Hà Nội

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy: Chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn!

26-05-2018 13:29 | Pháp luật
google news

SKĐS - Bào chữa cho Trần Văn Sơn, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy đã đưa ra các quan điểm và phân tích về trách nhiệm của Trần Văn Sơn, đồng thời cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cho bị cáo Trần Văn Sơn được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nhiều chứng cứ đã bị “bỏ lọt”

Luật sư Thủy cho rằng, từ công việc của bị cáo Bùi Mạnh Quốc bảo dưỡng lọc rửa máy lọc thận, cho đến khi mà máy được khởi động và kết nối với người bệnh thì còn những “nút chặn” nào? Thực tế Bộ Y tế đã có những văn bản tương đối cụ thể trong việc ngăn chặn này. Trách nhiệm sau sữa chữa việc kiểm tra đầu tiên theo Quy chế bệnh viện của Bộ Y tế (1997) là thuộc về ông Trần Văn Thắng – Trưởng phòng Vật tư – TBYT. Đây là nút ngăn chặn đã bị bỏ không làm rõ trong quá trình điều tra. Và như vậy, trong các phần xét hỏi, HĐXX cũng không nói đến trách nhiệm của ông Thắng trong việc này. Ông Thắng là người đầu tiên phải kiểm tra trang thiết bị y tế, sau khi đã kiểm tra trang thiết bị y tế an toàn, tiếp theo sẽ được chuyển sang tiếp theo là Điều dưỡng.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng HĐXX chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn và bỏ lọt nhiều chứng cứ, nhân chứng quan trọng

Phân tích về việc này, Luật sư Thủy cho rằng trong phiên tòa này tôi chưa thấy ai hỏi kỹ càng về cơ cấu tổ chức của Điều dưỡng là gì? Tôi cảm thấy chúng ta rất mơ hồ về điều dưỡng, làm cho mọi người lầm tưởng là điều dưỡng trực thuộc đơn nguyên thận nhân tạo. Nhưng thật ra điều dưỡng là một Phòng riêng biệt trực thuộc Giám đốc và đây là phòng quan trọng có nhiều chức năng. Phải nói rằng việc vận hành của phòng điều dưỡng này liên quan đến tất cả các hoạt động của Bệnh viện, nếu không có phòng điều dưỡng có thể nói BV khó mà hoạt động khám chữa bệnh được.

Làm rõ luận điểm này, Luật sư Thủy đã viện dẫn vào Thông tư 07/TT-BYT ban hành năm 2011 của Bộ Y tế về Hướng dẫn công tác điều dưỡng và chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Ở đây Phòng Điều dưỡng quan trọng đến mức người ta thành lập hẳn Hội đồng điều dưỡng. Một lãnh đạo của BV sẽ là chủ tịch, thường trực là Trưởng phòng Điều dưỡng và các thành viên các phòng ban khác. Như vậy, Bộ Y tế đã ban hành hẳn một Thông tư riêng về Phòng Điều dưỡng để đánh giá mức độ quan trọng của phòng này.

Bên cạnh đó, có một mấu chốt mà cũng chưa thấy các luật sư để ý để hỏi được quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Thông tư này nêu rõ: “Chăm sóc người bệnh có chỉ định phẫu thuật, thủ thuật. Quy định rằng, trước khi đưa người bệnh đi phẫu thuật, thủ thuật thì Điều dưỡng viên, hộ sinh viên phải: a) Hoàn thiện thủ tục hành chính; b) Kiểm tra lại công tác chuẩn bị người bệnh đã được thực hiện theo yêu cầu đã được phẫu thuật, thủ thuật; c) Đánh giá lại dấu hiệu sinh tồn tình trạng người bệnh và báo lại cho bác sĩ điều trị nếu người bệnh có những dấu hiệu bất thường.

Quan điểm của Luật sư Thủy là việc khởi động máy chưa đánh giá được hành vi có phạm tội hay không. Chỉ khi nào máy này được kết nối vào người bệnh, chúng ta mới đánh giá được tính chất của sự việc và hậu quả xảy ra.

Trong phiên tòa này tôi cũng chưa thấy nêu các yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo, đã bị HĐXX bỏ qua như: Quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình; việc 5 chiếc máy lọc thận nhân tạo đã được bênh viện lắp đặt không báo cáo Sở Y tế, nếu các nạn nhân tử vong vừa qua lại được kết nối điều trị tại 5 máy này, thì trách nhiệm của ai? Bên cạnh đó, những nhân chứng có liên quan đến vụ án được luật sư đề nghị triệu tập cũng không được HĐXX mời. Nhiều chứng cứ hồ sơ quan trọng khác chưa được đưa vào, có những lời khai bị bỏ qua như lời khai của anh Quân không được làm rõ…

Trần Văn Sơn không phải là người của BVĐK tỉnh Hòa Bình?

Nói về tư cách của bị cáo Trần Văn Sơn trong vụ án này, luật sư Thủy cho rằng việc phân công công tác Sơn trong bệnh viện thời gian xảy ra sự cố là không hợp pháp? Phân tích vấn đề này luật sư Thủy viện dẫn Quyết định của Sở Nội vụ số 1014, ngày 12/7/2013 về việc tuyển dụng viên chức xác định thời hạn sử dụng lao động 24 tháng đối với Trần Văn Sơn.

Sau khi được ủy quyền của Giám đốc Sở Y tế thì ông Trương Quý Dương BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng lao động có thời hạn với Trần Văn Sơn từ ngày 01/8/2013 đến ngày 31/7/2015 và khi hợp đồng này kết thúc, từ ngày đó đến nay không có hợp đồng nào ký tiếp theo với Trần Văn Sơn. Như vậy, Trần Văn Sơn tồn tại ở BVĐK tỉnh Hòa Bình với tư cách gì? Không có hợp đồng làm việc, về mặt pháp lý là Trần Văn Sơn không tồn tại giấy tờ của bệnh viện, như vậy Trần Văn Sơn không phải là người của bệnh viện quản lý. Và như vậy Trần Văn Sơn có phải là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Có thể phân công công việc cho Trần Văn Sơn không? Đề nghị HĐXX xem xét làm rõ.

Luật sư Thủy cho rằng, trên những căn cứ đưa ra quan điểm bào chữa cho Trần Văn Sơn là chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc cho bị cáo Trần Văn Sơn được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

 


Trần Lâm
Ý kiến của bạn