Cần nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân
Phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ chiều 26/5 về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua. Dịch COVID-19 đã chỉ ra không ít những bất cập, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến để dự án Luật phù hợp hơn với thực tiễn, trong đó cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp, bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.
"Mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng. Vì thế, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm. Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện mã định danh của cá nhân để thuận tiện trong theo dõi quá trình khám, chữa bệnh của người dân từ khi sinh ra đến khi chết đi, giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, phân tuyến tốt hơn", đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao làm việc tại Việt Nam. Bởi trên thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, trong khi nhiều bác sĩ giỏi nước ngoài sang Việt Nam làm việc thì chúng ta lại không sử dụng thì rất lãng phí. Vì thế, việc xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra là hết sức cần thiết.
Luật gắn liền với lợi ích người bệnh
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) cho rằng, từ thực tiễn cho thấy việc sớm thông dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân để khi mắc bệnh chỉ cần 10 phút là có thể được tiếp cận với y tế.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề cập đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh cho người dân, trong đó chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa để phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nếu cần có thể chúng ta xây dựng hẳn một chương trong dự thảo Luật để có quy định cụ thể hơn về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55). Trong đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí kỳ vọng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này sẽ đem đến nhiều thay đổi. Luật phải thực sự là gắn liền với lợi ích người bệnh hơn và sửa đổi bổ sung những điều bất cập, khiếm khuyết thời gian qua dẫn đến nhiều hệ lụy trong khám chữa bệnh và giải quyết vấn đề của cán bộ y tế.
Còn nhiều băn khoăn về cấp chứng chỉ hành nghề
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình (Đoàn Đại biểu tỉnh Thái Bình) cho biết, trong sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, bà quan tâm tới vấn đề đang xin ý kiến là cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan soạn thảo có đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2025 đối với đối tượng y sĩ, chỉ để y sĩ trong lực lượng vũ trang.
"Theo tôi, cần tính toán lại vì đối tượng y sĩ này đang công tác ở tuyến y tế cơ sở là chính, qua đại dịch COVID-19 vừa rồi chúng ta thấy y tế cơ sở đang yếu cả về số lượng và chất lượng, những người y sĩ là những người hoạt động tích cực ở tuyến này. Không những như thế, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đang thiếu nhân lực y tế và đối tượng y sĩ phù hợp với các đơn vị này", đại biểu Dung nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhận định, y sĩ được đào tạo 2-3 năm như trước thì không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân cũng như thực tế. Vấn đề ở đây đặt ra không phải là ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng này, đồng nghĩa bỏ mã chức danh này.
"Chúng ta phải xem xét nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ để họ đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở khi chúng ta không đảm bảo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở hiện nay", đại biểu Dung kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết thêm, dự án luật lần này đã đề cập vấn đề phát triển y tế cơ sở nhưng chưa đủ, cần có chính sách và quan tâm hơn nữa. Mặc dù Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều Nghị quyết và văn bản đề ra. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh cần được nghiên cứu để có những điều luật cụ thể hơn để tạo điều kiện cho y tế cơ sở thực sự phát triển.