăn. Ngoài đau tại chỗ, người bệnh còn có biểu hiện đau thần kinh liên sườn, biến dạng cột sống gây hạn chế vận động…, đôi khi còn ảnh hưởng đến tính mạng do suy hô hấp, tắc mạch sâu… do bệnh nhân thường phải nằm để giảm đau. Ngoài ra, khi đã lún xẹp nặng gây biến dạng cột sống thì nguy cơ thoái hoá các đốt liền kề, mất vững cột sống càng gia tăng và tiến triển nhanh.

Điều trị lún xẹp đốt sống do loãng xương với những tiến bộ mới

Các phương pháp không dùng thuốc (bao gồm dự phòng và điều trị). Chế độ ăn uống: Bổ sung nguồn thức ăn giàu canxi (theo nhu cầu của cơ thể: từ 1.000-1.500mg hằng ngày, từ các nguồn: thức ăn, sữa và dược phẩm), tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, café, rượu…tránh thừa cân hoặc thiếu cân. Chế độ sinh hoạt: Tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…

Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các dụng cụ, nẹp chỉnh hình (cho cột sống, cho khớp háng) giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông. Sử dụng các thuốc điều trị loãng xương. Các thuốc bổ sung canxi, vitamin D nếu chế độ ăn không đủ (dùng hằng ngày trong suốt quá trình điều trị). Điều trị triệu chứng khi có các biểu hiện đau cột sống, đau dọc các xương… (khi mới gãy xương, lún xẹp đốt sống.

Điều trị ngoại khoa lún xẹp thân đốt sống trước đây chỉ định cho những trường hợp biến dạng cột sống với phương pháp mổ bắt vít vào thân đốt sống qua cuống để cố định cột sống và chỉnh hình. Tuy nhiên, phương pháp này hiện tại bộc lộ rất nhiều hạn chế do tác động lớn vào cơ thể và thời gian hồi phục rất lâu. Hiện nay, chủ yếu áp dụng phương pháp tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng qua da tạo hình đốt sống có bóng hoặc không bóng. Đây là phương pháp đơn giản chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn 2-3 ngày.

Chia sẻ về kỹ thuật tạo hình đốt sống qua da hay còn gọi là đổ xi măng đốt sống, BS. Vũ cho biết: Đây là kĩ thuật bơm vào thân đốt sống bị xẹp hỗn dịch xi măng sinh học (Methylmethacrylate) qua ống thông (Troca) được chọc qua da dưới hướng dẫn của Xquang trong mổ mà không cần phải phẫu thuật. Mục đích làm giảm đau, làm bền vững cột sống, tránh gù vẹo cột sống tiến triển. Chỉ định cho những trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương gây đau hoặc lún xẹp do chấn thương. U máu thân đốt sống thể tiến triển. Các tổn thương u gây tiêu hủy thân đốt sống (di căn cột sống thể tiêu xương, đa u tủy, u hạt tế bào ái toan).

Bệnh nhân được can thiệp bằng kỹ thuật này thường hết đau ngay sau khi được bơm xi măng, khoảng 2 tiếng sau có thể đi lại bình thường và ra viện. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả ở những người bệnh cao tuổi hay có những bệnh lý tim mạch hô hấp phối hợp.


Nguyễn Khánh
Ý kiến của bạn