Luật sư Vũ Gia Trưởng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình nạn nhân trong vụ án Cát Tường kiến nghị thay đổi tội danh đối với ông bác sỹ.
Ông bác sỹ đã để mặc hậu quả xảy ra?
Theo luật sư Trưởng: Khi phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền, BS Tường không phải là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phẫu thuật thẩm mỹ, vì ông ta chưa được Bộ Y tế hay cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Tường chỉ là BS chuyên khoa Ngoại- Phẫu thuật tạo hình.
BS Tường không phải là người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại TMV Cát Tường.
- Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an.
Từ phân tích trên, luật sư Trưởng cho rằng, TMV Cát Tường là cơ sở giả mạo, cơ sở chui và BS Tường là “BS giả mạo”, “BS chui” về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nên không phải là đối tượng để được coi là chủ thể của tội danh được quy định tại Điều 242 BLHS, mà phải truy tố theo tội danh quy định tại Điều 93 BLHS.
“Cứ cho rằng BS Tường cũng như tất cả những người tham gia thực hiện ca phẫu thuật hôm đó không mong muốn chị Huyền tử vong thì hành vi phạm tội của ông bác sỹ vẫn được thực hiện bởi lỗi cố ý vì ông ta có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra”, trích ý kiến của luật sư Trưởng.
Theo luật sư Trưởng, hành vi cố ý của BS Tường còn thể hiện ở sự coi thường tính mạng người khác khi cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật trong tình trạng chị Huyền bị co giật, biến chứng.
BS Tường là người trực tiếp đẩy chị Huyền vào trình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sau đó vẫn cố ý tiếp tục thực hiện đến cùng hành vi nguy hiểm đó, dẫn đến chị Huyền tử vong.
Về nhận thức của người gây tội, luật sư cho rằng: Trong quá trình Tường phẫu thuật cho chị Huyền, nạn nhân luôn ở trong tình trạng biến chứng, co giật.
Ngay khi bắt đầu tiến hành phẫu thuật, khi mới thử thuốc tê cũng như khi mới bơm được 1- 2 ống tiêm, chị Huyền đã có những biểu hiện co giật, sùi bọt mép, người cứng lại...
Trong trường hợp này, về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp thì buộc Tường phải dừng lại ngay ca phẫu thuật để kiểm tra nguyên nhân và xử lý các biến chứng giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này.
Tường hoàn toàn nhận thức được rằng, nếu cố tình tiếp tục phẫu thuật thì có thể xảy ra nguy hiểm đến tính mạng chị Huyền.
Về ý thức: Tường cố tình rút ngắn thời gian phẫu thuật từ khoảng 4 tiếng xuống còn khoảng 2 tiếng, liên tục tiêm thuốc ngủ và thuốc chống nôn mỗi khi chị Huyền lên cơn co giật, cho người giữ đầu, giữ tay chân, đặt gạc vào miệng chị Huyền... để nhằm mục đích tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật.
Vẫn theo quan điểm của ông Trưởng: Ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra của Tường còn được thể hiện ở việc Tường hoàn toàn nhận thức được rằng khi chị Huyền xảy ra biến chứng và rơi vào trạng thái nguy cấp có thể tử vong thì theo quy định của pháp luật về cấp cứu cũng như về y đức, Tường bắt buộc phải tiến hành cấp cứu nạn nhân ngay lập tức, nhưng Tường đã không làm điều đó.
Như vậy, hành vi của Tường trong trường hợp này phải được coi là giết người với hình thức “không hành động”, tức là không làm những việc mà pháp luật quy định buộc phải làm.
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Trưởng cho rằng, hành vi của BS Tường là cố ý tước đoạt tính mạng của chị Huyền nên cần phải truy tố về tội 'Giết người' được quy định tại Điều 93 BLHS thay vì truy tố ông bác sỹ tội 'Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác'.
Vai trò của Đào Quang Khánh đến đâu?
Vẫn theo luật sư Trưởng, cơ quan điều tra và VKS đã khởi tố Tường và Khánh về tội 'Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt' nhưng lại chưa xác định rõ vai trò của từng người trong vụ án.
Luật sư cho rằng, Khánh không bao giờ có thể là chủ mưu trong hành vi xâm phạm thi thể chị Huyền cũng như vứt bỏ xe máy và túi xách của nạn nhân.
Luật sư Trưởng đưa ý kiến: Việc làm rõ nguyên nhân chết của chị Huyền sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như làm sáng tỏ những băn khoăn thắc mắc trong dư luận và gia đình nạn nhân.