Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đang tạm giữ hình sự Lê Thành Công (43 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.
Nạn nhân trong vụ việc là cháu L.H.A. (6 tuổi, con gái anh Công).
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống chiều 19/9, luật sư Nguyễn Anh Thơm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Lê Thành Công cho biết, qua nhiều buổi làm việc, ông Công đã khai nhận chi tiết việc đánh con gái tại nhà vào trưa 16/9.
Thời điểm đó, là buổi kèm học đầu tiên ngoài giờ cho con để chuẩn bị cho buổi học trực tuyến vào tối cùng ngày. Do cháu A. chậm tiếp thu nên ông Công giận dữ, dùng đũa, thanh tre và cán chổi đánh vào chân, tay, mông và lưng con.
Đến chiều, cháu A. có dấu hiệu sốt, nóng người nên gia đình cho bé gái đi tắm và uống thuốc. Sau đó, nạn nhân nôn ói, được gia đình chở đến BV Nam Thăng Long rồi BV Nhi Trung ương cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo luật sư Thơm, thường ngày ông Công rất yêu thương cháu A. và người con trai 4 tuổi. Khi lực lượng chức năng đưa ông Công về nhà để làm việc, ông này liên tục gào khóc, nói muốn chết và nhiều lần đập đầu vào cửa kính.
Đánh giá về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh, hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con, dù là để dạy dỗ thì đó là không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ.
"Đây là sự việc rất đáng tiếc từ cách dạy con trẻ đến kỹ năng ứng phó với triệu chứng bất thường trẻ nhỏ. Ông bố đã thừa nhận việc đánh cháu là sai và rất hối hận", luật sư Nguyễn Anh Thơm thông tin.
Bên cạnh đó, theo luật sư, để xem xét cụ thể hành vi của người bố cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Nếu hành vi đánh con chỉ là nguyên nhân gián tiếp và bé gái tử vong vì nhiều yếu tố khác nữa thì ông Lê Thành Công sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cố ý gây thương tích quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù.
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, thông qua những số liệu thống kê gần đây cho thấy, thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở nước ta đang ở mức báo động. Những vụ việc được phát hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ nặng nề hơn.
"Mỗi em bé từ khi sinh ra, được đăng ký khai sinh, đã trở thành một công dân của đất nước. Đặc biệt, công dân nhỏ tuổi lại càng được nhà nước quan tâm và bảo vệ. Người lớn đang tự cho mình quyền đánh đập con cái chỉ vì con học kém, không bằng "con nhà người ta".
Dường như ngày nay, người lớn chịu nhiều áp lực, sức ép từ xã hội, mà khi về nhà có nhiều cách ứng xử không đúng với con cái. Do vậy, người lớn cũng cần phải học những kỹ năng làm cha làm mẹ để nuôi dạy con cho tốt", bà Ninh Thị Hồng chia sẻ.