Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải không ngừng nâng cao chất lượng
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 bổ sung quy định buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định khá chi tiết về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tổ chức việc sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh. Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về kết quả khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề thuộc thẩm quyền quản lý.
Công khai thời gian làm việc và danh sách người hành nghề, thời gian làm việc của từng người hành nghề tại cơ sở. Niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu tại cơ sở và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề theo quy định của Luật này. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chấp hành quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
Tổ chức lực lượng bảo vệ, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với hình thức tổ chức, quy mô của cơ sở; phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông báo cơ quan công an có thẩm quyền trên địa bàn để phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ người bệnh là người bị bạo lực, xâm hại.
Giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp tình trạng bệnh và yêu cầu của người bệnh trong một số trường hợp cụ thể. Tham gia các hoạt động y tế dự phòng theo quy định của pháp luật và mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.
Quy hoạch hệ thống y tế tránh dàn trải
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn. Việc thay đổi này góp phần mang tới nhiều lợi ích như tối ưu hóa việc đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch tránh dàn trải, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chuyên môn trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Cụ thể là những kỹ thuật cơ bản, mang tính phổ biến phải được cung ứng dịch vụ ngay tại cấp cơ bản và cấp ban đầu, tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn, hạn chế phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối gây tốn kém và quá tải bệnh viện tuyến cuối.
Bên cạnh đó, việc thay đổi này sẽ khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện như: Nhiều bệnh viện hạng 2 (chủ yếu tuyến huyện) đã thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật của tuyến tỉnh; hoặc một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của tuyến trung ương... nhưng không được nâng hạng hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên.
Điều đáng nói, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí giường lưu để theo dõi và điều trị cho người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đề cao việc phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được độ bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.
Có thể nói, việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giảm nguồn lực đầu tư cho y tế. Mặt khác, người bệnh có thể tiếp cận được với các thầy thuốc có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng kinh tế, xã hội để được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện mà không phải đến bệnh viện của trung ương. Từ đó giúp giảm chi phí điều trị và giảm quá tải cho các bệnh viện ở Trung ương.