Đặt lợi ích người dân lên trên hết
Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Cụ thể, Điều 3, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 nêu rõ: Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
Ngoài ra, 7 nhóm đối tượng sẽ được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh gồm: Trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trong đó, tình trạng cấp cứu theo định nghĩa của Luật mới là sức khỏe hoặc hành vi xuất hiện đột ngột của một người mà nếu không được theo dõi, can thiệp kịp thời có thể dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể, tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với cơ quan, bộ phận cơ thể hoặc tử vong ở người đó hoặc đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng đối với người khác.
Nâng cao chất lượng người hành nghề
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng đưa ra nhiều quy định để nâng cao chất lượng người hành nghề.
Luật cũng quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, những chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Có thể nói, việc quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp là một trong những quy định mới so với Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 với mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động và chất lượng của người hành nghề.
Ngoài ra, để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề nhằm duy trì và không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, hạn chế tối đa các sai sót.
Nhằm hạn chế gây xáo trộn hoạt động của người hành nghề hiện nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã quy định lộ trình đối với việc gia hạn Giấy phép hành nghề.
Bên cạnh đó, trong thời gian kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn đến ngày hết hạn ghi trên giấy phép hành nghề, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thực hiện việc gia hạn hoặc nếu không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không thực hiện việc gia hạn. Trường hợp đến ngày hết hạn ghi trên giấy phép hành nghề mà không có văn bản trả lời thì giấy phép hành nghề tiếp tục có hiệu lực là 5 năm.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, anh Phùng Đức Hiếu Anh (quê Bắc Ninh) cho biết: "Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thể hiện những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của ngành Y trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách. Luật đi vào cuộc sống không chỉ giúp hệ thống y tế hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn mà còn tạo ra rất nhiều thuận lợi cho người dân trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh".