Hà Nội

Luật sư đề nghị cho bị cáo Trần Văn Sơn tại ngoại

29-06-2018 07:34 | Pháp luật
google news

SKĐS - Văn phòng luật sư Việt Lý - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội vừa có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị cho tại ngoại và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Trần Văn Sơn từ “tạm giam” thay thế bằng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” là phù hợp.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy và luật sư Phạm Quang Hòa, Văn phòng luật sư Việt Lý - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn bị TAND TP. Hòa Bình đưa ra xét xử vì tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999:

Phiên xử sơ thẩm diễn ra công khai và có rất nhiều tình tiết mới xuất hiện có lợi cho bị cáo Sơn; như việc chứng minh hệ thống máy lọc nước RO số 2 không đạt tiêu chuẩn; chứng minh Sơn và Quốc chưa bàn giao máy vì chưa sửa xong mà các điều dưỡng viên đã tự thông báo cho Đơn nguyên lọc thận nhân tạo là đã sửa xong và cho vận hành máy; chứng minh năng lực chuyên môn của bệnh viện trong khám và điều trị bệnh cũng như xử lý sự cố là không đáp ứng được yêu cầu; chứng minh việc phân công nhiệm vụ cho Sơn là không phù hợp vì vào ngày nghỉ có người khác trực và trong thời gian Sơn được cử đi học; chuyên môn công việc của Sơn không đáp ứng được công việc đã phân công trong khi người có đủ năng lực là anh Trần Thanh Kiếm thì lại không được phân công mà lại điều chuyển sang Phòng Hành chính; chứng minh trách nhiệm kiểm tra sau sửa chữa thuộc về ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Vật tư trang thiết bị y tế của bệnh viện; chỉ số xét nghiệm AAMI là tự nguyện, tham khảo và chưa được công nhận bằng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam vì thế hợp đồng ký kết giữa Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn không bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm này; mặt khác, Bộ Y tế cũng không đưa ra được tên của xét nghiệm là gì và xét nghiệm ở đâu tại Việt Nam nên điều khoản này trong hợp đồng là không thể thực hiện được.

Điều quan trọng hơn cả là tại phiên xử sơ thẩm phía bệnh viện cũng đã công nhận là từ ngày 1/8/2015 đến nay bệnh viện không ký hợp đồng làm việc với Sơn và như vậy về mặt pháp lý Sơn không thể là chủ thể của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được; ngoài ra còn có dấu hiệu việc làm giả hợp đồng làm việc để đổ tội cho Trần Văn Sơn cũng cần được làm rõ.

Luật sư đề nghị cho bị cáo Trần Văn Sơn tại ngoạiĐơn đề nghị của Văn phòng luật sư Việt Lý.

Mặt khác, trong suốt quá trình điều tra vụ án, Trần Văn Sơn đã trình bày một cách đầy đủ những vấn đề mà cơ quan điều tra yêu cầu; trong quá trình xét xử Sơn cũng rất thành khẩn khai báo và cảm thấy có lỗi; mặc dù có những lời khai buộc tội một chiều của điều dưỡng Điệp và Hằng, hay của ông Thắng trưởng phòng, Sơn hoàn toàn có thể bác bỏ. Chúng ta có thể nhận thấy việc đưa ra các chứng cứ để buộc tội đối với Trần Văn Sơn chưa được thuyết phục, trong khi đó thời hạn tạm giam đối với Trần Văn Sơn để điều tra đến nay đã là quá dài (thiếu vài ngày là tròn 1 năm).

Với thực tế như đã nêu ở trên, căn cứ vào các quy định của pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý tội phạm, các luật sư cho rằng, việc tiếp tục tạm giam Trần Văn Sơn để thuận tiện cho quá trình điều tra, xét xử vụ án là không cần thiết bởi: Trần Văn Sơn đã luôn có sự hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án, thành khẩn khai báo tại phiên tòa và không có căn cứ gì để chứng tỏ Trần Văn Sơn sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra, xét xử vụ án nếu như được tại ngoại; Thời gian tạm giam đối với Trần Văn Sơn đến nay đã quá dài (gần 1 năm); Trần Văn Sơn có địa chỉ cư trú rõ ràng, có thể tiếp nhận và thực hiện giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng bất cứ lúc nào; Quá trình công tác, Trần Văn Sơn được đánh giá có nhân thân tốt, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin mến. Như vậy, Trần Văn Sơn chưa có tiền án, tiền sự, không phải là đối tượng xấu, nguy hiểm cho xã hội, không có dấu hiệu bỏ trốn hay cản trở công tác điều tra hoặc có thể tiếp tục phạm tội nên việc áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại Điều 119 Bộ luật TTHS là thực sự không cần thiết.

Bên cạnh đó, so sánh với bị cáo Hoàng Công Lương với cùng tội danh như nhau, vai trò như nhau, Sơn thành khẩn khai báo và có nhiều tình tiết giảm nhẹ đã được thể hiện trong “Cáo trạng” của VKSND tỉnh Hòa Bình, nhưng lại bị tạm giam trong khi Lương đã được tại ngoại, điều này về mặt khách quan cần phải xem xét để đảm bảo công bằng cho bị cáo Sơn.

Từ những vấn đề nêu trên, các luật sư đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ và quyền hạn của mình căn cứ vào Điều 123 Bộ luật TTHS và các quy định khác của pháp luật ra quyết định cho tại ngoại và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trần Văn Sơn từ “tạm giam” thay thế bằng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” là phù hợp nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, qua đó còn thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.


Ngọc Thanh
Ý kiến của bạn