Rất tiếc là một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa để ý đến vấn đề này, chỉ khi có bệnh mới đi khám bệnh hoặc đến bệnh viện, thì bệnh đã là mạn tính, bệnh đã nặng, rồi rất nhiều bệnh phối hợp, không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Nhiều người có bệnh nhất là các bệnh mạn tính cứ kỳ vọng đến bệnh viện tuyến trung ương, gặp các bác sĩ giỏi, kỹ thuật cao, tốn rất nhiều tiền thì bệnh sẽ khỏi, sẽ hết bệnh. Nhưng thực tế khi đã có bệnh thì điều trị bệnh đa số là điều trị phần ngọn và giải quyết các rối loạn hậu quả, nhiều khi chỉ có thể điều trị cho bệnh ổn định và tránh nặng lên đã là thành công lớn của cả các bác sĩ lẫn người bệnh.
Giống như một ly pha lê đã bị bẩn và bị nứt, thì có thể làm sạch hơn nhưng khó có thể nào làm cho cái ly hết nứt được, thậm chí nếu cố gắng làm sạch thì cái ly có thể vỡ tan.
Cơ thể con người chúng ta là một thực thể sống hoàn chỉnh có cấu tạo cực kỳ tinh vi, phức tạp. Nhưng vì rất tinh vi và phức tạp nên cơ thể con người cũng rất "mong manh", dễ bị tổn thương khi có các tác động bất lợi, có khi là rất nhỏ, từ môi trường sống, từ khí hậu, từ thức ăn nước uống, từ các nguồn bệnh, ...
Các bệnh lý nhất là các bệnh lý mạn tính khi biểu hiện thường là hậu quả của các hành vi, tác động có hại cho sức khỏe có thể nhỏ nhưng lâu dài mà không được chú ý đến, ví dụ như miễn dịch cơ thể bị suy giảm là do hậu quả của ăn uống không đúng, cơ thể không được vận động đúng cách, không được tiếp xúc với thiên nhiên, thức khuya, ... kéo dài.
Phòng bệnh và duy trì sức khỏe là một quá trình thường xuyên và lâu dài, giống như ta có cái xe nếu cứ chạy mãi mà không thường xuyên bảo dưỡng nó, sẽ có một ngày ta bị chết máy giữa đường. Nếu nói về phòng bệnh thì chuyên ngành Y học cổ truyền cũng có nhiều quan điểm rất hay và thú vị, cần được nghiên cứu và áp dụng, như Đại danh y Tuệ Tĩnh đã tổng kết: "Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình". Hoặc các phương pháp Dưỡng sinh và Tập thở cũng cũng như Thiền tập là những phương pháp rèn luyện sức khỏe và phòng bệnh cũng rất đáng được lưu tâm nhưng còn chưa được chú ý nhiều. Chính bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với bài tập thở dưỡng sinh đã sống tới 50 năm sau khi phải cắt bỏ phổi phải và một phần phổi trái do di chứng của bệnh lao, là một tấm gương điển hình.
Cho nên, ngoài các yếu tố khách quan hoặc không thể thay đổi được như tuổi, giới, di truyền, gen, môi trường sống, ... thì để phòng tránh bệnh tật cũng như duy trì sức khỏe thì vai trò quan trọng nhất lại chính là bản thân chúng ta. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm với chính sức khỏe và tình trạng bệnh tật của bản thân.
Những câu chuyện dưới đây do bản thân bác sĩ trải nghiệm, xin được chia sẻ từ thực tế công tác khám, chữa bệnh của mình.
Một người bệnh nhân nữ, 35 tuổi, nhà ở ngay Hà Nội, cách đây hơn 1 năm đi khám sức khỏe ở một bệnh viện tư nhân, được bác sĩ kết luận là "có vấn đề về thận" và khuyên nên đi khám lại chuyên khoa Thận ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh nhân vì bận công việc, rồi nghĩ là không quan trọng nên đi khám bệnh ngay. Đợt này bệnh nhân đi khám bệnh, xét nghiệm thấy có suy thận rõ (ure 14 mmol/lít, creatinin 180 umol/lít), xuất hiện thiếu máu, hai thận đã xơ hóa (siêu âm thấy tăng âm vang) và gợi ý do viêm cầu thận mạn (có protein và hồng cầu trong nước tiểu). Xem lại xét nghiệm cũ tại bệnh viện tư đã thấy có suy chức năng thận (ure 13 mmol/lít, creatinin 150 umol/lít), có thiếu máu nhẹ, và gợi ý viêm cầu thận từ xét nghiệm nước tiểu, hình ảnh siêu âm ổ bụng thời điểm mô tả hai thận còn bình thường.
Nếu cách đây hơn 1 năm bệnh nhân đi khám bệnh ngay thì các bác sĩ chuyên khoa Thận sẽ phải chẩn đoán bệnh cho rõ ràng: Suy thận cấp hay đợt cấp suy thận mạn? Nguyên nhân gây suy thận mạn là gì? Khả năng là viêm cầu thận mạn, thì viêm cầu thận nguyên phát hay thứ phát? Các nguyên nhân thứ phát gây viêm cầu thận chắc chắn phải tìm như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch máu, bệnh kháng thể kháng màng đáy, ... Rồi bệnh thận IgA cũng là một nguyên nhân quan trọng gây viêm thận và suy thận thường gặp ở Việt Nam, tiên lượng cũng xấu nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Và, đương nhiên thời điểm cách đây hơn 1 năm chắc chắn chỉ định sinh thiết thận sẽ được đặt ra nhằm chẩn đoán bệnh được chính xác hơn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì đã không còn chỉ định sinh thiết thận do hình ảnh siêu âm thận đã thấy thận bị xơ hóa rõ ràng. Nếu chẩn đoán được nguyên nhân của viêm cầu thận thì tùy theo từng thể tổn thương có thể phải chỉ định điều trị các thuốc nhóm corticoid và/hoặc các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị tình trạng viêm thận và góp phần làm chậm tiến trình xơ hóa thận. Bác sĩ cũng đã phải giải thích tiên lượng trong tương lai người bệnh sẽ phải điều trị thay thế thận suy, như lọc máu và ghép thận.
Một trường hợp khác là một người bệnh nữ 39 tuổi, cách đây 1 năm đã khám tại Bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán bệnh thận mạn tính giai đoạn IV, bệnh nhân không mang theo giấy tờ nhưng vẫn nhớ thời điểm đó xét nghiệm creatinin huyết thanh 240 umol/lít, nhưng chỉ điều trị theo đơn thuốc 1 tháng rồi bỏ điều trị. Đợt này người bệnh thấy mệt, buồn nôn, ăn kém, đầy bụng khó tiêu nên đến bệnh viện tỉnh khám, được chỉ định phải nhập viện để điều trị nội trú. Người bệnh mang theo xét nghiệm đã làm ở bệnh viện tỉnh lên khám, bác sĩ xem các xét nghiệm thấy ure 24 mmol/lít, creatinin 530 umol/lít, thiếu máu mức độ vừa, xét nghiệm nước tiểu gợi ý có viêm cầu thận mạn, hai thận đã teo nhỏ và xơ hóa rõ, tăng huyết áp giai đoạn II, mức lọc cầu thận giảm nặng tức là đã ở bệnh thận mạn tính giai đoạn V (bệnh thận giai đoạn cuối). Bác sĩ giải thích bệnh viện tỉnh đã làm đầy đủ các xét nghiệm, không cần làm thêm gì nữa, cũng chỉ cần kê đơn điều trị ngoại trú và tiếp tục theo dõi sát tình trạng bệnh. Vợ chống người bệnh cũng thừa nhận là do ở quê, hoàn cảnh kinh tế, rồi chủ quan với bệnh nên không theo dõi điều trị định kỳ. Chính vì có tăng huyết áp nhưng không được điều trị, rồi chế độ ăn không được điều chỉnh nên thận nhanh bị xơ hóa hơn, nhanh dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy gia đình người bệnh cũng phải chuẩn bị về tâm lý và tài chính trong tương lai gần để điều trị thay thế thận như lọc máu chu kỳ và ghép thận.
Đó chỉ là một vài câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện mà bác sĩ đã gặp trong công việc thường ngày.
Chúng ta thường hay được bác sĩ khuyên và ngay cả truyền thông vẫn luôn nói "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" thế nhưng để thực hiện được nguyên tắc đó thì không phải ai cũng làm được.
Đừng để lúc khỏe thì 'ôi dào', chỉ đến khi ốm mới lại 'giá như'.