Luật Quy định về quyền lợi người hiến tạng như thế nào?

30-06-2024 11:14 | Y tế
google news

SKĐS - Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội ban hành năm 2006, trong Luật tại điều 17 có quy định về quyền lợi của người hiến mô, bộ phần cơ thể người.

Hiến tạng là gì?

Hiện nay pháp luật không quy định rõ hiến tạng là gì nhưng có thể căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 có quy định như sau:

Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.

Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được quy định tại Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 như sau:

- Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.

- Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

- Không nhằm mục đích thương mại.

- Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hiến tạng là việc hiến mô, bộ phận cơ thể của mình dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Việc hiến mô, bộ phận cơ thể của mình có thể được thực hiện khi còn sống hoặc sau khi chết.

Luật Quy định về quyền lợi người hiến tạng như thế nào?- Ảnh 1.

Ca ghép chi thể từ người hiến sống được thực hiện tại Việt Nam.

Với những người hiến tạng khi còn sống Luật quy định quyền lợi của người tham gia hiến như sau:

Theo đó, tại điều Điều 17 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 có quy định về quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người như sau:

Quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người

1. Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

2. Người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây:

a) Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;

b) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

c) Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

d) Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

...

Theo quy định trên, quyền lợi của người đã hiến tạng bao gồm như sau:

- Người đã hiến mô:

+ Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến;

- Người đã hiến bộ phận cơ thể người:

+ Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;

+ Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

+ Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

+ Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chế độ tài chính về khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến bộ phận cơ thể người được Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể tại Thông tư 104/2017/TT-BTC.

Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng, quy định này và một số quy định khác của Luật có điểm hạn chế, bất cập đã có nhiều Hội thảo diễn ra nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này.

Theo đó, có ý kiến đề xuất đối, đối với người đã hiến tạng nên xem xét quy định được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng (để tránh việc hiểu quy định hiện nay chỉ biết là được cấp nhưng không rõ được cấp đến bao giờ?); Đối với người hiến bộ phận cơ thể người mà đã có thẻ bảo hiểm y tế thì cần xem xét quy định được mức hưởng chế độ bảo hiểm y tế ở mức cao nhất khi khám bệnh, chữa bệnh; Xem xét mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với người hiến mô;…Ngoài ra, cần làm rõ thời điểm ngay sau khi hiến đối với trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến.

Mục tiêu xây dựng chính sách nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta, từ đó giúp cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về suy mô tạng. Đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người hiến, người ghép mô, bộ phận cơ thể người và tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, việc sửa đổi bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng ở Việt Nam đặc biệt là quyền lợi của người hiến là việc rất cần thiết.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn