Trước thực trạng này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, luật sư Trương Thanh Đức cho hay: Nếu chưa nhận thức được tác động nghiêm trọng của những hệ lụy này, tiếp tục để tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp còn tồn tại, chúng ta sẽ phải trả những cái giá vô cùng đắt trong tương lai, có khi bằng cả sức khỏe và mạng sống của cả cộng đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức
Chế tài xử phạt còn nhẹ
Để thay đổi được tình trạng gây hại môi trường như hiện nay của nhiều doanh nghiệp, trước mắt, chúng ta cần phải chú trọng về mặt pháp luật. Bởi thứ nhất, hệ thống pháp luật của VN về môi trường vẫn còn tù mù, chưa chặt chẽ, không rõ ràng. Thứ hai, chế tài xử phạt còn thấp. Việc xử phạt, xử lý mới chỉ ở mức chung chung, ở mức độ vi phạm hành chính, loay quanh vài triệu đến vài trăm triệu đông, mặc dù thực tế gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với số tiền xử phạt.
Có thể so sánh với việc xử phạt giao thông gần đây đã được quy định hết sức cụ thể, nghiêm khắc. Chính phủ đã liên tục sửa đổi các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính bằng cách tăng mức phạt để đối phó với tình trạng thực tế. Tác hại gây ra với môi trường còn kinh khủng gấp bao nhiêu lần so với việc vi phạm giao thông, đặc biệt là các nhà máy xả thải nhiều chất độc ra môi trường, mà điển hình là Formosa. Thế nhưng, pháp luật về mảng này, từ quy chuẩn đến chế tài xử phạt, chưa theo kịp, không thay đổi mấy so với thời xưa cũ. Quy định chưa nghiêm khắc, thực hiện chưa nghiêm túc, xử lý còn nương tay. Nhưng quan trọng nhất là chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức cảnh báo, răn đe và trừng trị.
Sắp tới, Bộ Luật Hình sự có quy định xử phạt tội phạm về môi trường đơn giản hơn, thay vì trước kia phải xác định rõ thiệt hại mới xử được tội, thì bây giờ không cần phải chứng minh thiệt hại cụ thể và có thể xử tội đối với cả pháp nhân. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một phần, chỉ áp dụng đối với một số ít trường hợp, còn về cơ bản phải ngăn chặn và xử lý được số đông. Vì vậy, rất cần phải có sửa đổi quy định về xử lý và xử phạt hành chính thật nghiêm khắc, thì mới bảo vệ được môi trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và quy mô, thì cũng đồng nghĩa với chất thải, ô nhiễm và sự tác động tới môi trường cũng tăng lên nhiều. Vì vậy, cần khẩn cấp siết chặt các quy chuẩn và xử lý vi phạm về môi trường, để phòng ngừa và hạn chế những hậu quả nặng nề hơn.
Cần khởi tố vụ án Formosa
Ngoài ra, các quy định về môi trường hiện nay dường như còn bất cập, chưa phù hợp. Sau khi vụ Formosa xảy ra, mới thấy rằng quy chuẩn xả thải áp dụng cho Formosa thấp hơn nhiều so với chuẩn chung của Việt Nam và càng thấp hơn so với chuẩn quốc tế. Do vậy, nếu doanh nghiệp này áp dụng đúng theo quy chuẩn thì cũng gây hại rất lớn đến môi trường, chứ chưa nói gì đến việc có vi phạm, gian dối nghiêm trọng.
Luật pháp cần phải nghiêm khắc và rõ ràng để cho mọi người biết thực hiện và thấy sợ mà không dám vi phạm. Sau đó mới đến việc xử lý kịp thời, nghiêm túc, công khai. Hiện nay, chế tài luật thì nhẹ nhàng, việc xử lý dễ dãi. Điển hình vụ Formosa, đã thừa yếu tố cấu thành tội phạm gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, không thể không khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm hình sự với những người phạm tội. Với một vi phạm về môi trường lớn kinh khủng nhất từ trước đến nay, thì cần phải khởi tố hình sự.
Chẳng lẽ Việt Nam lại bó tay?
Buhtan ghi luôn vào hiến pháp là phải duy trì tối thiểu là 60% độ phủ rừng và trên thực tế còn đạt được 70%. Do đó, quốc gia này còn bán tiêu chuẩn xả thải cho các quốc gia giàu có khác. Các quốc gia có nền công nghiệp phát triển rất mạnh nhưng tỷ lệ và mức độ ô nhiễm thì thấp hơn nhiều so với VN mới ở thời kỳ đầu của công nghiệp hóa. Trong khi, VN vốn nhiều rừng vàng, biển bạc, nhưng đến nay rừng thì bị thu hẹp từng ngày và cạn kiệt, sói mòn, còn ao hồ, sông biển bị hủy hoại, đầu độc, ô nhiễm một cách vô cùng trầm trọng. Chúng ta đi sau, đáng lẽ phải rút ra được bài học để bảo vệ môi trường tốt hơn, nhưng hiện nay đang có nguy cơ ngược lại.
Hơn 30 năm trước, các nhà máy đường ở Thái Lan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông rạch, gây ô nhiễm nặng nề, công luận và người dân lên án mạnh mẽ. Nhờ có luật môi trường kiên quyết bắt buộc, có chế tài chặt chẽ, các nhà máy đường phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm để tiếp nhận nước thải từ một số cơ sở lọc đường quanh vùng thì mới được phép hoạt động. Kết quả là giá đường không tăng bao nhiêu dù đã cộng thêm chi phí xử lý nước thải. Giá bán được người tiêu dùng chấp nhận vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Hơn 30 năm trước, Thái Lan đã làm được, chẳng lẽ bây giờ Việt Nam lại chịu bó tay trong khi nhận thức và công nghệ ngày nay đã vượt xa lúc ấy về xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường?