Đến xuân Giáp Ngọ 2014, nền văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam vinh dự góp 6 viên ngọc quý - “Lục khúc tương giao” vào kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát xoan Phú Thọ và Đờn ca tài tử Nam Bộ. Vinh dự và tự hào nhưng cũng là những băn khoăn chưa khi nào nhẹ lòng với suy nghĩ làm sao bảo tồn, phát triển, quảng bá đúng tầm vị trí “di sản” không chỉ ở Việt Nam mà còn với bè bạn quốc tế.
“Lục khúc tương giao” Việt - 6 viên ngọc quý di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã làm cho thế giới biết đến một Việt Nam không chỉ có những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bốn mùa hoa thơm trái ngọt, những phong tục tập quán mang nhiều sắc thái đa dạng phong phú... mà còn có những giai điệu say đắm đến kỳ ảo bất kỳ ai một lần nghe. Điều đặc biệt, những giai điệu này lại là “sứ giả” của mùa xuân, mùa của lễ hội, là mối giao duyên giữa con người với thần linh trong phong tục văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nhã nhạc cung đình Huế.
Lấp lánh “Lục khúc tương giao” di sản
Theo sử sách, Nhã nhạc Việt Nam có từ thời Lý (1010 - 1225) nhưng phát triển mạnh và bài bản nhất là vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945). Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình nên lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái, biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Theo người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần.
Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, đặc biệt khi xuân về. Hát xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng..., là loại hình dân ca lễ nghi phong tục với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân.
Đờn ca tài tử là thú chơi tao nhã nơi quê hương, làng xóm của người dân Nam Bộ sau ngày làm việc, sau vụ mùa, lễ, giỗ, Tết... Được hình thành từ thế kỷ thứ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian là loại hình diễn tấu có ban nhạc và người ca là bạn bè chòm xóm, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ..\Vinh danh và bảo tồn -
Tự hào và trăn trở
Trong “Lục khúc tương giao” Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại mà Việt Nam đang nắm giữ thì duy nhất có Nhã nhạc cung đình Huế được xem là thành công trong việc vinh danh - bảo tồn. Tính đến năm 2013 thì Nhã nhạc cung đình Huế tròn 10 năm vinh danh “di sản” nhân loại, theo báo cáo của UNESCO thì cơ bản hồi sinh và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. 10 năm qua, các nghệ nhân lớn tuổi đã giúp các nhạc công trẻ nâng cao nhận thức về di sản, trao truyền cho thế hệ trẻ những ngón nghề và cả kỹ năng biểu diễn. Nhưng Nhã nhạc vẫn đang là thách thức trong việc bảo tồn khi chưa phải là chọn lựa yêu thích ngay cả với những sinh viên âm nhạc...
Với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, giai điệu nối thần linh với con người của miền rừng núi thì quả thật có nhiều trăn trở. Khoác tấm áo “di sản”, nó đã vượt ra ngoài “không gian” thần linh thuần gốc, mất đi tính “nguyên bản” mà nhờ vào đó nó mới được vinh danh. Xưa cồng chiêng chỉ dùng trong nghi lễ, ngày nay cồng chiêng Tây Nguyên ngày càng được đưa vào sử dụng như những hoạt động văn hóa nghệ thuật phổ biến. Chính vì đã mất “không gian” thần linh nên nạn “chảy máu” cồng chiêng gần như đến mức báo động “đỏ”, chưa kể số nghệ nhân biết đánh các bài chiêng cổ cứ mỗi năm mỗi “hao hụt”, không có “măng” hay “tre” nào thay thế.
Quan họ có may mắn là luôn được bảo tồn ngay cả khi chưa được vinh danh “di sản”, nó đã làm “đại sứ” văn hóa để thu phục trái tim bao du khách và bạn bè quốc tế. Hội Lim hàng năm được duy trì khá đều đặn như một sợi dây tình nối Quan họ với đời sống văn hóa. Nhưng Quan họ cũng có nhiều nỗi lo, 4 năm sau vinh danh, Quan họ cũng chỉ có khoảng 300 bài được ký âm và đưa ra giới thiệu, chưa kể hiện tại đều là Quan họ biểu diễn trên sân khấu, bị biến tấu, cải biên, làm sai lạc mất đi tính thuần gốc của Quan họ.
Ca trù và Xoan khi được vinh danh là một vinh dự và tự hào. Trở thành “Quốc bảo” và “Di sản” nhân loại, Ca trù và Xoan không còn bị lãng quên, được công chúng tìm đến thưởng lãm. Mừng nhưng lo khi Ca trù và Xoan đều nằm trong danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, đặc biệt là Ca trù. Theo lộ trình, năm 2014, Việt Nam phải báo cáo với UNESCO việc “cứu” Ca trù ra khỏi tình trạng “khẩn cấp” nếu không sẽ bị rút danh hiệu. Còn Xoan cũng đang trong lộ trình 5 năm “cứu” ra khỏi tình trạng “khẩn cấp” tính từ tháng 11/2011. Hiện tại, Xoan lại không được giới trẻ “mặn mà” tiếp cận.
Dù Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO nhưng hiện tại, nó chỉ được “thuộc lòng” theo 20 bản tổ và đờn ca đúng nhịp, đúng hơi, việc tìm hiểu, truyền bá, nhân rộng cái hay, cái độc đáo của dòng nhạc tài tử Nam Bộ - như một loại nhạc “thính phòng gia đình” nhằm giữ gìn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc gần như chưa có gì.
Không gian cồng chiêng Tây Nguyên.
Bảo tồn sao cho xứng với danh hiệu
Điều lo ngại và cần quan tâm nhất vẫn là 5 “di sản”, trong đó Ca trù đang ngấp nghé bị tước danh hiệu.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, việc bảo tồn nên kết hợp với nhiều ngành, nhiều cơ quan, từ việc tránh nạn “chảy máu” cồng chiêng ra khỏi Tây Nguyên đến việc giáo dục cho lớp trẻ biết yêu quý, trân trọng, có tinh thần bảo vệ vốn văn hóa cổ của dân tộc mình cần phải khai thác vốn cổ âm nhạc cồng chiêng, sử thi Tây Nguyên, trả lại không gian đích thực của nó là rừng núi Tây Nguyên chứ không phải là các sân khấu lớn, biến cồng chiêng Tây Nguyên như một thứ nhạc cụ biểu diễn vô hồn và trống rỗng.
Với Quan họ và Ca trù, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ và Ca trù giai đoạn 2013 – 2020. Riêng Ca trù đang trong giai đoạn “khẩn cấp” đe dọa rút danh hiệu, trước mắt có lẽ cần 3 giải pháp: Có chính sách để các tỉnh có Ca trù thực hiện phục hồi, bảo vệ; Tổ chức nhiều hoạt động, liên hoan để trao đổi kinh nghiệm, giúp các nghệ nhân được trình diễn trước công chúng; Tổ chức các lớp truyền dạy, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chuẩn xác. Ngoài ra, gấp rút khai thác vốn Ca trù cổ từ các “báu vật nhân văn sống” cho việc bảo tồn và phát triển Ca trù trong tương lai.
Cũng là một thông tin vui, Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại Hát xoan Phú Thọ” giai đoạn 2013 - 2020 đã được Bộ VH,TT&DL báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đờn ca tài tử Nam Bộ, ngay từ bây giờ, nên xác định, có định hướng phát triển cụ thể cho từng Câu lạc bộ đờn ca tài tử của địa phương. Chỉ khi tập trung đào tạo được một Câu lạc bộ đờn ca tài tử mũi nhọn, đỉnh cao thì khi đó mới có thể xây dựng được âm nhạc đờn ca tài tử có nét văn hóa riêng của từng tỉnh, đồng thời cũng là để bảo tồn, định hướng phát triển môn nghệ thuật “tài tử” này.
Không chỉ “Lục khúc tương giao” của Việt Nam được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà Việt Nam còn đang trình UNESCO một số loại hình nghệ thuật khác để được vinh danh trong tương lai. Vì thế, việc bảo tồn, phát triển, quảng bá các “di sản” này không thể chỉ tự thân “di sản” mà đòi hỏi tất cả chúng ta cùng có ý thức, chung tay, xem như chính báu vật của cá nhân mình.
Hoài Hương